Vị Hôn Phu, Vị Hôn Thê

Đỗ Văn Phúc

Người vợ hoặc chồng chưa cưới thì gọi là vị hôn thê và vị hôn phu. Chữ “vị” ở đây có nghĩa là chưa.

Hai chữ “hôn thê, và hôn phu” là sự ghép chữ hoàn toàn sai. Đã là phu (chồng) hay thê (vợ) tất là đã cưới nhau rồi, còn thêm hôn làm gì?

Như thế, chữ “vị hôn phu, vị hôn thê” là ghép các chữ “vị hôn” + “ thê”, hay “vị hôn” + “phu”. Chứ không phải “vị”+ “hôn thê”, hay “vị” + “hôn phu.”

Hồi trước tôi cũng có học và nói được tiếng Quan Thoại và Quảng Đông. Tôi còn nhớ “Phánh txấy, phánh phúa” là vợ, chồng. Txấy và Phúa là Thê và Phu, còn chữ Phánh này tôi không nhớ ký tự Hán văn nên không biết đọc theo chữ Nho là gì. Nhưng khi nói về vợ, người ta thường nói “Wò t’ai t’ai, n’i t’ai t’ai”  (Ngã Thái Thái, Nhĩ Thái Thái). Chúng ta nên dùng các chữ “Chồng, Vợ” khi đàm thoại bình thường, và “Phu Quân, Hiền Thê” khi viết trong các văn bản cần trang trọng.

Có vài người lại diễn dịch rằng chữ “VỊ” là nói cách kính trong như khi chúng ta nói “vị chỉ huy, vị bộ trưởng...” Thực tế,, không ai nói thế và ghép hai chữ Hôn Phu, Hôn Thê mà như chúng tôi giải thích bên trên, là không đúnh.

Hôn Nhân

Nhân tiện, nói sơ qua chữ “Hôn“.

Có 4 chữ Hôn trong Hán tự viết khác nhau 昏 昬 婚 惛. Ngoài ra có chữ Hôn 閽 là lính canh cửa (có thêm bộ môn)

Hôn 昏 là tối (không đứng một mình), như hoàng hôn, hôn dạ, hôn quân.

Ngày xưa bên Trung Hoa, lễ cưới kéo dài đến tối nên họ gọi là “Hôn Lễ” 昏禮; sau này mới đổi cách viết Hôn 婚 mà nghĩa hẹp là cưới vợ (cầu hôn, kết hôn), nghĩa rộng là nàng dâu. Trong chữ “Hôn” 婚 này, chúng ta thấy có ghép thêm chữ Nữ 女 là đàn bà ở trước chữ Hôn 昏. Vì thế, chỉ khi đàn ông đi lấy vợ với gọi là “hôn” như kết hôn, tái hôn… Vợ chồng mới cưới gọi là “tân hôn,” trai mới lấy vợ gọi là “tân lang,” gái mới lấy chồng gọi là “tân giai nhân.” Xin phân biệt chữ “tân lang” 新郞 (trai mới lấy vợ) với “tân lang” 檳榔 là cây cau.

Chữ Tân trong Hán tự có nhiều nghĩa. Ngoài nghĩa thông thường “Tân” là mới (新) còn có một chữ “Tân” 賓 có nghĩa là “khách”

Vì thế câu “Phu phụ tuơng kính như tân” 夫 婦 相 敬 如 賓 có nghĩa là vợ chồng ăn ở nên kính nể nhau như đối với khách. Lời khuyên này là để tránh các vợ chồng lấy nhau lâu sinh ra xàm xỡ, không giữ gìn ý tứ, lời ăn tiếng nói hay cử chỉ trong đời sống lứa đôi để đi đến sự chán ghét nhau, coi thường, thậm chí thù oán nhau.

Hiện nay, có tình trạng các đôi vợ chồng lớn tuổi bày trò tổ chức tiệc tùng, mặc áo quần diêm dúa mời bạn bè chung vui cái họ gọi là “hấp hôn.”

Chữ “hấp” này theo Hán tự có 4 chữ viết khác nhau  nhưng nghĩa tương đồng trong đó các nghĩa chính là:  吸  hút vào (hô hấp, hô là thở ra), 翕 thu liễm, hợp nhau.

Trong tiếng Việt thì Hấp có nghĩa “để một vật đang nóng, đậy lại. Ví dụ: hấp bánh, hấp trứng vào nồi cơm và một số nghĩa khác.

Do đó, việc đặt ra chữ “hấp hôn” là sai, chỉ có tính cách đùa giỡn chứ không chính đáng.