Tìm hiểu về Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ

Ông Đoàn Trọng Hiếu phỏng vấn ông Đỗ Văn Phúc về lịch trình, phương cách bầu cử iowacruz_wide-00163edd4f16324086c0f96afc142c1db3961c39-s800-c85TT Hoa Kỳ và các diễn biến mới nhất. Phát đi trên Đài Phát Thanh Việt Nam lúc2 giờ chiều (giờ Central), ngày 6 tháng 2 năm 2016. Xin bấm vào Link bên dưới để nghe audio:

 

1.- Lịch tranh cử và bầu cử Tổng Thống:

Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ là một diễn trình phức tạp và kéo dài trong gần 2 năm trước ngày bầu cử chính thức của mỗi nhiệm kỳ. Sau đây là lịch bầu cử hiện nay cho nhiệm kỳ Tổng thống 2016-2020.

  • Đầu năm 2015, các ứng cử viên loan báoý định tranh cử và nộp hồ sơ lên Ủy Hội Bầu Cử Liên Bang.
  • Từ tháng 8, 2015 đến tháng 3, 2016 là các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên.
  • Từ ngày 1/2 đến 14/6, 2016 là các cuộc bỏ phiếu sơ bộ (primaries) và họp ủy nhiệm (Caucuses).
  • Từ tháng 4 đến tháng 8, 2016 là các cuộc hội thảo để các đảng đề cử người tranh cử chính thức.
  • Hai tháng 9 và 10, 2016 là tranh luận giữa các ứng cử viên chính thức được chọn của hai đảng.
  • Ngày 8 tháng 11, 2016 là ngày bầu cử phổ thông. (Thứ Ba kế sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11)
  • Trong tháng 12, bỏ phiếu của các đại cử tri (Electors).
  • Đầu tháng 1, 2017, Quốc Hội đếm và kiểm soát phiếu Đại Cử Tri (Electoral Votes).
  • Ngày 20 tháng 1, là ngày Tổng Thống tuyên thệ nhậm chức.

Bây giờ, xin nói sơ qua về lịch trình các cuộc tranh luận và bầu cử sơ bộ sắp tới:

  • Ngày 1 tháng 2: Iowa caucus (cả hai đảng)
  • Ngày 9 tháng 2: Tiền bầu cử New Hampshire primary (cả hai đảng)
  • Ngày 20 tháng 2: Caucuses của đảng Dân Chủ ở Nevada và tiền bầu cử Đảng Cộng Hoà ở South Carolina
  • Ngày 23 tháng 2: Caucuses của đảng Cộng Hoà ở Nevada.
  • Ngày 27 tháng 2: Tiền bầu cử của đảng Dân Chủ ở South Carolina .
  • Ngày 1 tháng 3: Super Tuesday: Primaries/caucuses và tiền bầu cử của cả 2 đảng tại các Tiểu Bang.

Cách thức bỏ phiếu sơ bộ (tiền bầu cử) kéo dài hàng tháng tại từng Tiểu Bang để chọn người chính thức tranh cử thật ra không được ấn định trong Hiến Pháp Hoa Kỳ mà do sự bày vẽ của các chính đảng qua thời gian.

2.- Phương thức Bầu cử Đại Cử Tri.

Bầu cử Tổng Thống Mỹ theo lối bầu Đại Cử Tri hay còn gọi là Cử Tri Đoàn khác với cách bầu phổ thông (popular votes). Cách phổ thông là tính số phiếu cử tri để chọn người đạt nhiều phiếu hơn coi như đắc cử. Lối bầu theo Cử Tri Đoàn (Electoral College) được ấn định trong Hiến Pháp ngay từ thời lập quốc. Nó bao gồm giai đoạn lựa chọn đại cử tri (electors). Những người này họp lại thành Cử Tri Đoàn để bầu Tổng Thống và Phó Tổng Thống, và cuối cùng Quốc Hội sẽ kiểm phiếu và thừa nhận. Lá phiếu của Đại Cử Tri gọi là Elector Votes.

Toàn quốc Mỹ có 538 đại cử tri. Ứng cử viên nào được 270 phiếu đại cử tri là đắc cử. Con số 538 này từ đâu ra? Xin thưa, con số đại cử tri của mỗi Tiểu bang tương đương với số dân biểu được ấn định của Tiểu bang đó, cộng với 2 nghị sĩ cho mổi Tiểu bang. Quốc Hội Hoa Kỳ có 435 Dân Biểu và 100 Thượng Nghị Sĩ. Tổng cộng 535, còn ba đại cử tri còn lại là dành cho Washington, District of Columbia (ấn định bởi Tu Chính Án 23 của Hiến Pháp).

Khi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng Thống mình chọn, cũng là chọn đại cử tri cho ứng cử viên đó. Các đại cử tri của từng Tiểu Bang sẽ họp vào ngày thứ Hai giữa tháng 12 (sau ngày bầu cử Tổng Thống) để bỏ phiếu bầu hai vị Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Kết quả được ghi trên bản “Chứng thư Đầu phiếu” (Certificate of Votes) gửi đến Quốc Hội và Văn Khố Quốc Gia. Ngày thứ Sáu của tháng 1 năm sau (ngày bầu cử), lưỡng viện Quốc Hội sẽ họp phiên họp khoáng đại để đếm phiếu Đại Cử Tri.  Ông Phó Tổng Thống đương nhiệm (theo Hiến Pháp là Chủ Tịch Thượng Viện) chủ tọa buổi họp sẽ tuyên bố kết quả ai đắc cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Nhiều Tiểu Bang áp dụng biện pháp “Winner-take-all”, nghĩa là nếu ứng cử viên A có nhiều phiếu đại cử tri hơn ứng cử viên B, thì ông A sẽ hưởng trọn tổng số phiếu đại cử tri của Tiểu bang đó. Chỉ có hai Tiểu Bang Nebraska và Maine áp dụng cách tính “theo tỷ lệ”.ElectoralCollege2012.svg

Đại cử tri được Ủy ban của đảng mình tại Tiểu bang chọn trong số những người hoạt động chính trị, lãnh tụ đảng, các viên chức do dân bầu cấp Tiểu Bang (không phải nghị sĩ hay dân biểu), hoặc cả những người có quan hệ mật thiết hay có công với đảng. Có tiểu bang thì in tên của người đại cử tri ngay dưới tên ứng cử viên trong lá phiếu, có nơi không hề cho biết là ai.

Khi bạn bỏ phiếu cho 1 ứng cử viên, là đã bỏ phiếu cho một đại cử tri và người này sẽ sau đó, bỏ phiếu chọn vị Tổng Thống. Tại sao lại có cách bầu Cử Tri Đoàn? Các vị khai quốc  năm 1787 khi viết ra bản Hiến Pháp, đã ấn định phương thức Electoral College vì cho rằng người dân trung bình không đủ sáng suốt để bầu Tổng Thống, và có những nơi đông dân sẽ bầu cho ứng cử viên mà họ biết tên tuổi theo cảm tình hơn là chọn theo lý trí. Vì thế cần có một hệ thống coi như chiếc cầu nối được gọi là Electoral College. Tiểu bang đông dân nhất là California có 55 đại cử tri, Texas có 38; ít nhất là Montana, chỉ có 3.

Cách bầu theo lối đại cử tri vừa phức tạp, tốn kém, mất thì giờ, lại vừa phi lý. Vì nếu mình đã chọn cho ứng cử viên (tỷ dụ, ông John, đảng Cộng Hoà)), tức là mình chọn ông đại cử tri là ông James cũng Cộng Hoà. Vậy khi ông James này đi bầu Tổng Thống và Phó Tổng Thống theo cử tri đoàn, dĩ nhiên ông ta sẽ bầu cho ông John. Vậy sao không đếm thẳng phiếu của cử tri để chọn người đắc cử cho lẹ? Nếu ông ta vì lý do nào đó, bầu cho bà Jane của đảng Dân Chủ, thì đó là phản bội sự lựa chọn của cử tri! Càng không chấp nhận được.

Phương sách bầu này cũng gây ra tranh cãi, vì ứng cử viên nào được đa số phiếu cử tri đoàn, sẽ ôm trọn số phiếu cử tri đoàn của toàn tiểu bang đó. Ví dụ tại California, ông John chỉ nhiều hơn vài phiếu cử tri, nhưng sẽ được 55 phiếu cử tri đoàn; trong khi tại Texas, ông John thua ông James rất đậm về phiếu cử tri, nhưng chỉ mất 38 phiếu cử tri đoàn. Nếu công phiếu cử tri cả hai tiểu bang, ông John ít phiếu hơn ông James, nhưng khi cộng phiếu cử tri đoàn, ông hơn ông James đến 17 phiếu. Trong lịch sử bầu cửa Tổng Thống và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, đã xảy ra 4 trường hợp tréo cẳng ngỗng như thế. Điển hình là năm 2000, ông George Bush thua ông Al Gore về phiếu cử tri, nhưng thắng cử nhờ được nhiều phiếu Đại Cử Tri.

 3.- Caucus là gì, Primaries là gì?

Trong hai kỳ bầu ông George Washington là Tổng Thống đầu tiên hai nhiệm kỳ năm 1789 và năm 1792, cử tri đoàn đã đảm nhiệm việc đề cử (nomination) và bầu cử (election) . Sau đó, thì các chính đảng đảm nhiệm việc lựa chọn và bầu cử qua các lần họp gọi là Caucuses và Primaries. Các cuộc bầu sơ bộ và Caucuses được tổ chức xen kẽ từ tháng 1 cho đến tháng 6 của năm bầu cử. Sự khác nhau là tiền bầu cử thì do chính quyền địa phương tổ chức, còn caucuses thì do chính đảng tổ chức. Tuỳ quyền các chính đảng để tổ chức bầu sơ bộ hay caucuses hay kết hợp cả hai.

Tiền bầu cử (Primaries) là những cuộc bỏ phiếu sơ bộ do hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ tổ chức tại địa phương để quyết định ai là người đại diện đảng mình ra tranh cử trong cuộc bầu cử chính thức. Cử tri chỉ tham dự một trong hai cuộc bỏ phiếu. Hoặc Cộng Hoà, hoặc Dân Chủ. Các đảng khác như Cấp Tiến, Tự Do… có cách chọn riêng của họ. Qua Tiền Bầu Cử, các đảng cũng quyết định chọn số đại biểu tương ứng với từng ứng cử viên của đảng.

Caucus là một từ ngữ chỉ có ở Hoa Kỳ, xuất phát từ thổ dân da đỏ có nghĩa là người cố vấn, khuyến khích, ủng hộ. Bây giờ thì mang nghĩa là một cuộc họp mặt của những thành viên hay người ủng hộ của một chính đảng hay đoàn thể nào đó.  Không có từ ngữ nào tương đương để dịch ra tiếng Việt. Diễn trình bầu cử sơ bộ và caucuses có những thuận lợi vì nó giúp cho ứng cử viên tập trung được nhân vật lực một lần tại mỗi địa điểm then chốt thay vì đi vận động cùng một lúc tại nhiều tiểu bang khác nhau. Tuy nhiên, kết quả tại các nơi này chưa hẳn phản ánh sự lựa chọn của cử tri đoàn toàn quốc.

Những cử tri tại Iowa, New Hampshire và tại vài tiểu bang nhỏ có truyền thống tổ chức bầu sơ bộ sớm thường có ảnh hưởng đầu tiên đến toàn bộ cuộc bầu cử trong khi cử tri tại California và các tiểu bang lớn tổ chức sơ bộ trễ hơn (tháng 6) thì không còn ảnh hưởng bao nhiêu vì sự lựa chọn xem như đã xong. Vì thế, hiện nay các tiểu bang có khuynh hướng dời ngày bầu cử sơ bộ sớm hơn là trễ theo truyền thống.

Xin nói sơ qua về tiến trình caucuses ở Iowa: Cử tri của Tiểu bang Iowa sẽ họp caucus tại mỗi trong 1681 precincts và bầu đại biểu (delegates) tham dự đại hội (conventions) tại 99 counties. Sau đó, tại các counties này sẽ bầu đại biểu tham dự Đại Hội cấp district và tiểu bang. Cuối cùng lại bầu đoàn đại biểu tham dự đại hội toàn quốc đề cử ứng cử viên của đảng. Con số đại biểu chọn từ Iowa chỉ chiếm 2% đại biểu toàn quốc, nhưng caucuses Iowa lại có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ cuộc bầu cử. Tất cả sự chăm chú toàn quốc đặt vào đó, các hệ thống truyền thông tập trung toàn lực vào đó. Vì thế, có thể nói ai thắng ở New Hampshire và Iowa thì cầm chắc sự thắng lợi cuối cùng. Những ứng cử viên có số phiếu thấp tại Iowa thì nên biết điều bỏ cuộc cho đỡ hao tốn thì giờ và tiền bạc. Đối với đảng Dân Chủ, ứng cử viên nào thắng ở Iowa thì có 43% hy vọng được chọn ở Đại Hội Đảng, tỷ lệ này là 50% cho ứng cử viên đảng Cộng Hoà. Trong lịch sử 40 năm qua, các ứng cử viên thua sơ bộ và caucuses ở Iowa và New Hampshire đều không bao giờ được chọn làm ứng cử viên để được bầu làm Tổng Thống Hoa Kỳ (trừ một lần ngoại lệ là trường hợp ông Bill Clinton)

Phải nói rằng bầu cử ở Hoa Kỳ rất phức tạp – phía Dân Chủ còn phức tạp nhiều hơn trong các caucuses – khó có thể trình bày ra đây trong một thời lượng eo hẹp. Ngay cả nhiều người Mỹ tích cực về chính trị cũng mù tịt về các diễn trình này.

Caucuses thường diễn ra từ lúc 8 giờ tối, kéo dài trong một giờ hoặc lâu hơn. Người ta không đến để chỉ đơn giản bỏ phiếu mà còn thảo luận, vận động cho ứng cử viên. Phía Cộng Hoà, caucuses đơn giản và diễn ra trật tự ở 700 địa điểm. Người ta nghe các đại diện nói về ứng cử viên của mình, sau đó là bỏ phiếu kín. Trong số 1236 đại biểu cần có để đề cử ứng cử viên, các caucuses Iowa của Cộng Hoà sẽ có 30 đại biểu.

Về phía đảng Dân Chủ, không bỏ phiếu bằng tay mà bằng chân. Nghĩa là những cử tri sẽ tập họp chung trong một phòng nhưng đứng về một bên những người ủng hộ ứng cử viên của mình. Nhưng cử tri còn lưỡng lự sẽ đứng riêng. Trong 30 phút, các cử tri có quyền trò chuyện, thuyết phục cử trí khác ủng hộ ứng cử viên của mình. Sau đó, thì chấm dứt mời gọi để đếm đầu người ủng hộ của mỗi ứng cử viên. Nhân viên thẩm quyền sẽ quyết định ứng cử viên nào có hy vọng là những ứng cử viên có trên 15% số người ủng hộ. Người có dưới 15% coi như xong việc. Những cử tri lỡ ủng hộ những người có dưới 15% có quyền tái lựa chọn để đứng vào nhóm ủng hộ ứng cử viên khác. Từ 11065 đại biếu của 1683 precincts ở Iowa, các caucuses các cấp cuối cùng sẽ bầu ra 52 đại biểu trong số 2382 đại biểu toàn quốc cần thiết để đề cử ứng cử viên của đảng Dân Chủ.

Cũng vì cử tri của các ứng cử viên Dân Chủ tập trung trong cùng một phòng nên đã xảy ra chuyện mất mặt của bà Hillary Clinton khi bà ta đang đọc bài diễn văn vào giờ cuối của Caucus Iowa, thì trong đám cử tri ủng hộ ông Sander có nhiều tiếng la lớn “Liar!”

4.- Caucuses tạì Iowa Ngày 1 tháng 2, 2016

Tại Caucus Iowa vừa qua, kết quả bầu cử đếm từng giây. Cách bỏ phiếu của đảng Cộng Hoà là trực tiếp từ 180000 cử tri ủng hộ bên Cộng Hoà. Ban đầu, sự cách biệt giữa ba ông Trump, Cruz là 4%, kế đó là ông Rubio xa hơn ông thứ hai đến 6%. Từ từ, khoảng cách gần lại, và Cruz vọt cao hơn ông Trump đến 4%, và ông Rubio thu ngắn vào những phút chót để chỉ thua ông Trump 1% mà thôi. Kết quả cuối cùng: Ông Ted Cruz (28%), ông Trump (24%) và ông Rubio (23%). Kế đó là Carson 9%, và còn lại chỉ 2%,3%, và 4%. Ông Mike Huckabee, Rich Santorum và Rand Paul đã tuyên bố bỏ cuộc chơi.

Sau khi bỏ cuộc, ông Santorum đã tuyên bố ủng hộ Marco Rubio. Còn ông Huckabee, mà Trump tin rằng sẽ ủng hộ ông ta, đã trả lời với đài Fox rằng ông chưa có ý định ủng hộ ai. Có lẽ đây là cách nói khéo để từ chối ủng hộ Trump?

Phía đảng Dân Chủ, theo cách bỏ phiếu đại diện chứ không trực tiếp của cử tri. Việc theo dõi rất sôi nổi. Ông Bernie Sander lúc đầu kém bà Clinton nhiều, nhưng đến khoảng giữa thì rút lại chỉ cách 1%. Đến khi kiểm gần hết phiếu thì cả hai đều được 50% số phiếu đại biểu. Nhưng bà Clinton thắng vì 699 phiếu, hơn ông Sander có 695 (tức là hơn chưa tới 4 phiếu đại biểu). Ông O’Malley tuyên bố chấm dứt cuộc đua ngay lúc đó.

Vài điểm nhận xét:

1.- Donald Trump đã lầm lẫn khi nghĩ rằng việc ông bỏ không dự cuộc tranh luận lần thứ 7 có khi có lợi cho ông. Trò đánh bạc của ông không thành công. Tại Iowa, ông đã nhìn thấy số phiếu ủng hộ của ông đang cao từ từ bị phiếu của Ted Cruz qua mặt và hơn đến 4%. Trước đây, ai cũng đoán Trump sẽ được ủng hộ bởi những người lần đầu tham dự. Nhưng đã có rất nhiều sự bất ngờ xảy ra khi chỉ có 30% số người mới này ủng hộ Trump. So với 4 năm trước có 120000 người tham dự caucuses, năm nay có 186000 người  mà  45% là số người lần đầu tham dự, trong số đó chỉ có 30% ủng hộ Trump, 70% còn lại chia ra ủng hộ Cruz (23%) và Rubio (22%).

Ông Trump cho rằng những người đạo Evangelical thích ông ta và ông sẽ chiếm số phiếu của những tín đồ. Hoá ra Cruz chiếm hết 34% số người ủng hộ. 21% ủng hộ cho Rubio. Trump chỉ nhận 22% mà thôi.

Sự thắng lợi của hai ông Cruz và Rubio là do tích cực vận động tại Iowa. Họ đi từng nợi gặp gỡi, trò chuyện thân mật. Trong khi đó, Trump ỷ lại vào truyền thông tự do, và tự tin vào những lần ông lôi kéo số lượng người tham dự các buổi nói chuyện.

Rubio đã rất thành công trong lần debate thứ 7. Ông dã giành 30% số phiếu của những người quyết định vào giờ chót, trong khi Cruz được 25% và Trump chỉ có 14%. Số người lưỡng lự này chiếm 35% tổng số người tham dự caucuses.

2.- Bà Clinton từng bị đảo ngược thế cờ ở Iowa 8 năm trước, nay tuyên bố những câu rất tự tin sẽ thắng đậm Bernie Sander. Kết quả, chỉ hơn Sander chưa tới 1% số phiếu, mà cho đến phút gần chót, khi trên màn ảnh 50/50 giữa hai người, bà ta vẫn không dám tuyên bố thắng khi phát biểu với cử tri. Bernie Sander được đến 84% số phiếu ủng hộ của giới trẻ (từ 17 đến 29 tuổi); trong khi Clinton được sự ủng hộ tích cực của những người tuổi trên 45. Bà ta được gấp đôi Sander về phiếu ủng hộ của nhóm lớn tuổi này mà đã chiếm đến 60% trong số người caucuses. Tuy nhiên, bà Clinton vẫn còn phải đương đầu với nhóm những người liberal và cấp tiến (nhóm này chiếm 28% số tham dự) đang ủng hộ Sander. Quý vị còn nhớ bà Clinton trước đây nhận mình là Trung dung (Moderate); gần đây là trở giọng, khoe mình là Dân chủ cấp tiến (Progressive Democratic).

5.- Những chuyện không vui sau Caucus ở Iowa.

Chắc quý vị có nghe chuyện ông Ben Carson và Donald Trump lên án ông Ted Cruz chơi xấu?

Thật ra, câu chuyện bắt đầu từ một nhân viên đài Truyền hình CNN. Ông này đã gửi đi tin ông Ben Carson bỏ về nhà ở Florida. Nhân viên của Ted Cruz thấy vậy thì tưởng rằng Ben Carson đã bỏ cuộc nên đã kêu gọi người ủng hộ Carson hãy chuyển qua ủng hộ Cruz.

Carson đã lên án Cruz chơi bẩn. Ông có gọi điện thoại hỏi, và được Cruz cho hay tin từ CNN mà ra và đã tỏ lời xin lỗi Carson vì đã không kiểm soát nhân viên của mình.

Trump, cay cú sau khi bị Cruz vượt mặt, đã tố giác đây là trò chơi gian lận và yêu cầu bầu cử lại lần nữa.

Trong thời gian vận động, người chơi xấu nhất là Donald Trump. Ông ta chỉ trích, chê bai đối thủ thậm tệ không những về chính sách mà còn về cá nhân, hình dáng, sắc diện. Người thứ hai là ông Jeb Bush dã dùng tiền của Super PAC đưa lên truyền hình đả kích ông Marco Rubio liên tục. Chính cô Megyn Kelly cũng đã thắc mắc tại sao Jeb Bush không tập trung vào đối thủ Dân Chủ, mà cứ nhắm vào đối thủ cùng một đảng Cộng Hoà, là người mà trước đây ông tự xem mình là thầy, là đàn anh.

 6.-  Bầu cử tại Hoa Kỳ tốn kém thế nào?

Điều không ai không biết là tranh cử tại Mỹ rất tốn kém, nhất là tranh chức Tổng Thống. Việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chiếm nhiều nhất; rồi đến chi phí điều hành các ủy ban vận động mà hầu như các tiểu bang đều có. Nếu không phải là tỷ phú như Donald Trump, thì những người ít tiền, dù tài giỏi cũng không bao giờ có đủ khả năng ra tranh cử. Một phần lớn tiền là do các tổ chức PAC đóng góp, các nhà giàu, đại tổ hợp công ty. Dân thường có đóng góp thì khả năng mỗi người cũng từ vài chục đến vài tram là cao. May ra thì nhờ vào số đông ủng hộ vì uy tìn của ứng cử viên.

Mùa tranh cử 2004, George Bush nhận được 449.8 triệu đô la, trong khi John Kerry nhận 402.4 triệu. Qua năm 2008, Obama nhận được 801 triệu đô la so với John McCain chỉ có 376.3 triệu. Năm 2012, hai ứng cử viên Obama và Mitt Romney đã quyên được hơn 1 tỷ đô la cho cuộc vận động của họ.

Tiền từ Quỹ Bầu Cử :

Một đạo luật về đóng góp tiền vận động tranh cử có từ năm 1966. Sau khi bị hủy bỏ vài năm, qua năm 1971 luật này được tu chính và ban hành với tên Federal Election Campaign Act (FECA). Mỗi công dân khi khai thuế cuối năm đóng góp tuỳ nghi cho Quỹ Bầu Cử $1 sau tăng lên $3 (năm 1994). Số tiền này thường chia đều cho các đảng lớn (Dân Chủ, Cộng Hoà, có khi thêm đảng thứ ba có thực lực đáng kể). Ví dụ, các năm 2000 (239.5 Triệu), 2004 (207.5 triệu), 2008 (139,5 triệu). Năm 2012: 37,852,708 chia đều cho 2 đảng CH và DC.

Từ các Tổ Chức Vận Động Tài Chánh:

PAC (Political Action Committeee) là tổ chức vận động tài chánh nhằm kêu gọi đóng góp vào quỹ tranh cử giúp cho ứng cử viên là thành viên của mình, có khi cũng nhằm chống lại một ứng cử viên nào đó. Theo luật định, PAC bị giới hạn trong việc đóng góp tối đa: 5000 đô la cho ứng cử viên hay uỷ ban ứng cử mỗi cuộc đầu phiếu; 15000 cho mỗi đảng mỗi năm; 5000 cho tổ chức PAC khác mỗi năm.

Super PAC: Qua tháng 7 năm 2010, Toà Án Liên Bang ra án lệnh coi rằng việc ấn định giới hạn đóng góp từ cá nhân và đại tổ hợp là vi phạm quyền Tự Do Phát Biểu (1st Amendment). Do đó Super PAC ra đời, không bị giới hạn ai là người đóng góp, hay đóng góp bao nhiêu. Theo tuyên bố của Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Anthony Kennedy thì “We now conclude that independent expenditures, including those made by corporations, do not give rise to corruption or the appearance of corruption…” .Super Pac có thể tham gia vào việc chi dùng không giới hạn cuộc vận động tranh cử. Thường tiền này dùng chi trả quảng cáo trên truyền hình, truyền thanh, báo chí hay in ấn tài liệu tranh cử. Nhưng Super PAC không được can dự trực tiếp vào việc vận động của ứng cử viên mà mình yểm trợ.

Tiền ủng hộ cho SuperPAC phần lớn do các nhà giàu, các đại tổ hợp. Trong chiến dịch tranh cử năm 2012, có 100 cá nhân giàu có (3.7% đơn vị đóng góp) đã đóng góp số tiền lên tới 80% tổng số mà SuperPAC quyên được.  Người ta phê phán rằng sự ra đời của Super PAC đưa đến sự tham nhũng trong diễn trình chính trị vì thông thường, tiền bạc có thể làm lũng đoạn tất cả. Thương Nghị Sĩ John McCain đã cảnh báo rằng “Tôi bảo đảm sẽ có những vụ bê bối. Có nhiều vụ rửa tiền trong lãnh vực chính trị, nó sẽ làm cho các cuộc vận động tranh cử mất giá trị.” (I guarantee there will be a scandal, there is too much money washing around politics, and it’s making the campaigns irrelevant.) Chính Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện John Paul Steven cũng phản đối quyết định này của TCPV. Ông viết: “Từ căn bản, quan niệm của TCPV đã trái với nhận xét thông thường của người dân Mỹ vì họ thừa nhận một sự cần thiết nhằm ngăn ngừa các đại tổ hợp làm hư hỏng chính quyền. Dân chúng Mỹ đã từng tranh đấu chống lại tiềm lực lũng đoạn guồng máy bầu cử ngay từ thời của Tổng Thống Theodore Roosevelt. “ Ngoài ra, sẽ có sự bất công đối với các ứng cử viên khi có người nhiều kẻ ít.

Đến nay, tuy chưa dứt đợt Primary đầu tiên, mười lăm vị ứng cử viên đã nhận hơn 400 triệu đô la cho chiến dịch vận động của mình. Tính đến 30 tháng 6, 2015, các vị sau đây đã nhận được nhiều nhất.

  • Jeb Bush (Republican) – $114.4 triệu mà đa số là từ Super PAC money ($103 million); $11.4 million từ đóng góp qua các vận động.
  • Hillary Clinton (Democrat) – $63.1 million trong đó có $15.6 million từ Super PACTed Cruz (Republican) – $52.3 million trong đó có $38 triệu Super PAC.
  • Marco Rubio (Republican) – $40.7 million trong đó từ vận động là $12.1 million, từ Super PAC $16.1 million, từ các ủy ban fundraising $15.8 million.
  • Scott Walker (Republican) – $32.1 million ($20 million từ một super PAC)
  • Rick Perry (Republican) – $17.9 triệu trong đó có $16.8 million từ Super PAC.
  • Bernie Sanders (Democrat) – $15.2 million từ các vận động tài chánh, và không nhận tài trợ của Super PAC.
  • John Kasich (Republican) – $11.5 million từ Super PAC.
  • Chris Christie (Republican) – $11 million từ Super PAC.
  • Ben Carson (Republican) – $10.6 million do vậnđộng, cũng không nhận tiền từ Super PAC.
  • Bobby Jindal (Republican) – $9.3 million trong đó có $3.7 million từ Super PAC.
  • Mike Huckabee (Republican) – $8 million trong đó có $6 million từ Super
  • Rand Paul (Republican) – $6.9 million từ các vận động.
  • Carly Fiorina (Republican) – $5.1 million, trong đó có $3.4 million từ Super PAC.
  • Lindsey Graham (Republican) – $3.7 million từ các vận động
  • Martin O’Malley (Democrat) – $2 million từ các vận động
  • Donald Trump (Republican) – $1.9 million từ các vận động (tài sản ông ta lên tới hơn 10 tỷ đô la, cần gì nhận tiền Super PAC?
  • Rick Santorum (Republican) – $600,000 từ các vận động.
  • Lincoln Chafee (Democrat) – $400,000
  • George Pataki (Republican) – $255,000

 

Theo tổng kết mới nhất, tính đến nay bà Clinton đã gây quỹ gần 100 triệu. (chỉ ba tháng đệ tam tam cá nguyệt 2015, đã gây quỹ 28 triệu đô la). Mới đây trong một chương trình truyền hình CNN, Anderson Cooper đã hỏi bà có nhận ra sự sai lầm khi nhận 675 ngàn đô la của Goldman Sachs để đến nói chuyện. Bà ta biện minh rằng Goldman Sachs tự ý trả cho bà, và nhiều vị cựu Ngoại Trưởng cũng được trả tiền cho các bài diễn văn. Câu trả lời đã làm cho cử tọa bật cười vì cách bà ta cứ lắp bắp vì lúng túng. Vấn đề ở đây là bà đang ứng cử TT Hoa Kỳ; nên người ta coi đây là một sự mua chuộc cho những mưu lợi về sau. Ông Sander từng lên án bà Clinton có nhiều quan hệ tài chánh với giới ngân hàng.

Read more: http://www.hannity.com/articles/hanpr-election-493995/watch-hillarys-painful-answer-for-why-14346921/#ixzz3zEPwWvxy

7.- Vài điểm chính trong cuộc tranh luận giữa ông Sander và bà Clinton tối thứ Năm 4 tháng 2.

Việc Clinton nhận số tiền khổng lồ của Goldman Sachs cũng đã được ông Bernie Sander đưa ra trong buổi tranh luận tối thứ Năm 4 tháng 1 vừa qua. Bà Clinton cho rằng các bộ trưởng Ngoại giao khác cũng đi nói chuyện và được trả tiền. Nhưng có 3 điều đáng lưu ý:

(1) Đúng là các bộ trưởng Ngoại giao cũng từng nói chuyện và được trả tiền như Henry Kissinger, George Shultz, Madeleine Albright, Colin Powell, Condoliza Rice… Nhưng tiền thù lao bao nhiêu? Bà Albright, ông Baker chỉ nhận khoảng 40000 mỗi lần; bà Rice, ông Powell còn nhận ít hơn, chỉ khoảng 20000 đô la. Trong khi bà Clinton nhận hơn 675000 đô la chỉ cho 1 lần nói chuyện.

(2) Các buổi nói chuyện của các vị kia luôn luôn công khai, được báo chí, truyền hình phổ biến. Trong khi cuộc nói chuyện của bà Clinton thì giữ bí mật, canh gác tuyệt đối (tightly guarded secret)

(3) Quan trọng hơn cả, là bà Clinton được trả tiền trong khi bà chuẩn bị tranh cử Tổng Thống. Và ông Sander đã nhắc lại việc trong thập niên 1990, Wall Street đã bỏ ra hàng tỷ đô la vận động để thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền (deregulated). Sanders đã quả quyết rằng tiền bạc của các đại tổ hợp sẽ ảnh hưởng đến những vị dân cử. Như thế, việc trả tiền hậu hỉ quá mức có phải là hình thức mua bà Clinton cho những quyền lợi tương lai hay không?

Tôi xin nhắc lại rằng chính những vị Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện cũng đã nêu lên việc các Super PAC ủng hộ tiền vô giới hạn có thể đưa đến sự tham ô.

Tối thứ năm vừa qua, việc tranh cãi về việc Hillary Clinton nhận mình là Progressive cũng trở thành gay cấn khi ông Sander cáo buộc rằng bà Clinton trước đây nhận mình là Trung Dung (moderate), nay nhảy sang nhận mình là Cấp Tiến (Progressive). Ông nói, một người không thể vừa trung dung, vừa cấp tiến; không thể hôm nay trung dung, ngày mai cấp tiến.

Bà đã giải thích rằng chữ cấp tiến có gốc Progress, là tiến bộ, bà là người cấp tiến vì muốn làm được việc.  Bà cũng biện minh rằng không phải vì Obama nhận tiền tài trợ của Wall Street, vì Joe Biden yểm trợ công trình Keystone, vì TNS Jeanne Shaheen ủng hộ Thoả Ước Thương Mại mà không được coi là cấp tiến.

Bà Clinton là một luật gia, hoạt động chính trị gần hết nủa đời, chắc dư hiểu ý nghĩa của hai chữ Cấp Tiến. Nó không đơn giản là chỉ là tiến bộ như cái chữ gốc (prefix). Cấp tiến phải hiểu trong khuôn khổ hoạt động chính trị, đảng phái của từng thời điểm. Và không chỉ có người Cấp Tiến mới muốn làm được việc?

Nguyên thủy, chủ nghĩa Tiến Hoá (Progressivism) là quan điểm triết học dựa trên khái niệm tiến hoá. Nó coi những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phát triển kinh tế, tổ chức xã hội là thiết yếu để nâng cao điều kiện sống của con người. Đó là quan niệm thời khai sáng (Age of Enlightenment) ở Châu Âu. Nhưng đến thời đại hiện nay, sau cuộc kỹ nghệ hoá của Tây Phưong và sự lớn mạnh của Chủ nghĩa Tư Bản không bị kềm chế, các đại tổ hợp độc quyền, với sự bất công về lợi tức giữa người nghèo và người giàu; tranh chấp giữa thợ và chủ tư bản… thì phong trào Cấp Tiến mang tính cách mạng thiên về phe tả.

Thật ra, Chủ nghĩa cấp tiến không có gì sai. Nó chủ trương cung cấp nền giáo dục tốt, môi trường an toàn, nơi làm việc tốt để giải quyết các vấn đề xã hội như sự nghèo khó, bạo lực, phân biệt chủng tộc, tranh chấp giữa các giai cấp, vân vân.  Tại Hoa Kỳ, nhóm những người Cấp Tiến là một thành phần của đảng Dân Chủ, phát triển ở các đô thị, trong giới trí thức, coi chính phủ là công cụ để làm cuộc thay đổi. Nên nhớ khẩu hiệu của Obama khi ra tranh cử là “Thay Đổi”. Tổng Thống Theodore Roosevelt (1901-1909) trước thuộc đảng Cộng Hoà, sau này trong kỳ tranh cử 1912, chuyển qua thành lập đảng Cấp Tiến. Tổng Thống Woodrow Wilson cũng thuộc phái cấp tiến trong đảng Dân Chủ.

Nói tóm, Cấp tiến không chỉ là tiến bộ; mà còn là một chủ trương cách mạng xã hội theo quan điểm tả khuynh. Chủ Nghĩa Tiến Hoá là một khái niệm cách mạng gần gủi với Chủ Nghĩa Xã Hội. Nó đứng bên phe tả trong toàn cảnh chính trị. Theo chủ nghĩa Cấp Tiến không có gì sai, nhưng một người không thể đứng hàng hai, vừa Trung Dung, vừa Cấp Tiến.