Chuyến Âu Du Kỳ Thú (2)

Đỗ Văn Phúc

Lúc ban đầu, chúng tôi dự tính đi từ Paris đến Amsterdam, thủ đô nước Netherland, rồi qua Vienna (Austria), ghé về Munich (Germany) rồi về Paris lại. Sau đó, lại đổi vòng đi từ Paris, đến Venice (Italy), Vienna, Munich, Paris.

Nhưng sau khi nghe bạn bè nói về mùa khô hạn kéo dài tại Nam Âu mà các con sông ở Venice chỉ còn trơ đáy; các anh chèo gondolier gác mái ngồi ngáp vặt. Thêm vào, những chuyến đi xa phải chuyển tàu ở nhiều trạm; có vẻ nhiêu khê, nhất là với chúng tôi, lần đầu tiên đi trên các chuyến đường dài, e ngại không kịp tìm ra chuyến tàu khác để leo lên. Vì thế, chỉ dám chọn các tuyến gần không phải đổi tàu.

Lên xe lửa từ London lúc trưa. Tàu chạy một hồi qua các đường hầm là vào nội địa Belgium ở phía đông bắc nước Pháp.

Từ khung cửa sổ của con tàu, chúng tôi có dịp quan sát quang cảnh đồng quê Âu Châu. Những cánh đồng cỏ xanh rì mơn mởn trải dài như vô tận. Trên cái thảm màu xanh mượt mà đó, điểm những đốm trắng hay đen trắng. Đó là những chú bò, chú cừu đang tha thẩn đứng ngồi nhai cỏ. Cũng giữa những tàn cây cao trong khu thôn làng, thấp thoáng những mái ngói đỏ tươi và đó đây, những tháp chuông nhà thờ vươn lên trời cao. Khung cảnh thật đẹp và thanh bình gợi trong chúng tôi một sự thèm khát và tiếc nuối vì đã chịu trải qua một cuộc đời đầy sóng gió, gian truân. Tuổi thanh nhiên thì đối đầu với kẻ thù hung ác trong lửa đạn ngút trời; rồi mười năm tù đày, bị hành nhục tra tấn. Qua tuổi trung niên cho đến khi gần về già thì lo cơm áo làm lại cuộc đời nơi xứ người xa lạ, chưa hề có một ngày thật sự thanh bình, nhàn hạ.

Tàu đỗ ở ga Brussels Midi. Theo bản đồ, từ đây về khách sạn đã đặt trước chỉ khoảng 20 phút đi bộ. Nhưng khi ra khỏi ga thì khó định hướng ngay vì cái bản đồ Google trên cell phone nó cứ quay ngang, quay dọc liên hồi. Chúng tôi ghé vào một tiệm café để hỏi, thì không một ai trong tiệm hiểu được tiếng Anh. Người Belgium chỉ nói hai thứ tiếng chính là Pháp và Deutsch. Deutsch là ngôn ngữ chung của khoảng 100 triệu người tại các nước Bắc và Trung Âu như Germany, Austria, Switzerland, Belgium, Luxembourg… Không rõ có phải chữ Đức Quốc mà chúng ta đọc trại theo Hán tự xuất phát từ chữ Deutsch này hay không. Vì người Hoa dọc danh xưng German là Nhật Nhĩ Man, (Jư-ơr-man).

Hóa ra vì chúng tôi đọc tên Hôtel Van Belle theo kiểu Anh “Hou-tel Vaen Bel” trong khi dân bản xứ đọc là “Ô-ten Van Ben” nên họ không hiểu chúng tôi muốn gì. Ngay cả tên đường Rue Chassee de Mons cũng khó đọc theo lối Belgium!

Khách sạn nằm ngay con đường phố ở khu vực có nhiều di dân từ Đông Âu và Ả Rập cư trú.  Vì thế, dọc con đường thấy đa số là các tiệm ăn của họ. Khi đi qua một tiệm, thấy bên ngoài cửa có hình ảnh những món ăn hấp dẫn; mùi thịt nướng thơm ngào ngạt bay vào mũi! Chúng tôi ghé vào thấy đông nghẹt khách nhưng chỉ có một chú chạy bàn khoảng 15, 17 tuổi. Chờ một hồi mới được chú quan tâm mò đến. Chúng tôi chỉ vào hình hai đĩa thức ăn với những xâu thịt bên cạnh rau xanh và cà chua. Hồi lâu, chú mang ra hai cái khay, có loại bánh bột như loại tortilla của dân Mexico, và một rau và thêm ba cái chén nhỏ xíu với thứ gì sền sệt; chắc là các thứ gia vị. Lại chờ, chờ đến gần 10 phút. Chúng tôi nhìn nhau “chẳng lẽ họ mang lộn món chay cho mình?”

Đói qua, chúng tôi đành cho rau vào cái bánh cuốn lại rồi ăn. Thật là nhạt nhẽo, vô duyên. Khi có dịp chú bồi bàn đi lại gần, chúng tôi mới gọi chú và chỉ lên cái xâu thịt trong hình trên menu. Hoá ra, hai xâu thịt đang được nướng, chưa chín kịp để mang ra vì tiệm quá đông khách!

Hôm sau, ngày 7 tháng 5, chúng tôi được cô tiếp tân chỉ đường đi thăm Mini Europe và Bảo Tàng Atomium ở thị trấn Heizel, các trung tâm Brussels khoảng năm dặm. Từ trạm Metro gần khách sạn, đi theo đường số 6 cho đến trạm áp chót là Heizel chừng nửa giờ. Hai bên đường, thấy những nông trang với những căn nhà nhỏ lợp ngói đen nằm êm đềm bên những con sông hẹp, dòng nước như ngừng chảy vì không thấy một gợn sóng nào.

Mini Europe là một Âu Châu thu nhỏ. Trên một khoảnh đất không rộng lắm, người ta dựng lên các lâu đài, kiến trúc, cảnh quang tiêu biểu của tất cả 27 quốc gia khối Liên Âu và cả nước Anh (vì đã tách khỏi Liên Âu vào tháng Một năm 2020). Trong khi các nước Liên Âu dùng đồng Euro, thì Anh trở lại dùng đồng sterling. Mấy năm trước khi Biden cầm quyền, đồng đô la Mỹ có giá trị cao hơn các đồng euro và sterling. Hiện nay thì đảo ngược lại; một đô la chỉ bằng 0.8 sterling và chưa tới 0.9 Euro.  Đi du lịch Âu Châu, chỉ cần đổi chút đỉnh tiền khoảng 100 euro dằn túi cho các chi phí lặt vặt; còn thì dùng thẻ credit hay debit đều tiện lợi, ngay cả dùng thẻ để mua vé xe điện, xe bus, taxi…

Trở lại Mini Europe. Tại mỗi khu tiêu biểu của một nước nào đó, đều có tấm bảng nhỏ ghi các chi tiết cần biết và một nút đỏ đế bấm lên nghe quốc thiều nước đó. Chúng tôi thấy có đủ các từ tháp Eiffel, Arc de Triumph của Pháp, cổng Brandenburg của Đức, tháp Pisa của Ý, lâu đài cung diện của Anh, Romania, Hungary, Bulgaria, những căn nhà dân Viking thời cổ xưa của Denmark, một ngôi làng của Netherland vân vân. Nói chung gần như đầy đủ về nét văn minh, văn hoá các nước Âu Châu tập trung nơi đây. Những ai không có dịp đi hết vòng các nước Âu Châu, có thể ghé qua đây cũng tạm mãn nguyện.

Chúng tôi còn đi thăm viện bảo tàng hội họa, điêu khắc ở khu trung tâm thành phố. Có hàng ngàn tranh ảnh lớn nhỏ của từng thời đại trưng bày trong một toà nhà lớn ba hay bốn tầng lầu. Đi lên, đi xuống đến khi hai chân rã rời thì đành bỏ cuộc.

Ngày 8, chúng tôi lại lên tàu đi Luxembourg. Đây là một trong những quốc gia nhỏ và ít dân nhất Âu Châu. Với dân số 644 ngàn người sống trên một mảnh đất chỉ rộng 2600 cây số vuông, mà lợi tức bình quân hàng năm là 135 ngàn đô la, Luxembourg được xem là nước giàu có nhất Âu Châu. Do đó, các phương tiện giao thông công cộng đều miễn phí. Thành phố sạch không một tàn thuốc, không một cọng rác.

Từ khách sạn ở trung tâm thành phố, bước chừng 50 mét đến nhà ga trung tâm rồi đi xe lửa theo tuyến đường về hướng bắc khoảng gần 22 dặm đến ga Ettelbruck, rồi chuyển qua xe bus đi về Vianden thêm chừng mười dặm nữa là đến Vianden Castle, toà lâu đài cổ kính nhất Âu Châu. Trên con đường theo tuyến xe lửa hay xe bus là một chuỗi những cảnh quang nên thơ. Cây cao hai bên đường vươn ra, đan vào nhau làm thành một cái mái che khổng lồ dài theo con đường. Nhà cửa, trang trại cũng êm đềm trong ánh nắng mai ấm áp.

Nguyên thủy, lâu đài Vianden là một pháo đài của quân Roman từ thế kỷ thứ 4. Nó được đánh giá là pháo đài lớn nhất thời đó ở phía tả ngạn sông Rhine. Dần dần, nó được xây cất thành một lâu đài rộng lớn từ thế kỷ 11 cho đến khi hoàn tất vào thế kỷ 14 để trở thành trú sở của các vương công Luxembourg. Nó nằm trên một ngọn đồi cao 310 mét (cao hơn 100 mét so với con sông Our và thị trấn bên dưới). Lâu đài có chiều dài 90 mét, được tu bổ nhiều lần; có lúc cũng bị bỏ hoang phế nhất là sau thời đại Phục Hưng. Qua các phòng trong lâu đài, chúng ta thấy được từ cách sinh hoạt, bếp núc, ăn ngủ của các quí tộc, hiệp sĩ, giai nhân thời trung cổ.

Thật không bõ công khi phải đi bộ trên các con đường hẹp và khúc khuỷu với độ dốc chừng 20 độ rồi càng dốc cao hơn khi đến chân đồi nói toà lâu đài ngự trị. Những con đường rất hẹp chỉ vừa cho hơn một chiếc xe chạy và không có lề cho bộ hành. Nhưng cũng may là không có nhiều xe chạy qua. Những căn nhà trồng và chưng hoa đủ màu sắc bên ngoài khung cửa sổ hay gần thềm nhà. Những hình ảnh này gợi nhớ thiết tha đến thành phố Đà Lạt ngày xưa của chúng ta.

Trở lại Paris ngày 10, chúng tôi để ra một ngày tròn lái xe đi Normandy, nơi gần 80 năm trước, liên quân Mỹ-Anh-Canada đã hoàn tất một cuộc đổ bộ táo bạo lên bờ biển nới quân Đức Quốc Xã phòng thủ rất kiên cố với hàng ngàn con ngựa sắt rải kín dọc theo bãi biển và hàng chục pháo đài kiên cố. Cuộc đổ bộ càng hiểm nghèo vì bờ biển tiếp giáp với các vách đá dựng đứng thủ thách lòng can đảm phi thường của quân đồng minh. Nơi đây mỗi bên tổn thất rất cao. Con số ước lượng trong cuộc chiến ở Normandy theo Britannica là 30 ngàn lính Đức tử trận, 80 ngàn bị thương và 210 ngàn mất tích mà phần lớn là bị đồng minh bắt làm tù binh. Phía Hoa Kỳ có 29 ngàn tử trận và 106 ngàn vừa bị thương, vừa mất tích.

Bãi biển Omaha, nơi chúng tôi ghé thăm có một khu đất rộng mà chính phủ Pháp hiến tặng để làm nghĩa trang là nơi an nghỉ của 9000 binh sĩ Hoa Kỳ. Ở đó có đài tưởng niệm, viện bảo tàng mà hàng năm thu hút hàng triệu du khách, đặc biệt vào ngày kỷ niệm D-Day (6 tháng 6, năm 1944) mà chúng ta từng xem qua cuốn phim vĩ đại “The Longest Day” do một dàn tài tử gạo cội của Mỹ đóng như John Wayne, Kenneth More, Richard Todd, Robert Mitchum, Richard Burton, Sean Connery, Henry Fonda, Red Buttons, Peter Lawford, Jeffrey Hunter, Rod Steiger, Curd Jürgens, George Segal, Robert Wagner, Paul Anka.

Cách Omaha Beach về phía tây không xa là Point du Hoc. Đó là vị trí hiểm nghèo nhất trong các vị trí đổ bộ của liên quân đồng minh. Ở mũi đó là một vách đá cao 35 mét với độ dốc thẳng đứng được phòng thủ bởi một loạt các pháo đài và nhiều ổ súng máy. Tại đây, lực lượng Biệt Động Quân Hoa Kỳ đã hao tốn khoảng hai phần ba quân số mới chế ngự được mục tiêu sau hai ngày chiến đấu cật lực.

Trên đường từ Omaha về lại Paris, chúng tôi dừng lại ở Caen, một thị trấn nhỏ nhưng là nơi cư trú của giai cấp giàu có địa phương và cả các tài tử nghệ sĩ nổi tiếng của Hoa Kỳ. Thị trấn này mang tên Ville aux Cent Clochers (thành phố Trăm Chuông) vì có rất nhiều nhà thờ Thiên Chúa. Thị trấn kế là Honfleur, ngay chỗ sông Seine chảy ra biển ở English Channel và được coi là kinh đô của kẹo , chocolate và nougat, nhưng cũng lại nổi tiếng về những căn nhà cổ xây từ thế kỷ 16 trong đó có căn nhà của danh hoạ phái impressionism là Claude Monet.

Ở Paris ngày chót, chúng tôi được anh chị Bảo Tuấn mời ăn trưa với món gỏi trái su và tô phở thơm ngon tuyệt hảo. Lại có dịp làm quen với Võ Sư  Phan Toàn Châu, Chưởng Môn phái Tây Sơn Võ Đạo.

Chúng tôi rời Paris sang ngày thứ Bảy 13 tháng 5 trên chuyến bay của hãng United Airline. Chuyển phi cơ tại Newark (NY) và về đến thành phố  nhà lúc hơn 6 giờ chiều (cùng ngày, do phi cơ bay ngược chiều quay của trái đất) để hôm sau mở rộng cửa đón con cháu đến chung vui ngày hiền mẫu.

Thật là một chuyến đi tuy ngắn ngày, nhưng kỳ thú, xem và học hỏi được nhiều điều.

Đỗ Văn Phúc.