Hội Thảo về Chiến Tranh Việt Nam tại Irving, Texas

Đỗ Văn Phúc ghi nhận tư Irving, Texas.

Năm nay 2024, đánh dấu 50 năm của 1974, một năm mà Quân Lực VNCH bị cắt giảm viện trợ nhưng phải đương đầu với một lực lượng Cộng Quân ồ ạt từ miền Bắc đưa vào nhầm đánh môt trận thư hùng quyết định, Trung Tâm Việt Nam & Thư Khố Việt Nam Sam Johnson thuộc trường Đại Học Texas Tech mở cuôc hội thảo ba ngày tại thành phố Irving, Texas với chủ đề cuộc hội thảo năm nay là “Năm 1974: Nền Hoà Bình Đổ Vỡ, Chiến sự Tiếp Diễn, và Sự Chuẩn Bị cho Trận Chiến Cuối Cùng ở Việt Nam.” (1974: Shattered Peace, Continued Conflict, and Preparing for the Final Battle for Vietnam).

Đây là lần hi hữu trong gần ba thập niên mà một cuộc hội thảo được tổ chức ngoài thành phố Lubbock là nơi có trường Texas Tech và cơ sở của Vietnam Center. Địa điểm tổ chức ở một cơ sở của Đại Học Texas Tech nằm trên đường State Highway 161, gần phi truờng quốc tế Dallas-Fort Worth.

Trung Tâm Việt Nam & Thư Khố Việt Nam Sam Johnson (The Vietnam Center & Sam Johnson Vietnam Archive) được thai nghén từ cuộc họp tại trường Đại Học Kỹ Thuật Texas (Texas Tech University) của các cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam vào tháng 5, năm 1989.

Bắt đầu với tên gọi The Vietnam Center mà hai mục tiêu là tài trợ cho việc xây dựng một Thư Khố (Vietnam Archive) và khuyến khích việc nghiên cứu về mọi lãnh vực qua kinh nghiệm của các cựu chiến binh từng chiến đấu tại Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 1996, Trung Tâm Việt Nam tổ chức các cuộc hội thảo (conference) mỗi năm và cứ mỗi ba năm một lần thì có cuộc hội luận (symposium). Những cuộc hội thảo và hội luận mở ra trong tinh thần đại học, dành cho các giới chức cao cấp về ngoại giao, quân sự, các vị phụ trách giảng dạy và sinh viên các đại học các cấp và luôn các cựu quân nhân Hoa Kỳ. Các diễn giả thường là những nhà giáo dục, nghiên cứu, và các chính khách.

Trung Tâm cũng mời những người tham dự từ phía cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và cả phía Cộng Sản Việt Nam để các bên trình bày quan điểm của mình về cuộc chiến.

Phần những người Mỹ gôc Việt, đại diện cho khuynh hướng chống Cộng thì ban đầu chỉ có vài vị tham dự; mỗi ngày, con số càng tăng thêm nhờ sự trưởng thành của thế hệ 1.5 và thế hệ hai đã tốt nghiệp đại học và dấn thân vào nghề giảng dạy tại các Đại Học.

Theo chương trình năm nay, có hai vị tướng người Mỹ gốc Việt được mời làm diễn giả chính: đó là cựu Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn trong buổi tối tiếp tân khai mạc lúc 6 giờ chiều ngày thứ Năm 11 tháng 4, và cựu Thiếu Tướng Lương Xuân Việt trong buổi tiệc chính (banquet) tối thứ Sáu ngày 12 tháng 4, 2024.

Điểm mặt những thuyết trình viên người Việt, chúng tôi thấy có đến gần 20 vị trong đó hai phần ba chúng tôi biết chắc là người Mỹ gốc Việt; một phần ba còn lại có lẽ từ Việt Nam qua. Những vị thường xuyên tham dự hội nghị mà chúng tôi thường gặp là Tiến Sĩ Vũ Đình Hiếu (Texas), Kỹ Sư Đỗ Văn Phúc (Texas), Bác Sĩ Nguyễn Lê Hiếu (Oklahoma), Tiến Sĩ Phan Quang Trọng (Texas), Tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ, Khoa Trưởng Khoa Kinh Tế Đại Học Houston… Hai ông Đỗ Văn Phúc và Vũ Đình Hiếu cùng ở trong nhóm với Giáo Sư Geoge Jay Veith, là phần thuyết trình mở đầu cho chương trình hội thảo. Phần này được dành cho tất cả cử toạ tham dự tại phòng họp lớn nhất. Sau đó các thuyết trình viên sẽ theo từng nhóm chia nhau về các phòng nhỏ. Cử toạ sẽ chọn đến nghe những bài thuyết trình về các vấn đề mà họ quan tâm đến.

Giáo sư Jay Veith là một cựu Đại Úy Lục Quân Mỹ. Ông là tác giả bốn cuốn sách về chiến tranh Việt Nam như: Code Name Bright Light: The Untold Story of U.S. POW Rescue Efforts during the Vietnam War (1998),  Leave No Man Behind: Bill Bell and the Search for American POW/MIAs from the Vietnam War (2004), Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-1975 (2012), và Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams (2021). Hai cuốn sau đã được dịch ra tiếng Việt và có bán trên Amazon.com.

Bác sĩ Nguyễn Lê Hiếu từ Oklahoma, có một bài nghiên cứu rất công phu và giá trị “A Predictive Study of the Society in Vietnam According to the Strauss-Hove Generational Theory” có thể tiên đoán được tương lai Việt Nam dựa trên lý thuyết của về các bốn tiến trình trong sự nối tiếp các thế hệ. Tiến Sĩ Phạm Đỗ Chí cũng trình bày về những thành tựu để giữ vững nền kinh tế tài chánh của chính phủ VNCH dù phải đương đầu với chiến tranh xâm lược của Cộng Sản. Tiến Sĩ Vũ Đình Hiếu trình bày diễn tiến trận phòng thủ Tống Lê Chân năm 1974 khi Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân bị bao vây tấn công trong hơn 18 tháng. Giáo sư Jay Veith nói về những thách thức khó khăn của miền Nam từ khi viện trợ bị cắt giảm giữa năm 1973 cho đến cuối 1974.

Có nhiều bài thuyết trình nói lên những sai lầm trong chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ, nhất là các nhân vật Lyndon Johnson, Henry Kissinger. Cuốn phim “Truths and Myths about the Vietnam War” dài 40 phút do Hội Doanh Nghiệp Cựu Chiến Binh của Chiến Tranh VN tại Atlanta – Atlanta Vietnam Veterans Business Association, là một bản điều trần rất thú vị về những sự chiến đấu hy sinh của quân lực Mỹ lần quân lực VNCH mà đã trả giá đắt vì sự phản bội của John  Kerry, Jane Fonda; của truyền thông Hoa Kỳ, của phong trào Hippy phản chiến,mà theo tài liệu là đã bị cộng sản Liên Sô tung tiền mua chuộc để áp lực hậu thuẫn cho Bắc Việt. Phim cũng có đoạn nói lên sai lầm mà Hoa Kỳ không thắng được là bị ràng buộc bởi luật quốc tế, trong khi phía Cộng Sản thì luôn vi phạm; cũng như việc không đánh mạnh vào các thời điểm Cộng Sản suy yếu, hay việc không tiêu diệt con đuờng Hồ Chí Minh. Nội dung phim có nhiều điểm trùng hợp với lập luận của bài thuyết trình của ông Đỗ Văn Phúc “Vietnam War: Misunderstanding from the American Perspective.” Chúng tôi đang liên lạc với ông Stephen Sherman để phối hợp làm phụ đề tiếng Việt cho cuốn phim này hầu phổ biến trong cộng đồng Việt Nam.

Ngoài ra còn phần thuyết trình của ông Jeremy Kuzmanov thuộc Đại Học Cộng Đồng Tulsa, đã vạch ra những sai lạc có tính cách ma mánh trong bộ phim 10 tập của người nhà làm phim phản chiến Ken Burns. Ông  Jeff Schultz, giáo sư Sử Học tại Đại Học Cộng Đồng Luzerne có phần trình bày về trận hải chiến Hoàng Sa để cho thấy mưu dồ bành trướng của Trung Cộng và sự nhắm mắt làm ngơ của Hoa Kỳ để cho Hải Quân Việt Nam thất bại.

Trong bài nói chuyện tại tiệc buổi tối, cựu Thiếu Tướng Lương Xuân Việt đã tâm sự về hoàn cảnh bản thân, gia đình lớn lên trong chiến tranh chịu đựng nhiều mất mát và đã có sự chọn lựa đúng đuờng của thân phụ vào thời điểm khởi đầu chiến tranh Đông Dương; rồi sự lựa chọn khi miền nam thất thủ cũng như những năm tháng trong quân ngũ của ông trước sự hy sinh mạng sống của những người lính dưới quyền. Bằng một giọng bùi ngùi, đôi lúc pha giọt nước mắt, ông đã làm cử toạ xúc động.

Cũng trong hội thảo này, có phần hội thoại của ba thanh niên Việt Nam thế hệ hai từ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt và từ Việt Nam du học đã thành đạt như các tiến sĩ Alex-Thai Võ, Roy Vu, Caries Uyên Nguyễn. Các anh chị trẻ kể về kinh nghiệm cá nhân từ khi lớn lên trong chế độ CS, vượt thoát ra hải ngoại và nỗ lực hội nhập, vươn lên đạt thành quả học vấn. Vài anh chị cũng có các bài thuyết trình như Alex Thai Võ trình bày về phim ảnh tuyền truyền của thời VNCH; Tiến Sĩ Son Mai nói về di dân của người Việt sau biến cố 1975; Tiến sĩ Roy Vũ nói về đời sống mới của các gia đình Việt khi đến Hoa Kỳ.

Nhìn chung, con sô người tham dự năm nay chỉ khoảng trên dưới 100 người; không đông bằng các năm trước, dù đã đưa về Irving thuộc vùng Dallas-Fort Worth, là nơi có cộng đồng người Việt đông hàng thứ ba trên nước Mỹ, và cũng là nơi có nhiều hội đoàn cựu quân nhân đủ màu cờ sắc áo rất hùng hậu trong những dịp lễ lạc! Chúng tôi chỉ nhận diện được một một vài anh cựu quân nhân VNCH đến tham dự. Mong sao các cháu thế hệ hai tiếp nối thúc đẩy để ngọn cờ chính nghĩa vẫn luôn đứng vững trên  xứ người.

Irving ngày 14 tháng 4, 2024

Đỗ Văn Phúc.