Liên Hệ Có Phải là Động Từ hay Không?

Đỗ Văn Phúc

Từ hàng chục năm qua, người trong nước Việt Nam thay vì dùng chữ liên lạc, tiếp xúc… đã dùng chữ Liên Hệ như là một động từ khi nói về việc tiếp xúc với ai hoặc tập thể nào đó để cùng làm việc hay giải quyết chuyện gì (Ví dụ: liên hệ công tác; liên hệ với công ty X bằng điện thư để đặt mua hàng) .

Chúng tôi tìm hết các tự điển khả tín trước 1975, chỉ thấy động từ Liên Lạc như nghĩa trên mà không thấy động từ Liên hệ.

Trong Tự Điển Thiều Chửu, có chữ Hệ là liên lạc, Quan Hệ là “Sự gì có can thiệp cả hai bên; để cho vật này lệ thuộc vào vật kia.”

Việt Nam Tự Điển của Lê Ngọc Trụ có chữ Liên Hệ là tĩnh từ, được định nghĩa là “có dính dáng vào, có quan hệ trong một việc.

Việt Hán Tư điển của Huỳnh Minh Xuân cho thí dụ “Liên Hệ với nhau” – coi như tĩnh từ.

Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh có bốn chữ “Liên Đái Quan Hệ” được định nghĩa là “có quan hệ ràng buộc với nhau, lợi hại với nhau, không thể rời nhau được.”

Các định nghĩa và thí dụ trên  cho thấy Liên Hệ là một mối ràng buộc – là danh từ hay tĩnh từ chứ không phải động từ. Chữ tương đương có tầm quan trọng hơn là “Quan Hệ”

Các thí dụ dễ thấy:

1. Giữa anh Long và chúng tôi có mối liên hệ đồng hương.

2. Sau khi độc lập, Việt Nam Cộng Hoà thiết lập Quan hệ ngoại giao với gần một trăm quốc gia.

Các dẫn chứng:

Việt Hán Tự Điển của Huỳnh Minh Xuân. Liên Hệ là dính dáng và có quan hệ trong một việc.

Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh. Liên Đái Quan Hệ là có quan hệ rang buộc với nhau.

Trích Tự Điển Hán Việt Thiều Chửu:

連 liên (11n)

  • 1 : Liền. Hai bên liền tiếp nhau gọi là liên.
  • 2 : Liền nối. Như liên hoàn 連環 cái vòng liền nối nhau. Phép quân bây giờ cứ ba bài gọi là một liên, tức là một đội ngày xưa.
  • 3 : Hợp lại.

系 hệ (7n)

  • 1 : Buộc, treo. Như hệ niệm 系念 nhớ luôn, để việc vào mỗi nghĩ luôn. Cũng viết là 繫念.
  • 2 : Mối, liền nối. Như hết đời nọ đến đời kia gọi là thế hệ 世系. Về học thuật chia riêng từng khoa cũng gọi là phân hệ 分系.

繫 hệ (19n)

  • 1 : Trói buộc. Như bị hệ 被繫 bị bắt giam.
  • 2 : Liên lạc, sự gì có can thiệp cả hai bên gọi là quan hệ 關繫, để cho vật này thuộc với vật kia cũng gọi là hệ. Như Kinh Dịch có hệ từ 繫詞 nghĩa là những lời giải ở dưới các quẻ trong kinh vậy.
  • 3. Quan hệ được định nghĩa là hai bên cùng có liên thuộc với nhau.(Thiều Chửu)