Chuyến Âu Du Kỳ Thú

Đỗ Văn Phúc

Lần lữa mãi vì cơn dịch Covid-19 mà đến cuối năm 2022, chúng tôi mới quyết định thực hiện một chuyến du lịch qua Âu Châu mà mục đích chính là để thăm viếng cựu Thiếu Tá Nguyễn Chí Hiền, người chỉ huy khả kính mà anh em sĩ quan trong Tiểu Đoàn 4/8, Sư Đoàn 5 Bộ Binh thân mật gọi là “Anh Tư”, có khi là “Anh Tư Mắt Kiếng.”

Anh Hiền từng nổi tiếng khi coi Đại Đội 5 Trinh Sát của Sư Đoàn. Anh về coi Tiểu Đoàn 4/8 lúc tôi đã bị thương ở Đồng Xoài, còn nằm Tổng Y Viện Cộng Hoà chờ tái khám. Khi tôi về lại đơn vị, Đại Đội của tôi đã do Dương Quang Bồi – bạn cùng khóa- chỉ huy. Anh Hiền, do sự giới thiệu của cựu Tiểu Đoàn Trưởng là Đại Úy Vũ Quang Thiều, đã cho tôi theo Trung Úy Nguyễn Hữu Đát học nghề một thời gian ngắn rồi lên làm đại đội trường thay thế anh Đát khi anh bị thương ở trận Long Nguyên.

Anh Hiền là một cấp chỉ huy có đủ các yếu tố can đảm, thao lược, có óc tổ chức, cư xử với thuộc cấp công bằng và thân ái. Do đó, tiểu đoàn chúng tôi hành quân rất thành công, gặt hái nhiều chiến công đáng kể. Dương Quang Bồi thăng cấp đặc cách cuối năm 1970 và đoạt danh hiệu Chiến Sĩ Xuất Sắc của Quân Đoàn 3, được thưởng đi Đài Loan du ngoạn; tôi nhận gần nửa tá Anh Dũng Bội Tinh kể cả Dương Liễu và Vàng chỉ trong vòng chưa tới một năm. Anh Hiền thường tự hào rằng anh là cấp chỉ huy đầu tiên trong quân đội dám sử dụng một lúc ba sĩ quan khóa 1 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị làm đại đội trưởng tác chiến!

Giữa năm 1973, khi tôi từ Sư Đoàn 2 Không Quân về Tổng Y Viện Cộng Hoà chờ ra Hội Đồng Y Khoa để giải ngũ; tôi lại gặp anh lúc này vừa bị thương, mất một con mắt và một ngón tay. Lẽ ra được giải ngũ, anh tình nguyện ở lại quân đội và được Trung Tướng Phạm Quốc Thuần bổ nhiệm làm Quận Trưởng Quận Châu Thành, tỉnh Bình Dương.

Rồi sau tháng Tư đen 1975, qua bao nhiêu trại tù Cộng Sản, tôi lại gặp anh ở trại trừng giới A-20 Xuân Phước vào khoảng năm 1980 khi anh được chuyển từ trại Nam Hà ở ngoài Bắc về đây, Chúng tôi tuy khác đội, nhưng cùng một nhà. Dù trong hoàn cảnh tù đày, anh vẫn giữ phong cách chững chạc của một người chỉ huy. Áo quần lúc nào cũng sạch sẽ, tươm tất; lời nói và cử chỉ lúc nào cũng nghiêm trang nhưng từ tốn.

Khi ra tù, tôi đi Mỹ; còn anh thì qua Pháp vì có hai con trai vượt biên từ trước, đang định cư ở Paris. Anh có qua Mỹ và thăm tôi một lần khoảng 10 năm trước đây; rồi sau này do sức khoẻ yếu, anh không còn dịp đi xa nữa. Đến lượt tôi, lại hẹn thăm anh và cứ lần lữa mãi cho đến cuối năm 2022, khi nghe anh bị nhiều tai biến phải vào ra bệnh viện để giải phẫu và cấp cứu.

Tôi thường xuyên gọi điện thoại thăm anh và động viên “anh hãy ráng lên, sống thêm một thời gian  để vợ chồng em qua thăm anh vào tháng 5 sắp đến.” Nhưng buồn thay, anh không chờ được, và đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5 tháng hai sau khi đòi cháu Quân phải gọi chú Phúc “cho Cha được chào chú thím lần chót.”

Sở dĩ chúng tôi phải kể dông dài mối quan hệ đặc biệt thâm tình giữa anh Tư Hiền và chúng tôi, để quí vị thấy chuyến đi của chúng tôi có một mục đích khác thay vì du lịch vui chơi nơi xứ lạ.

Sau một hành trình dài gần 15 giờ từ Austin – Toronto – Paris, phi cơ đáp xuống phi trường Charles de Gaulle lúc 8:30 sáng ngày 2 tháng 5, 2023. Nơi đây đã có cháu Quân – con trai thứ hai của anh Hiền – chờ sẵn đưa về nhà cháu ở một vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Paris để nghỉ ngơi đôi chút Tiện thể, chúng tôi ra nghĩa trang viếng mộ anh Hiền và vào viện dưỡng lão thăm chị trước khi đến khách sạn.

Cảm nhận đầu tiên khi đến Paris là cung cách làm việc thiếu khoa học của nhân viên phi trường. Hành khách, thay vì được di chuyển trong khuôn viên phi cảng, thì bị cho xuống trên sân (tarmac) rồi leo lên mấy chiếc xe bus cũ kỹ tồi tàn, không có ghế ngồi. Cả mấy chục người đứng bám vào bất cứ thứ gì bám được, lắc lư theo nhịp xe qua nhiều nơi như đang trong thời kỳ sửa chữa rồi dừng lại trước một cửa lớn của một hành lang. Tại đây, không có bảng chỉ dẫn nào mà chỉ có một nhân viên đang la hét bằng tiếng Pháp, hai tay xua hành khách như đuổi tà vào hai hay ba hàng dọc ngoằn ngoèo dài cả hàng chục mét. Chúng tôi ngơ ngác không biết phải đứng vào hàng nào, chỉ nghe anh ta hét liên tiếp “passport, passport!” Khi thấy tấm thông hành của tôi trên túi áo ngực, anh ta lùa hai vợ chồng tôi vào cái hàng dài nhất đang uốn đến 3 đường theo chữ S. À, thì ra những hành khách nội địa thì qua hàng bên kia; còn khách ngoại quốc thì vào hàng này để qua thủ tục quan thuế và an ninh.

Paris hoa lệ, từng được tôn vinh là kinh thành ánh sáng đây rồi!

Chúng tôi đặt phòng ở khách sạn nhỏ ngay trung tâm Paris. Khách sạn nằm trên con đường nhỏ Rue des Deux Boules (đường Hai Hòn) chạy ra đại lộ Rivoli, chỉ cách hai cầu Pont Neuf và Pont au Change bắc qua sông Seine chừng trăm mét. Từ đây, có thể đi bộ đến đền Pantheon, Bảo Tàng Viện Louvre, nhà thờ Notre Dame nổi tiếng, vườn Luxembourg trong vòng từ 5, 10, 20 phút.

Đúng là khách sạn nhỏ! Cái gì cũng nhỏ. Lobby chỉ bằng cỡ phòng ngủ nhỏ bên Mỹ, thang máy chỉ chứa được hai người mà phải ép vào nhau thì cửa mới chịu đóng. Được cái này, mất cái nọ. Than phiền mà chi!

Ngay tối hôm đó, chúng tôi được ra bờ sông Seine để biết Paris by Night ra thế nào! Pháp dưới trào Tổng Thống Macron và đám lãnh đạo đảng Xã Hội đã chủ trương tiết kiệm năng lượng kiểu cách mạng xanh nên tắt hết đèn ờ hàng chục cây cầu bắc qua sông Seine. Chỉ có tháp Eiffel bên kia sông là được thắp sáng từ chân lên đến đỉnh. Nhìn một dãy bờ sông tối mò, chúng tôi đùa nhau “thôi thì thưởng thức Kinh Thành Bóng Tối vậy!”

Paris sống về đêm nhiều. Đường phố khi nào cũng tấp nập người qua lại; đa số là dân gốc Phi Châu và Đông Âu. Nạn móc túc được báo động rất thường xuyên tại các trạm hay trên xe điện ngầm, xe bus, những tụ điểm du khách, vân vân. Sau này, đi London, cũng nghe những báo động tương tự.

Lưu thông trên đường sá Paris thì đúng là một ác mộng đối với người ngoại quốc! Những con đường đã hẹp, lại bị cắt ra bớt hai làn một cho xe bus, một cho xe hai bánh. Những chiếc xe nhỏ chạy chen nhau trên con lộ không thấy vạch sơn phân làn. Mạnh ai nấy chen; cứ lủi đầu xe vào là xe kia đành phải né nếu không muốn va chạm mất thì giờ, rắc rối. Xe hai bánh cứ phóng ào ào, len vào bất cứ khoảng trống nào có thể chen được. Không phải chỉ trong đường phố, mà ngoài các đường lộ khác cũng thế. Hỗn độn và nguy hiểm vô cùng. Các tay lái cừ khôi ở Hoa Kỳ chưa chắc đã dám cầm lái ở Paris.

Qua ngày 3 tháng 5, chúng tôi đến Khải Hoàn Môn (Arc de Triumph) rồi đi thăm Bảo Tàng Quân Đội (Musée de l’Armée Invalides) nơi có lăng mộ Hoàng Đế Napoleon Bonaparte. Bước qua hai cánh cổng lớn. đi vào một sân rông lót đá mà hai bên là hai dãy súng đại bác màu đồng đen; phía trên cao, ngay chính giữa hành lang tầng hai là bức tượng Napoleon với bàn tay phải đút vào trong vạt áo khoác như thường thấy. Quan tài của ông bằng gỗ quí đồ sộ nằm nghiêm trang ngay giữa một vòng tròn (rotunda) ngay dưới cái vòm (dome) chính của lâu đài. Phía trước lá một bàn thờ rất tráng lệ; xung quanh là các phần mộ của các vị tướng khác như Thống Chế Foch, Paul Landowski. Tại đây, chưng bày các kiểu quân phục, vũ khí, quân dụng của Quân Đội Pháp từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17. Lại có một phần dành cho thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, trong đó có ảnh tượng các vua từ Louis XIV đến vua Napoleon đệ III. Một cánh của lâu đài dành triển lãm về hai cuộc đại chiến Thế Giới thứ nhất và thứ hai; trong đó đặc biệt là phần dành Tướng Charles de Gaulle và cuộc chiến tranh giải phóng nước Pháp do ông lãnh đạo.

Chiều, chúng tôi đến tháp Eiffel, ngoạn cảnh sông Seine êm đềm trước khi đi thăm khu cung điện Versailles. Đây là một công trình vô cùng vĩ đại. Trên một khu đất rộng mênh mông, toà cung điện dành cho các vua Pháp thật huy hoàng, tráng lệ. Chúng tôi lần lượt thăm từng căn phòng dành cho vua, hoàng hậu, các thái tử, hoàng tử và công chúa; có cả các phòng dành cho viên chỉ huy Ngự Lâm. Tất cả đều trang trí hoa văn tây phương màu sắc nhã nhặn và sang trọng. Bước vào phòng của Hoàng Hậu Marie Antoinette, chúng tôi chợt rùng mình nghĩ tới hình ảnh bà bị quỳ gối đưa chiếc cổ xinh xắn chờ lưỡi dao oan nghiệp hạ xuống kết liễu đời mình. Phía sau lâu đài là mênh mông chi địa một vườn hoa đầy màu sắc, nối tiếp là một công viên lớn mà ở giữa là hai kênh đào làm thành một hình chữ thập. Trong và ngoài lâu đài, có đến hàng trăm bức tượng đá sống động, lớn gấp rưỡi người bình thường được dựng hai bên các lối đi. Muốn đi cho hết khu vực này, có lẽ phải mất một vài ngày như chơi.  Chúng tôi đành bỏ qua khu Trianon nằm bên phải công viên. Nó được xây dựng năm 1762, dành làm nơi cho các vua Louis XIV và Louis XV lui về an hưởng vui chơi với các bà tình nhân sau những ngày triều chính mệt mỏi.

Sáng ngày 4 tháng 2, trước khi ra Gare du Nord để đi London, chúng tôi đến thăm Basilique du Sacré Coeur de Montmartre. Thánh đường này nằm trên đỉnh đồi khu Montmartre mà chúng ta từng nghe danh về những hoạt động của giới văn nghệ sĩ Pháp từ hàng trăm nay.

Toà kiến trúc  được xây từ năm 1875 và hoàn tất năm 1914.  Nó dài 85 mét, rộng 35 mét và cao 83 mét, nằm ở độ cao 200 mét so với mực nước sông Seine. Như thế, quí vị có thể tưởng tượng du khách phải leo đến cả ngàn bậc thang mới đến chân thánh đường mà từ đó có thể nhìn xuống thấy toàn cảnh thành phố Paris! Tuy đã ở giữa độ tuổi 70s, và dù đã quá mỏi chân sau một ngày trước đi thăm nhiều nơi, vợ chồng chúng tôi cũng không chùn bước, quyết chinh phục cho bằng được độ cao này để một lần trong đời, chiêm ngưỡng toà thánh đường nguy nga này. Người ta kể rằng hàng năm, trong những ngày lễ nào đó, các tu sĩ sẽ vác thánh giá đi bộ từ dưới đường phố, leo lên đến thánh đường để cảm nhận nỗi đau đớn của Chúa Jesus khi ngài mang thánh giá ra đồi Golgotha để chịu hành hình hơn hai ngàn năm trước.

Gần trưa, chúng tôi ra ga đáp xe lửa đi London, chặng thứ hai trong cuộc Âu du.

Nghĩ rằng xe lửa là phương tiện thuận lợi nhất khi đi thăm các nước Âu Châu vì các ga xe lửa thường có các trạm xe điện ngầm, chúng tôi mua vé Eurail trả một lần cho bốn ngày di chuyển trong vòng một tháng. Đi xa hay gần, nhiều hay ít chuyến, miễn sao đi trong bốn trong 30 ngày của một tháng. Có điều lạ là trên nhiều tuyến xe, khách dù đã mua vé, vẫn bị bắt buộc mua ghế ngồi thì mới có ticket để lên tàu.

Chỉ vài giờ sau, chúng tôi đến London, đi xe điện về đến trạm gần khách sạn Grand Royale London Hyde Park nằm sát công viên Hyde Park nổi tiếng, chí cách điện Kensington chừng 25 phút đi bộ. Đây là khách sạn 4 sao trong một khu vực yên tĩnh và an toàn; lobby rộng rãi, trang trí sang trọng, đẹp mắt; căn phòng mhũcũng khá rộng và đẹp. Tuy nhiên thất vọng vô cùng khi cái phòng tắm thì bé tí teo. Bồn rửa mặt nhỏ như đồ chơi thằng cháu nội, bế ngang đo được một gang tay. Nhà cầu và phòng tắm hoa sen cũng mỗi thứ vuông vức chừng 2 x 2 feet. Kiểu này mấy ông bà phì lũ đành chịu không làm sao ngồi, đứng cho lọt!

Điều thuận tiện nhất là khách sạn rất gần một khu phố sầm uất, lại có hai trạm xe điện Bayswater và Paddington kế bên để có thể đi trong thành phố tiết kiệm tiền taxi. Tuy nhiên, cũng mất nhiều thì giờ để nghiên cứu các tuyến xe điện sao cho khỏi lạc.

Chúng tôi đến London ngày thứ năm, 4 tháng 5. Hai hôm sau là ngày lễ đăng quang của vua Charles đệ III. Đường phố London trang hoàng lộng lẫy để chuẩn bị cuộc lễ vị đại này. Tại các bùng binh thường thấy hoa đèn bao quanh một vương miện khổng lồ đính nhiều kim nhũ.

Sáng hôm sau, chúng tôi ra cầu London chơi. Trời London mấy hôm đó lạnh và có mưa nhẹ.

Nghe du khách Việt Nam kháo nhau rằng quận Soho có khu China Town mà thức ăn Tàu được đánh giá ngon nhất thế giới! Chúng tôi kêu taxi đến Soho. Nhưng anh tài xế thả xuống ở một khu của người vùng Địa Trung Hải. Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Chúng tôi đứng núp dưới mái che một tiệm ăn Hy Lạp và bị anh chủ quán ngon ngọt dụ vào thưởng thức đặc sản Địa Trung Hải. Thì cũng là chất bột dưới hình thức kebab ăn kèm các món thịt và ít rau cải, cà chua.

Ăn xong, vừa ra đi thêm chừng vài phút là lọt vào Chinatown. Lúc này, bụng đã no đầy còn chỗ nào mà chứa thêm lỏ miến, há cảo, mìn páo, vân vân. Đi một vòng ra đến một công viên nơi có bức tượng nhà đại thi hào Shakespeare. Chỗ nào cũng ngổn ngang các vật dụng trang trí và những nhân công đang đội mưa lo hoàn tất công viên cho ngày lễ trong đại vào hôm sau.  Tiếc quá, vì không biết sớm, nên chúng tôi đã có chương trình đi Brussels vào trưa thứ bảy, mất một dịp hiếm hoi trong đời. Tuy nhiên cũng tự an ủi phần nào, vì nếu còn ở lại, chắc gì đã chen được vào cái đám đông hàng trăm ngàn người để có thể mục kích diễn tiến buổi lễ!

Ngày mai đi Brussels. Xin hẹn các vị bài sau vậy.

Đỗ Văn Phúc.