Những Cách Nói Nên Tránh

Đỗ Văn Phúc

Đọc trên vài báo bên Việt Nam:

– Công an chận bắt bọn buôn lậu ở biên giới, tịch thu 15 cá thể rùa.

– Sáng nay, công an dẫn hai cá thể phạm nhân ra toà.

– Chi Ba xử lý rau xong, cho vào chảo xào với tôm.

– Cầu thủ Hoàng xử lý đường banh thật đẹp vào khung thành đối phương.

Xin hỏi quí vị có nghe lọt tai không?

Những chữ Cá Thể, Xử Lý là chữ Việt Hán mà chúng ta vẫn thường dùng; nhưng không dùng cách quái đản như trên.

1. Cá là chữ Hán, theo Tự Điển Thiều Chửu, có nghĩa là cái.

个 cá (3n):  Cái, từng cái một gọi là , cùng một nghĩa với chữ  箇.

箇  (14n): Cái, quả. Tục gọi một quả là nhất cá 一箇. Lời nói chỉ vào cái gì. Như giá cá 這箇 cái ấy, có khi viết là 个 hay 個

Ví dụ: Nhất cá nhân (một người (nào đó)

Trong cuốn Trung Quốc Thoại dùng dạy sinh viên học tiếng Quan Thoại trước 1975, có một bài mở đầu là:

Hữu nhất cá nhân thỉnh nhất vị tiên sinh đáo tha đích gia, giáo tha đích nhi tử… (Dịch: Có môt người mời một vị tiên sinh đến nhà dạy học cho con trai ông ta…)

Cá Thể, Cá Nhân có nghĩa mang tính chất riêng biệt (individual), đối nghĩa với chữ Tập Thể, Đoàn Thể (a group of things, collective…)

Người ta có thể nói “Có vài cá nhân đã làm điều sai…” nhưng không ai nói “có vài cá thể người đã làm sai….

Chúng tôi không dám khẳng định rằng câu nói “Một cá thể phạm nhân, mười cá thể rùa…” là sai hay đúng; nhưng tại sao lại đi nói cách rắc rối cầu kỳ khó nghe như thế trong khi chúng ta có thể nói giản dị: “Một phạm nhân, một kẻ phạm tội; mười con rùa…”

2. Nhưng “Xử lý rau, xử lý thịt, xử lý đường banh” thì quả thật hoàn toàn không chấp nhận vì nó quá sai so với nghĩa của hai chữ Xử Lý. Các cụ Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim có sống lại cũng không thể hiểu được hai chữ xử lý trong các thí dụ nói lên điều gì!

Chữ XỬ 處 là phân biệt được sự lý cho được phải chăng. Như xử trí 處置, khu xử 區處, v.v.

Trong Hán Việt Tự Điển, ông Đào Duy Anh định nghĩa Xử Lý là xử trí và chỉnh lý; trong khi Xử Trí là sắp đặt công việc (HVTĐ trang 939).

Thông thường chúng ta hiểu rằng xử lý là việc xét xử, xét đoán dựa trên lý lẽ (luật lệ, nguyên tắc…). Nhẹ hơn thì gọi là xử trí, tức là giải quyết, phán xử dựa trên trí phán đoán để giải quyết một sự việc nào đó.

Ví dụ:

– Ở Tiểu bang California, những vụ đánh cắp trong cửa tiệm không bị đưa ra toà xử lý nếu trị giá hàng đánh cắp dưới 1000 đô la.

– Đang lái xe ngon trớn, anh thấy một cô bé vụt băng nhanh qua đuờng. Nhờ kinh nghiệm và bình tĩnh, anh đã xử trí nhanh; vừa giảm tốc độ, vừa dâm xe vào một bụi cây bên đường; tránh được một tai nạn chết người.

– Việc con trai anh làm con gái tôi mang bầu, gia đình anh phải có cách xử trí cho êm đẹp. Nếu không, chúng tôi buộc phải đưa ra pháp luật để xử lý thích đáng.

Vì thế, trong hai câu dẫn ở trên, thay vì nói “Thịt lợn sau khi xử lý…” và “Cầu thủ xử lý đường banh;”  nên nói “Thịt lợn được rửa và cắt xong…” và “Cầu thủ đá một đường banh…

Còn nhiều chữ ký quặc mà có dịp, chúng ta sẽ đề cập đến trên trang FB này.