Hết Giải Mã, Nay Lại Giải Ảo

Đỗ Văn Phúc

Năm ngoái, sau vài bài góp ý, hai chữ “giải mã” đã biến mất trên những chương trình thời sự thực hiện qua hệ thống You tube và trang truyền thông xã hội. Xin cám ơn và hoan nghênh tinh thần phục thiện của các vị.

Nhưng hiện nay vẫn còn hai chữ “Giảo Ảo” xuất hiện thường xuyên trên một channel thời sự thế giới trên Facebook hay YouTube.

Trước hết, ẢO là gì?

Ảo là thứ không có thật (false), là thứ do tưởng tượng ra (imaginary), hay do xảo thuật, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tạo ra để làm cho người khác tưởng là thật (magic).

Có những chữ thường nghe như: ảo ảnh, ảo tưởng, ảo tượng, ảo giác, ảo mộng vân vân. Trong toán học có số ảo (imagery number) viết ký hiệu là “i” (I ngắn) mà bình phương của nó là -1 (một số âm):  i2= -1.  Đó là một số số hư cấu, không có thật. Vì bình phương của hai số, dù âm hay dương, thì kết quả luôn là một số dương.  Ví dụ:  22 = 4, (-3)2 = 9.

Ban đầu, số ảo được đặt ra, có vẻ vô dụng. Về sao, các nhà toán học áp dụng được vào các công thức tính toán dòng điện xoay chiều.

Các ví dụ về ảo:

1.- Những người lữ hành trên sa mạc, do sức nóng nung người và do khát nước quá độ; tâm lý bị ảnh hưởng, vào lúc tuyệt vọng nhất có khi nhìn thấy phía trước một hồ nước xanh mát. Thực ra đó chỉ là ảo ảnh; không có hồ nào, mà chỉ là các đồi cát trùng điệp.

2.- Khi lái xe trên xa lộ dưới cơn nóng trên 100 dộ, chúng ta bị ảo giác, thấy những phong cảnh phía trưóc như lay động trong làn hơi nóng dày đặc.

3.- Khi đi xem nhà ảo thuật David Copperfield, chúng ta thấy một cô gái đẹp bị cưa làm hai hay cảnh chiếc xe hiện ra rồi biến mất trong tích tắc trên sân khấuĐó là do ảo thuật.

4.- Vì thương yêu và tương tư qua mức, anh X. đêm nào cũng bị ảo mộng; hể chợp mắt cũng mơ thấy cô Y đến bên mình.

5.- Karl Marx và những người Cộng Sản nuôi ảo tưởng xây dựng ‘Thế giới Đại đồng’ là xã hội hoàn toàn bình đằng, không ai cai trị, không ai bóc lột ai!

Dùng khoa học, lý luận để giải thích những hiện tượng trên, cho người ta biết rằng những thứ đó không hề là sự thật. Đó mới gọi là “Giải Ảo.

Còn khi nói về những biến cố xảy ra trên thế giới, là những việc xảy ra thật chứ không phải tạo ra ảo giác, ảo tưởng để phải cần giải ảo!

Đúng ra, chỉ là loan tin, bình luận và giải thích để thính giả, độc giả hiểu tường tận nguyên nhân, diễn biến và thêm phần nhận định mà thôi. Không có gì là giải ảo.

Nhân đây, cũng xin nhắc qua vài chữ mà một đàn anh của tôi làm chủ bút báo Nguời Việt Illinois đề nghị.

1. Đó là chữ Dông mà nhà văn Vũ Trong Phụng dùng sai trong tựa đề cuốn truyện Giông Tố. Đúng ra phải là “Dông Tố.”

Tự điển Việt Nam chỉ có chữ “Giông” theo nghĩa điều xui xẻo; còn khi dùng trong vấn đề thời tiết, thì đó là chữ “Dông” (dông bão, dông tố).

2. Cũng như chữ Dòng (dòng sông, dòng giống, dòng dõi, dòng họ).

Chữ Giòng không tìm thấy trong tất cả các cuốn tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Huình Tịnh Của, Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Đình Hoà, Trần Văn Kiệm. Các học giả nổi tiếng như Dương Quảng Hàm, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng San… cũng viết “dòng.” . Nhưng vài nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh đã viết Giòng Sông Thanh Thủy; Tú Mỡ, Thạch Lam cũng viết “giòng nước ngược, theo giòng.” Trái lại, Doãn Quốc Sỹ (rể của Tú Mỡ) thì viết Dòng Sông Định Mệnh và nhà văn Nhật Tiến cũng viết Tặng Phẩm của Dòng Sông.

Do những bài viết góp ý, phân tích về chữ nghĩa, ông bạn Nguyễn Gia Quốc của Hội Nhà Báo Độc Lập ưu ái tặng cho tôi hỗn danh “ông Chechu.” Chechu là Chẻ Chữ đấy! Theo ông, tôi là người chẻ chữ ra làm tư để tìm cái sai như người ta vạch lá tìm sâu ấy mà!

Tôi không biết việc chẻ chữ của tôi là tốt hay là xấu? Nhưng nếu là để đóng góp vào việc bảo tồn sự trong sang của tiếng Việt thì tôi sẽ vẫn cứ tiếp tục công việc của mình.

Tôi cũng từng sai dù đã cầm bút nhiều thập niên. Vì là dân miền Trung, tôi cũng từng viết sai dấu hỏi ngã trong rất nhiều bài trước đây. Tôi cũng viết lầm lẫn nhiều chữ như các chữ “che dấu” mà đúng ra là “che giấu.” Tôi cũng từng vội vã phê phán nhiều chữ mà tôi chưa hề nghe tới nên cho rằng sai. Nhưng tôi biết cầu tiến, phục thiện. Đươc ai chỉ điều sai, tôi biết ơn họ và tìm tòi thêm thật kỹ cho đến khi biết chắc chắn đúng/sai. Thường, sau khi viết xong một bài, tôi luôn gửi cho nhiều bạn bè hỏi ý kiến nhờ tìm lỗi chính tả, văn phạm và ngay cả ý tưởng trước khi gửi ra công luận.

Vì thế, tôi xin quí vị tha thứ và không cho rằng tôi “chẻ chữ” để nhằm đả kích ai.

Đỗ Văn Phúc