Đôi Lời Tâm Sự

Đỗ Văn Phúc

Hồi ký là để ghi lại những câu chuyện xảy ra trong quá khứ đáng nhớ trong đời mình. Có thể là những mẩu chuyện vụn hoặc một loạt các biến cố mà tác giả đã trải qua, hay mục kích tận tường. Vì thế, đó là những chuyện thật với các dữ kiện, nhân vật, địa danh, và thời gian chính xác. Người ta không hư cấu trong các hồi ký; nhưng có thể điểm thêm vài nét đan thanh cho câu chuyện tăng phần hấp dẫn, đậm đà.
Vì người viết hoặc là nhân vật trung tâm, hoặc là chứng nhân của sự kiện, nên hồi ký không thể tránh phần chủ quan của tác giả. Cũng như khi ngắm nhìn một cảnh quan, mỗi người đứng ở các góc cạnh khác nhau sẽ có cái nhìn và nhận xét khác nhau. Người đời thường nói: “Xấu che, tốt khoe.” Chỉ có những nhân vật thật đặc biệt mới đem cái xấu của mình ra cho thiên hạ thấy. Tác giả tập hồi ký “Một Thời Áo Trận” cũng là một người bình thường như muôn vạn người khác. Vì vậy, xin quý độc giả đọc sách với một tấm lòng bao dung, thông cảm mà hiểu rằng tập hồi ký này chỉ để kể lại một phần rất nhỏ mà tác giả đã tham dự vào trong lịch sử chiến tranh dài và đẫm máu để bảo vệ miền Nam Tự Do và không cho rằng tác giả tự phô trương mình qua những trang giấy.phuc3
Đằng đẳng hơn hai mươi năm chiến tranh Việt Nam, người lính Việt Nam là những người chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ nhất. Miền Nam có một hậu phương bạc bẽo, vô ơn, tranh sống trong sự hy sinh của người lính ngoài mặt trận. Những người lính chỉ còn gia đình âu lo, chỉ còn bạn đồng ngũ bảo bọc trong những ngày tháng miệt mài lửa đạn, sống chết gang tấc. Người lính Việt Nam không những bị hậu phương coi bạc mà còn bị truyền thông của đồng minh nhục mạ bằng những tĩnh từ rất xót xa mà hậu quả của nó là sự tráo trở của hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ đưa đến sự thất bại của miền Nam..
Nói đến gian khổ, hiểm nguy, thì bất cứ người lính chiến nào cũng chịu đựng như nhau. Cường độ và trường độ có thể hơn lên ở các binh chủng tổng trừ bị ưu tú như Dù, TQLC, Biệt Động, Lực Lương Đặc Biệt. Sự khác nhau về địa hình, khí hậu, thời tiết làm cho mỗi vùng chiến thuật có những sắc thái khác nhau. Hàng chục năm qua, đã có rất hàng trăm tựa sách viết về người lính. Đại đa số viết về các binh chủng tinh nhuệ; ít sách viết về người lính bộ binh trong khi so với tỷ lệ, thì quân số bộ binh gấp mười lần quân số các binh chủng Tổng trừ bị.
Những quân nhân – từ tân sĩ quan đến hạ sĩ quan, binh sĩ – khi ra trường sẽ nao nức chọn các binh chủng tinh nhuệ nếu là dân tình nguyện; hoặc các đơn vị văn phòng nếu là dân động viên. Bô binh chỉ là sự lựa chọn sau cùng. Nhưng không vì thế mà các đơn vị bộ binh thiếu vắng những quân nhân quả cảm, tài ba. Sư Đoàn 1 Bộ Binh là đơn vị được đánh giá thiện chiến không thua gì Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến.
Chúng ta nhớ một câu nói của một danh nhân: “Không có những người lính dở, mà chỉ có những cấp chỉ huy tồi.”
Quân Lực VNCH từ những năm về sau đã có nhiều cấp chỉ huy rất xứng đáng. Họ có kiến thức, có nhân cách, lòng can đảm và tinh thần phục vụ hy sinh rất cao. Nếu có chăng vài cấp chỉ huy tồi, thì đó là một số ít ỏi ở thượng tầng mà vì lòng ích kỷ, tư lợi; họ đã làm giảm tiềm năng chiến đấu của quân sĩ dưới quyền qua những hành vi cấu kết bè đảng để tham nhũng.
Tác giả đã vinh dự được phục vụ dưới quyền những cấp chỉ huy lỗi lạc, và cũng may mắn có được những quân nhân dưới quyền dũng cảm, kỷ luật và tận tâm. Do đó, tuy ngắn ngủi, nhưng tác giả vẫn coi thời gian phục vụ ở Bộ Binh là nhiều kỷ niệm thân thiết đáng nhớ nhất. Hấu hết các đồng đội của tác giả đã hy sinh trên chiến trường, hoặc bỏ mình trong tù, trên biển, hoặc đã qua đời vì bệnh tật già yếu. Nhưng cũng còn lác đác vài sĩ quan còn sống đang định cư tại Mỹ hay các nước tự do. Những năm qua, họ đã đọc lần lượt các bài hồi ký và có góp ý để khích lệ và đính chính vài lầm lẫn về địa danh, nhân vật trong tác phẩm.
Ngoài ra, trong thời gian phục vụ trong quân chủng Không Quân, làm chủ bút Nguyệt San Gió Cát, tác giả cũng viết nhiều bài phóng sự về các cuộc hành quân của Không Đoàn 92 Chiến Thuật. Nhưng rất tiếc, hiện nay thì không còn các bản lưu nên đành thua.
Tác giả xin thành kính cảm tạ sự khen tặng khích lệ, góp ý, và giúp phổ biến qua truyền thông của quý vị sau: cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần (Tư Lệnh Quân Đoàn 3, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB), Cựu Đại Tá Nguyễn Quốc Quỳnh (Chỉ Huy Trưởng Đại Học CTCT), Cựu Trung Tá Hoàng Minh Hoà (Văn Hoá Vụ Trưởng, Đại Học CTCT), cựu Thiếu Tá Nguyễn Chí Hiền (Quận Trưởng Châu Thành, tỉnh Bình Dương, cựu Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4/8), các cựu Đại Úy Mai Thanh Tòng (Trưởng Ban 5 Tiểu Đoàn 4/8), Nguyễn Văn Mục (nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/8), Lê Xuân Mai tức nhà báo Lê Tường Vũ (Tiểu đoàn 3/7, Nguyệt San KBC Hải Ngoại), Lê Đức Luận (Tiểu Đoàn 1/8), Đoàn Trọng Hiếu (Tiểu Đoàn 52 BĐQ), Tiến Sĩ Nguyễn Đức Phương (Khoá 27 VBQGVN), Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng (Giám Đốc BPSOS), ông Nguyễn Tín (Em trai cố Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB), các quý nhà văn, nhà báo Huy Phương (SBTN), Hoàng Lan Chi, Hà Văn Sơn (Chính Nghĩa), Tâm Vô Lệ (Thư Viện Toàn Cầu, TVVN.Org), Bùi Dương Liêm (Truyền Hình HTĐ), Nguyễn Phương Hùng (KBCHải Ngoại Online), Nguyễn Văn Thanh (Trách Nhiệm Online), Thục Đoan (Saigon Gate), Vũ Nga- Thái Sơn (Con Kiến Nhỏ, Kansas), Nguyên Huy (Người Việt, SBTN), Phạm Kim (Người Việt Tây Bắc), Nguyễn Quang (Vietluan.org), Đinh Lâm Thanh (Hội Văn Hoá Người Việt Tự Do), Hải Triều (Hội Các Nhà Văn Quân Đội), Francis Khúc (Người Việt Illinois), Hứa Vạng Thọ (Tin Paris.net), Phan Tấn Hải (Việt Báo), Trương Sĩ Lương (Thế Giới Mới), Vũ Lâm (Con Ong Việt), Trần Việt Hải, Nguyễn Tiến Đức (Hungviet.com), toàn nhóm Vietland, và một số quý niên trưởng Không Quân VN trong điện báo Cánh Thép. Đặc biệt cám ơn Nguyệt San KBC Hải Ngoại và rất nhiều báo chí các thành phố lớn, các diễn đàn online hải ngoại đã đăng tải giới thiệu các bài viết sớm đến tay độc giả. Cũng xin cám ơn rất nhiều độc giả đã đóng góp ý kiến trên các diễn đàn hay qua email.
Cuốn hồi ký “Một Thời Áo Trận” này xin dành tặng cho tất cả các chiến sĩ anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, là những người yêu nước quả cảm đã từng hy sinh chiến đấu cho Tự Do Dân Chủ của miền Nam.