Góp Ý với Hoài Nam, Tác Giả “70 Năm Tình Ca trong Tân Nhạc Việt Nam”

Đỗ Văn Phúc

Tình cờ, một buổi tối tại nhà một người quen ở Seattle, sau bữa ăn, chúng tôi ngồi quây quần ở phòng khách và được chủ nhà mở cho nghe một loại các video mang chủ đề “70 Năm Tình Ca trong Tân Nhạc Việt Nam” do Hoài Nam thực hiện được đài SBS (Australia) phát hành.

Thật là một bất ngờ vì từ hàng chục năm qua, chúng tôi chỉ có thể nghe qua từng cuộn băng rời rạc về các chủ đề, hay về từng ca sĩ mà chưa hề nghe đến công trình biên soạn vô cùng công phu, giá trị này. Đây thực sự là một kho tàng âm nhạc Việt Nam mà sẽ tồn tại qua năm tháng về sau cho dù qua thêm bao nhiêu thăng trầm lịch sử.

Chúng tôi không biết có phải chính ông Hoài Nam hay ai khác là người thực hiện công trình này, mà chỉ biết ông Hoài Nam là người giới thiệu xuyên suốt gần 100 cuốn video

Giọng đọc của ông Hoài Nam rất ấm áp, khoan thai, truyền cảm và nhất là phát âm rất chuẩn mực của một người Hà Nội có trình độ.

Chúng tôi xin nhiệt liệt ca ngợi công trình này và cám ơn ông Hoài Nam đã bỏ bao công sức thực hiện, sắp xếp theo trình tự thời gian và chọn lọc những bản nhạc hay nhất của các nhạc sĩ..

Nhưng khi nhìn thấy phần caption hiện trên màn hình, chúng tôi có phần phân vân, thất vọng. Vì có quá nhiều lỗi chính tả sơ đẳng. Có đến khoảng 60%, 70% những chữ mang dấu hỏi ngã đều viết sai. Ví dụ: ‘sửa  lời’ viết thành ‘sữa lời’,  ‘lỡ làng’ viết thành ‘lở làng’, ‘bẽ bàng’ viết thành ‘bẻ bàng’, ‘nỗi lòng’ viết thành ‘nổi lòng’, ‘dang dở’ thành ‘dang dỡ’, ‘trải qua’ viết thành ‘trãi qua’. Nhiều lắm kể ra không hết. Khi một người bạn nhắc chúng tôi rằng các băng audio về chủ đề này của Hoài Nam đã có và nổi tiếng từ rất lâu. Chúng tôi lại suy đoán rằng môt vị nào đó đã bỏ công sức soạn thành băng video và chính ông ta (chứ không phải chính tác giả Hoài Nam) ghi lại lời giới thiệu lên màn hình và đã có quá nhiều lỗi như thế. Suy đoán này có lẽ hợp lý vì hiện nay, có rất nhiều người thiện chí hay vì yêu chuộng văn nghệ, đã tự bỏ công đọc truyện các tác giả nổi tiếng rồi ghép hình, làm thành những video phát trên YouTube phục vụ công chúng.

Chính khuyết điểm này làm mất đi một phần giá trị của những băng nhạc. Ngoài ra còn nhiều lỗi typo mà lẽ ra không nên có; nó chứng tỏ sự làm việc thiếu cẩn thận.

Một khuyết điểm thứ hai là phần nhạc dạo đầu của mỗi băng nhạc. Nhạc tình ca Việt Nam, thiếu gì những đoạn nhạc hay để sử dụng khi giới thiệu mà phải mượn vài bản nhạc ngoại quốc! Chúng tôi nghe nhiều lần bản “Tout L’amour” trong phần dẫn nhập của vài clips.

Về hình ảnh: Những hình ảnh minh họa trong các bài hát có nhiều khi không thích ứng với nội dung lời ca. Có khi quá lạm dụng nhiều hình chồng lấn lên nhau làm rối cả mắt người xem. Có khi đăng lên hình một nhân  vật phụ thay vì hình ảnh của nhạc sĩ được giới thiệu. Uổng quá, hình ảnh mờ nhạt vì lấy từ hình sao đi chụp lại nhiều lần nên không rõ nét. Thiển nghĩ các clip này được thực hiện cũng mới đây thôi, khi mà những software làm phim đã tiến rất xa. Nhưng cách chuyển hình (transition, animation) trong các clip có vẻ rất xưa cũ như  sử dụng software sơ cấp như PowerPoint thay vì những software chuyên nghiệp như Pinnacle.

Những bài caption viết tương đối hay, nhưng tác giả đôi khi ghép vào những sáo ngữ vô nghĩa không cần thiết và chướng tai.

Chúng tôi không thể đi lại từ video số 1 đến số 98 để tìm cho hết các khuyết điểm vì phải mất cả vài ngày mới xong. Chúng tôi chỉ xin ghi lại vài điểm thôi.

Chỉ trong ba phút đầu của video clip về Phạm Đình Chương, phần 2, chúng tôi đã nhặt ra những lỗi chính tả (hỏi ngã) và những chữ khó hiểu như sau:

Trích:

Những ‘chuyễn’ cung lạ thường… không gậm nhấm ‘nổi’ đau. .. phải buồn theo ‘nổi’ buồn của mình… Thực ra, đây chỉ là một hình thức lãng mạn hoá, thi vị hoá những mất mát ‘lỡ dỡ’ trong tình yêu… Như một nhát chém ‘hư vô tàn bạo’… Chương để hàm râu ‘chàm ràm’ rậm rịt.

Ngưng trích

Cũng đâu đó trong một caption nói về bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng được Phạm Đình Chương phổ nhạc, đã sửa câu thơ hay là “Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ” thành “Đã hết đất mùa chinh chiến cũ.”

Trong caption giới thiệu nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ (video #12), có các chữ sai như sau:

Trích

“… ‘kỹ niệm’… Nguyễn Thiện Tơ cũng có được một điểm an ủi khi biết rằng những sáng tác từ ‘nữa’ thế ‘kỹ’ trước của mình vẫn tiếp tục đươc phổ biến và yêu mến ở khắp nơi.

Ngưng trích

Và… không thấy hình ông Nguyễn Thiện Tơ mà lại  là hình của Nhạc sĩ Vũ Thành và bức tượng của cụ Nguyễn Du!

Trong tập 6, khi viết về bản Xuân và Tuổi Trẻ của nhạc sĩ La Hối, người ghi caption đã viết “Tiếc điệu của nhạc, nhiệp điệu của thơ…” thay cho ‘tiết điệu, nhịp điệu.’

Ba video clip về nhạc sĩ Duy Khánh, người viết caption đã lấy nhiều phần trong bài viết của tôi “Duy Khánh, một giọng ca vàng truyền cảm đầy tình tự dân tộc, không còn nữa,” viết nhân ngày anh qua đời năm 2003. Bài này được đăng tải và phát thanh trên nhiều báo chí, đài phát thanh, truyền hình ở Hoa Kỳ và cũng đã bị ông TK ‘muợn tạm’ rồi ký tên ông ta để đăng trên báo TV Tuần San ở Australia và đọc hai kỳ trên đài VOA. Trong phần caption của video Duy Khánh nói trên, người viết đã có sửa đổi đôi chút – có thể khoảng 5, 10% – nhưng chi tiết, lời văn, văn phong thì vẫn là của tôi.

Là một người hoạt động văn hoá, tôi cũng như ông Hoài Nam hay bất cứ ai cùng chung lãnh vực; luôn ao ước tác phẩm của mình đạt mức toàn thiện cao trong khả năng của mình. Nếu bài này đến tay ông Hoài Nam, xin ông ghi nhận cảm tình của tôi dành cho ông và cũng xin ông lưu ý các điểm sai tôi nêu ra. sửa lại được thì rất quý. Nó sẽ làm cho những cuốn băng của ông trở nên hoàn thiện hơn.

Đỗ Văn Phúc

Texas, June 20, 2023.