Thời Sự Hàng Tuần 07-15-2017 – Sự đánh giá một lãnh tụ là từ những việc làm tưởng rất nhỏ bé

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận 

Sự đánh giá về một lãnh tụ là từ những việc làm tưởng rất nhỏ bé.

Quan sát một người khi làm việc, dù là việc nhỏ, cũng có thể đánh giá gần đúng về con người đó.

Hôm 8 tháng 7, sau khi chiếc phi cơ Air Force One từ Âu Châu bay về Mỹ và đáp xuống phi trường ở căn cứ Không Quân Andrews, Tổng Thống Trump xuống phi cơ và tiến đến chiếc trực thăng Marine One đang chờ để đưa ông về toà Bạch Cung. Lúc đó có hai người lính Thủy Quân Lục Chiến đứng chào hai bên cầu thang trực thăng. Khi Tổng Thống đến gần, một ngọn gió mạnh thổi bay chiếc nón kê pi của người lính đứng bên phải chân cầu thang. Không chút ngập ngừng, Tổng Thống Trump đã chuyển hướng, bước mấy bước về bên phải để nhặt chiếc nón, đem tới đội lên đầu người lính. Nhưng có lẽ vì chiếc nón hơi rộng, gió lại thổi bay lần nữa. Lần này thì ông để cho vị sĩ quan Không Quân nhặt lên. Ông đã vỗ vai thân mật như để trấn an người lính.

Qua một hành vi rất nhỏ, rất bình thường, của một người ở địa vị cao nhất nước, chúng tôi đã không còn do dự gì mà không khen ông là một người hiếm có. Một người đáng phục không phải chỉ là người tài năng lỗi lạc hay có những cống hiến to tát cho nhân loại. Mà là một người dù rất cao sang, rất uy quyền mà làm được những điều rất nhỏ đối với tha nhân. Ông Trump là một Tổng Thống, một Tổng Tư Lệnh Quân Đội, mà cúi xuống nhặt chiếc nón cho một người lính dưới quyền mình rất xa. Hành vi đó không đáng ca tụng sao?

Chúng tôi lại nhớ một hình ảnh tương phản trong đó Tổng Thống Obama đã đứng nói chuyện khi trời nắng (hay mới mưa lất phất?) Nhưng có một binh sĩ – cũng Thủy Quân Lục Chiến – đứng bên cạnh tay cầm chiếc dù để che nắng cho ông ta. Trong hình không thấy rõ nắng hay mưa. Nhưng nếu trời mưa, thì chỉ là mưa lất phất thôi, và người lính thì đứng trong mưa để cầm dù che.

Cũng thêm một điều tương phản khác. Tổng Thống Trump là người da trắng, nhặt nón cho một binh sĩ da đen. Trong khi ngược lại, cựu Tổng Thống Obama thì da đen và được binh sĩ da trắng đứng cầm dù hầu hạ. Nhìn trong ảnh, thấy khuôn mắt người lính này biểu lộ sự bất bình với đôi môi bậm lại và đôi mắt liếc xéo về Obama. Hai hình ảnh tương phản nói lên tính cách của hai con người: vị tha đối lại ích kỷ; độ lượng đối lại khắt khe; bình dị đối lại với quan liêu…

Tổng Thống Trump làm việc này không do dự, không tính toán, không màu mè như để phô trương mà rất thật, rất chân thành. Thật như những câu ông nói ra mà không cần chọn lựa, rào đón, né tránh. Từ hình ảnh này, tôi khâm phục ông vô cùng.

Nhưng liệu hình ảnh này rồi có làm cho nhưng người da màu tả khuynh sáng mắt ra mà ngưng luận điệu kết án Tổng Thống Trump là kỳ thị màu da không?

Truyền thông phe tả bóp méo sự thật về Tổng Thống Trump

Khi Tổng Thống Trump đến Warsaw, thủ đô Ba lan, ông đã đọc bài diễn văn tại công trường Krasinski, nơi có tượng đài kỷ niệm cuộc chiến đấu can trường của quân dân Ba Lan trong thế chiến thứ hai. Sau khi ca tụng tinh thần chiến đấu vì độc lập, dân chủ của dân chúng Ba Lan, Tổng Thống Trump tái xác nhận sự cam kết phòng thủ NATO trong đó ông nói “Hoa Kỳ không chỉ thể hiện bằng những lời nói, mà với cả hành động rằng chúng tôi cương quyết thực hiện lời cam kết ghi trong điều 5 về một sự phòng thủ đa phương.” (…has demonstrated not merely with words, but with its actions that we stand firmly” behind Article 5, “the mutual defense commitment.) Theo ông, nói thì dễ, nhưng hành động thì mới đáng kể. Điều 5 này, đuợc thúc đẩy sau biến cố 9-11 xảy ra ở New York City năm 2001, ghi rằng bất cứ sự tấn công nào vào một nước thành viên cũng coi là tấn công vào cả tập thể và các quốc gia thành viên có nhiệm vụ phải tham gia phòng thủ.

Trước hàng ngàn người Ba Lan nồng nhiệt chào đón ông, Tổng Thống Trump đã ca ngợi Ba Lan là nước đầu tiên, sớm nhất đã thực hiện đủ lời hứa đóng góp phần mình vào ngân sách NATO và kêu gọi các nước NATO khác cũng làm tròn lời hứa là chi ra ít nhất 2% ngân sách quốc gia cho phí tổn quốc phòng. Tại đây ông kêu gọi Nga hãy chấm dứt việc gây những bất ổn tại Ukraine cũng như ngưng sự ủng hộ cho các chế độ hiếu chiến như Iran và Syria; mà tham dự vào cộng đồng các quốc gia đang chống lại những kẻ thù chung của nền văn minh Tây Phương mà ông nói rõ là từ phương Đông hay phương Nam. Ý ông muốn nói đến các lực lượng khủng bố Hồi Giáo cực đoan. Ông đã hết lời ca ngợi nền văn minh Tây Phương và cho rằng nền văn minh này sẽ không sức mạnh nào tàn phá đuợc.

Tiếp đón ông có Tổng Thống Ba Lan là Andrzej Duda và đệ nhất phu nhân Ba Lan. Sau khi hai Tổng Thống bắt tay, bà Duda tiến tới. Bà không kịp nhìn thấy bàn tay Tổng Thống Trump chìa ra, mà đã nhanh chóng bắt tay Đệ Nhất Phu Nhân Melanie Trump trước, sau đó mới quay lại bắt tay ông Trump.  Việc sơ suất nhỏ nhặt như thế không hiếm trong các cuộc giao tiếp. Nhưng truyền thông Dân Chủ, tả khuynh đã chộp lấy và loan rằng bà Duda đã coi thường, không thèm bắt tay Tổng Thống Trump. Họ chỉ cho chiếu phần video dài hai giây khi bà Duda bắt tay bà Melanie mà không chiếu tiếp khi bà này quay sang bắt tay Tổng Thống Trump. Tổng Thống Duda đã phải lên tiếng trong vụ này rằng “Trái ngược với vài bản tin đáng ngạc nhiên, vợ tôi đã bắt tay Tổng Thống Hoa Kỳ trong buổi thăm viếng trang trọng đáng nhớ. Chúng ta hãy phản đối những loại tin dỗm như thế này.

Nhà bình luận Backett Adams của báo Washington Examiner đã mở đầu bài viết của ông bằng lời mắng truyền thông tả khuynh “Sao ngu xuẩn thế!” (This is so stupid) và kêu gọi các phóng viên hãy chứng tỏ sự trưởng thành trong nghề nghiệp của mình.

Cũng nhóm truyền thông và những phần tử tả khuynh đã xuyên tạc lời phát biểu của Tổng Thống Trump khi khen ngợi văn minh Tây Phương. Họ xem đó là biểu hiện sự đề cao “Chủ nghĩa dân tộc của người da trắng” và kỳ thị những dân tộc da màu. Ông Brad Woodhouse, một nhà lý luận Dân Chủ còn coi lời tuyên bố của Tổng Thống Trump như “tiếng còi thúc dục những con chó săn đối với những phần tử da trắng.” (Western civilization and Christian Values are dog whistles to white nationalists)

Lại thêm chuyện ông Thị trưởng Bill de Blasio bỏ việc của thành phố, đi lo chuyện thế giới! Sáng thứ Tư tuần trước, bà Miosotis Familia, một nữ cảnh sát người da đen bị một kẻ xấu ám sát trên đường phố khu Bronx, khi đang ngồi trong chiếc xe Cảnh Sát. Vào thời điểm mà sở Cảnh Sát đang lo tang lễ cho người nữ cảnh sát, là mẹ ba đứa trẻ thơ này, thì ông Thị trưởng bay qua tận Hamburg để gia nhập trong đám người phe tả biểu tình chống lại Hội Nghị G-20.

Ông Ed Mullins, Chủ Tịch Hiệp Hội Tương Trợ Cảnh Sát đã than thở với báo Washington Post như sau: “Tôi không hiểu ông ta nghĩ thế nào khi rời bỏ thành phố vào phút giây chia sẻ tang thương của gia đình cảnh sát khi một người trong họ vừa bị giết hại.” Ông nói rằng công việc của ông de Blasio là ở ngay đây, tại thành phố New York, chứ không phải ở các nước ngoài. Chuyện chính tri thế giới không phải là nhiệm vụ của ông ta.

Từ những năm qua, mối quan hệ giữa ông Thị trưởng de Blasio với ngành cảnh sát New York đã xấu đi rất nhiều khi de Blasio luôn có lời tuyên bố gây căm phẫn, chê bai, chống lại những nhân viên cảnh sát dưới quyền. Vào tháng 12, 2014, có 2 nhân viên cảnh sát ở Brooklyn bị ám sát ngay trên đuờng phố. Trong khi cử hành tang lễ của một trong hai cảnh sát đó là Rafael Ramos bên ngoài nhà thờ Tabernacle ở khu vực Queens, tất cả nhân viên cảnh sát có mặt đã quay lưng lại khi ông de Blasio phát biểu.

Tại Hamburg, trước những người biểu tình, ông de Blasio nói rằng Tổng Thống Trump không đại diện cho nước Mỹ. Ông cho rằng thủ đô Washington hiện là một ốc đảo, không đại diện cho quan điểm chính trị của công dân Hoa Kỳ.

Những thành tựu trong chuyến đi Âu Châu của Tổng Thống Trump

Trong hai ngày tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G-20, Tổng Thống Trump cũng có tham dự, nhưng không tích cực là thành viên của hội nghị. Trong khi các vị tham dự đeo trên ve áo chiếc pin có phù hiệu của G-20, Tổng Thống Trump lại đeo phù hiệu quốc kỳ Mỹ.

Ông đã lợi dụng thời gian và không gian mà bà Merkel của nước Đức dành cho để thực hiện theo cái chương trình riêng của ông. Ông đã gặp Tổng Thống Nga Putin và các vị lãnh đạo khác để bàn về vấn đề Bắc Hàn, cũng như trao đổi với các nước về vấn đề giao thương. Khi Hội nghị G-20 chuyển qua bàn về vấn đề Thay Đổi Thời Tiết, thì như đã loan, Tổng Thống tuyên bố rằng Hoa Kỳ rút ra khỏi Thỏa Ước Paris về vấn đề này.  Vào ngày thứ Bảy, ông để cho cô con gái Ivanka thay mặt ông tham gia hội nghị trong lúc ông tiếp xúc với Tổng Thống Indonesia. Chúng tôi thấy trong ảnh, Ivanka ngồi cùng bàn với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Anh Theresa May trong phiên họp chó chủ đề “Mối liên quan đối tác với các nước Phi Châu về vấn đề nhập cư và y tế”.

Báo chí phe tả hô hoán lên phản đối việc này; nhưng trong vai trò cố vấn, Ivanka có thể ngồi thế vào chỗ Tổng Thống Trump trong một thời gian ngắn. Thủ Tướng Đức, là nước đứng vai trò tổ chức Hội Nghị, bà Merkel cho hay rằng không có vấn đề gì sai khi Ivanka thay cha mình dự cuộc họp. Bà nói: “Các phái đoàn có toàn quyền quyết định người thay thế khi vị trưởng đoàn cần vắng mặt.”

Trong tấm ảnh chụp chung với các vị lãnh đạo tham dự Hội Nghị, thay vì chen vào đứng ở khoảng giữa như các Tổng Thống Mỹ khác thường làm. Tổng Thống Trump tách ra đứng phía rià trái của nhóm người và nhỏ to trò chuyện cùng Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron. Các nhà bình luận chính trị có nhận xét thú vị rằng ông George W. Bush là một Tổng Thống đơn phương (unilateral president), vì ông thường đứng tách ra khỏi sân khấu thế giới; trong khi đó thì Obama đuợc coi là Tổng Thống đa phương (multilateral president), vì ông này luôn luôn tìm sự đồng thuận chung cả nhóm trong những vấn đề như giao thương, an ninh, và thay đổi thời tiết…; Còn Trump thì đuợc ví là Tổng Thống song phương (bilateral president), do việc ông tìm những sự thương lượng tay đôi mỗi lần một việc chứ không gom vào một lúc. Đó là kinh nghiệm của Trump, một nhà doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệp thương thảo và với triết lý chính trị đặt quyền lợi quốc gia lên trên những khái niệm rộng lớn toàn cầu. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia  H.R. McMaster và Cố vấn Kinh tế Gary Cohn viết trên báo Wall Street Journal, thì “dưới mắt Tổng Thống Trump, thế giới không phải là một cộng đồng toàn cầu (global community), nhưng là một đấu trường nơi các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các nhà doanh nghiệp tham gia và tranh đua nhau để đạt các lợi thế.”

Ông Rex Tillerson, Ngoại Trưởng Mỹ cho hay hai Tổng Thống Trump và Nga cùng cam kết sẽ không xía vào chuyện nội bộ của nhau. Theo Tổng Thống Trump thì: “Chúng tôi mong sẽ có nhiều điều tốt cho cà hai nước và các nước có liên quan.” Ông Putin cũng phát biểu tương tự. Hai ông đã trò chuyện lâu hơn hai giờ, đến nỗi bà Melanie phải vào hối thúc họ chấm dứt.

Tổng Thống Trump trong cuộc tiếp xúc trực tiếp với Tổng Thống Nga Putin, đã cật vấn ông ta nhiều lần về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2016. Tổng Thống Putin chối bỏ điều này và yêu cầu trưng ra bằng cớ rõ ràng thay vì những lời cáo buộc vu vơ. Những cáo buộc này chúng ta đã nghe trong hơn nửa năm qua, nhưng vẫn chưa thấy ai đưa ra được các bằng chúng cụ thể để có thể quy kết tội về ai. Mới đây, người ta nêu ra việc con trai của Tổng Thống Trump là ông Doanld Trump Jr. vào tháng 6, 2016, trong mùa bầu cử, đã từng tiếp xúc với một nữ luật sư Nga tên là Natalia Veselnitskaya tại Trump Tower. Theo lời ông Trump Jr., thì cô Natalia hẹn gặp để cung cấp tài liệu về bà Hillary Clinton. Nhưng khi hai người gặp nhau, cô này đã lái sang vấn đề xin hủy bỏ Đạo luật Magnisky trong đó cấm vận đối với các thành viên cao cấp Nga. Do sự cấm vận của Mỹ, Nga trả đũa bằng cách ngưng chương trình cho phép các gia đình Mỹ nhận con nuôi từ Nga. Do đó buổi gặp gỡ không thành vì Trump Jr. từ chối tiếp tục trò chuyện với cô. Cô Natalia cho đài NBC hay rằng cô không phải là nhân viên chính quyền của Nga mà chỉ lobby giùm cho các công ty ở Nga điều hành bởi các các cựu công dân Mỹ. Các công ty này đã trốn thuế ở Nga cũng như ở Mỹ, và có thể đã đóng góp tài chánh cho ứng cử viên Hillary Clinton. Cô ta khai rằng ông Trump Jr. chỉ hỏi cô độc nhất một câu hỏi rằng cô có hồ sơ tài chánh nào chứng minh rằng các tiền bạc ủng hộ bà Clinton đến từ nguồn bất chính.

Nếu sự thật là như thế, thì quả “không có gì mà ầm ỉ cả”. Đi truy tìm tài liệu về sự bất chính của đối phương là chuyện thông thường. Huống chi, cuộc tiếp xúc giữa ông Trump Jr. và cô Natalia đã dừng lại ngay lúc khởi đầu, chưa đi sâu thêm vào những bàn bạc, âm mưu gì. Nếu có phán xét một cách gay gắt, thì nó chỉ là vấn đề ethic (nên hay không nên làm), chứ không có diều gì phạm luật ở đây cả. Donald Trump Jr. đã nói sẽ công bố toàn bộ các email liên hệ đến vụ này. Hôm thứ Tư, ông Mark Corallo phát giác ra cô Natalia có liên hệ với nhóm Fusion GPS là nhóm thân Clinton từng lập những hồ sơ bêu xấu TT Trump. Có thể coi vụ này như một sự dàn dựng chăng?

Ngoài ra, cũng trong dịp gặp ông Putin, Tổng Thống Trump đã cùng Putin thoả thuận tiến đến một cuộc ngưng bắn tại Syria kể từ trưa ngày Chủ Nhật 09 tháng 7 giờ Damacus. Thoả thuận này có sự tham gia của Jordan, Nga và Hoa Kỳ; nhưng chính phủ Hoa Kỳ không đuợc phép tuyên bố công khai. Các lực lượng tham chiến của hai bên là phía chính phủ Assad do Nga và Iran hỗ trợ và phía kháng chiến do Hoa Kỳ hỗ trợ. Không nghe nhắc đến phe ISIS mà cả hai phe trên cùng xem là kẻ thù. Một thoả thuận riêng rẻ do Nga, Turkey và Iran (không có Mỹ) sẽ tạo ra những khu vực xuống thang chiến cuộc. Nhưng hiện các phe (đại diện chính phủ Assad và đại diện các phe kháng chiến) đã thất bại trong việc thoả thuận để hoàn tất kế hoạch ngưng bắn trong loạt đàm phán sau đó ở Kazakhstan.

Cuộc chiến ở Syria nổ bùng sáu năm trước (2011) do chính sách độc tài tàn bạo của Bashar Assad đưa đến sự nổi loạn của nhiều nhóm, trong đó có cả thành phần quân nhân. Nó đã làm cho ít nhất 400 ngàn người chết và hơn một nửa dân số Syria phải ly tán.

Việc thương lượng ngưng bắn giữa Tổng Thống Trump và Putin đuợc coi là thắng lợi rất lớn của Tổng Thống Trump. Trước đây, do sự nhu nhược của Obama, Nga, Iran và Syria coi thường Mỹ. Ba nước này gạt Mỹ ra khỏi cuộc chơi. Họ bàn tính về số phận Syria mà không cho Mỹ tham dự vào dù Mỹ đang yểm trợ cho một thành phần quân kháng chiến Syria.

Có một chuyên khôi hài kể cho quý vị nghe để cười năm phút. Thủ tướng Việt Cộng Nguyễn Xuân Phúc cũng có tham gia trong Hội Nghị G-20 với tư cách khách quan sát. Sau đó vài hôm, báo chí Việt Cộng đăng tin rằng tên Phúc được bà Merkel mời đọc diễn văn tại hội nghị. Những người bình phẩm trên các trang web đã cười ồ lên vì tin này. Lý do, anh thủ tướng ít học này đọc diễn văn bằng tiếng Việt còn chưa thông, nói chi đến Anh Ngữ mà anh ta còn chưa phát âm đúng chữ Made in Vietnam.

G-20 gồm những ai?

Tưởng cũng nên biết qua vể G-20. G-20 viết tắt chữ Group of Twenty, là một diễn đàn quốc tế gồm các chính phủ và thống đốc ngân hàng của 20 nước có nền kinh tế phát triển cao nhất thế giới. Nó đuợc hình thành năm 1999 mục đích thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách nhằm thăng tiến sự ổn định nền tài chánh quốc tế. Nó cũng nhằm đưa ra giải quyết những vấn đề mà vượt khỏi tầm trách nhiệm của bất cứ tổ chức nào. Sau cuộc họp đầu tiên vào năm 2008, các lãnh tụ các nước trong G-20 họp nhau định kỳ. Trước đây, vào hai năm 2009 và 2010, mỗi năm họp hai lần. Nhưng từ sau tháng 11, 2011, thì ấn định họp hàng năm, hoặc có khi họp riêng rẻ giữa các bộ trưởng tài chánh, ngoại giao tùy theo lịch trình đòi hỏi.

Hai mươi thành viên hiện nay là 19 quốc gia theo thứ tự ABC: Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Cộng (China), Pháp (France), Đức (Germany), Ấn Độ (India), Indonesia, Italy, Nhật Bản (Japan), South Korea, Mexico, Nga (Russia, Saudi Arabia, Nam Phi (South Africa), Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), Anh (United Kingdom), Hoa Kỳ (United States), và Liên Hiệp Âu Châu €uropean Union). Hai đại diện Liên Âu là Ủy Hội Âu Châu và Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu. Về kinh tế, thành viên nhóm G-20 có tổng sản lượng bằng 85% tổng sản lượng toàn thế giới gộp lại. Về giao thương, nó chiếm 80% giao thương toàn thế giới; và về dân số, nó chiếm 2/3 dân số thế giới.

Nhóm G-20 chính thức thay thế nhóm G-8 kể từ 25 tháng 9, 2009 và đuợc xem là một hội đồng kinh tế chính thức của những nước giàu có.

Vì thế, nhóm G-20 bị rất nhiều sự phê phán từ các giới ưu tú. Họ xem đây là khuynh hướng thống trị toàn cầu (global governance) mà chúng tôi có dịp trình bày trong nhiều bài trước đây.  Trong kỳ họp G-20 vừa qua, hàng trăm ngàn người từ khắp nơi kéo về Hamburg để biểu tình trong nhiều ngày với khẩu hiệu chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa toàn cầu.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Thoả Ước Paris về “Biến đổi thơì tiết”, các nhà lãnh đạo 19 quốc gia còn lại tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 khẳng định lại sự cam kết thực hiện thỏa ước Paris bất chấp sự rút lui của Hoa Kỳ. Bất đồng về khí hậu gây trở ngại cho các cuộc đàm phán trong ngày cuối cùng của hội nghị, nhưng cuối cùng các bên cũng đạt được một số thỏa thuận.

Trong bản tuyên bố chung của hội nghị vào chiều thứ Bảy 8 tháng 7, có nhấn mạnh rằng họ quan tâm đến quyết định của Hoa Kỳ.  Nhưng không rõ quan tâm thế nào? Có thể là thiếu Hoa Kỳ, thì họ chỉ còn đóng góp nước bọt và ngân sách của họ sẽ coi như con số không chăng?

 Cái giá của chương trình “Biến đổi thời tiết” (Climate Change)?

Theo Liên Hiệp Quốc, để ngăn chặn hiện tượng thay đổi thời tiết, phải tốn khoảng 1.3 ngàn tỷ mỗi năm!!!

Chỉ bằng cách vận dụng máy tính, các nhà khoa học thừa nhận việc thay đổi thời tiết làm cho trái đất nóng lên mỗi năm. Nếu nhiệt độ địa cầu tăng thêm 2 độ C thì một đợt nóng khủng khiếp sẽ làn tan các băng sơn ở Bắc Cực. Các nghiên cứu của họ đưa ra báo động rằng các tảng băng sơn sẽ tan vào hai năm 2016 và 2017 dẫn đến sự tăng của mặt nước biển; tràn lấn vào các vùng duyên hải và hậu quả là hàng chục triệu người sẽ phải di tản sâu vào trong lục địa.

Trong thực tế, các dự đoán trên đã sai bét. Từ mấy thập niên qua tuy nhiệt độ có tăng lên, nhưng mực nước biển vẫn giữ mức tăng đều dặn hàng năm là 2, 3 milimét. Những nghiên cứu vài năm gần đây lại cho thấy có triệu chứng giảm nữa là khác. Họ sai vì đã dựa vào các mức đo thủy triều từ những tài liệu trước năm 1980 đã lỗi thời cùng nhiều dữ kiện khác của năm 2014.

Theo tài liệu nghiên cứu của trường Đại học Colorado phổ biến vào tháng 4 vừa qua, thì trong các câu hỏi chưa tìm ra sự giải thích thỏa đáng về “mực nước biển trung bình của thế giới” (global mean sea level (GMSL)) thì sự gia tăng chưa đuợc phát hiện và ghi nhận trong hồ sơ. Do đó chỉ là sự ước đoán rằng các tảng băng sơn hay lớp nước đá trên mặt biển ở hai cực sẽ tan chảy ra và cũng làm gia tăng sự tập trung của lớp khí greenhouse. Tác giả bản nghiên cứu nói rằng mức độ gia tăng mực nước biển mấy năm gần đây đã giảm so với mức trung bình trong quá khứ.

Người ta lưu ý rằng việc các chuyên gia đưa ra những lời phân tích và hướng dẫn trong các tạp chí khoa học là để lý giải cho những sắc lệnh hành chánh và những hành động của hành pháp Obama, chạy theo những ảo giác của Al Gore. Dân chúng không tin vào những chính sách mà các nhà khoa học cổ vũ. Đặc biệt khi những chính sách này liên quan đến khuynh hướng liberal, progressive đi ngược lại với phong cách của xã hội tư bản.

Các nhà khoa học từ rất lâu, đã cổ động cho sự thay thế các nguồn năng lượng từ fossil như dầu lửa, than đá… bằng các nguồn năng lượng mới như nguyên tử, gió, thủy điện, năng lượng mặt trời. Nhưng qua nhiều năm, người ta vẫn còn thấy những hạn chế và sự nguy hiểm của các năng lượng mới này.

Điển hình: các đập thủy điện qua thời gian sử dụng có thể vỡ hay rò rì gây nạn lụt cho cả một vùng rộng lớn. Nhà máy nguyên tử, thì quá nguy hiểm vì có khi sơ suất hay do thiên tai có thể làm chất phóng xạ toả ra không trung, giết hại người và thú vật, thực vật mà hàng chục năm sau chưa hồi phục đuợc. Phong điện thì chiếm diện tích mặt đất và không đủ cung cấp điện năng. Điện bằng năng lượng mặt trời thì lệ thuộc vào hai mùa mưa nắng.

Còn khi phê phán rằng nền công nghiệp của con người đã thải ra không trung lượng thán khí làm cho hỏng bầu khí quyển, các nhà khoa học đã quên rằng thán khí do con người thải ra chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng thán khí mà các núi lửa phun ra hàng năm, hay do nạn cháy rừng.… Con người đã và đang có những phát minh mới nhằm làm giảm sự thải khí CO-2, nhưng làm sao ngăn cản đuợc núi lửa bùng phát hay nạn cháy rừng?

Trở lại vấn đề, với nhu cầu 1.3 ngàn triệu mỗi năm mà những nước xả thán khí nhiều nhất, có tiềm năng kinh tế cao lại không đóng góp đồng nào; còn lại đa số nước nghèo, nếu có đóng chỉ là con số tượng trưng. Vì thế, sự ra đi của anh nhà giàu hào phóng Hoa Kỳ là một sự thiệt thòi quá lớn. Đừng mong rằng Trung Cộng có đủ khả năng thay chân Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo. Họ chưa lo nổi cho 1.3 tỷ dân đủ ăn, đủ mặc thì cả trăm năm nữa, chưa thể với đến vai trò này.

Quân Iraq tái chiếm Mosul

Mosul là thành phố lớn thứ hai của nước Iraq mà bọn mệnh danh là “Nhà Nước Hồi Giáo Syria và Iraq” (ISIS) đã chiếm được vào tháng 6 năm 2014 sau khi cựu Tổng Thống Obama ra lệnh rút quân Mỹ khỏi nước này mà đã tạo ra khoảng trống và hỗn loạn để bọn ISIS từ con số không tiến đến một lực lượng hàng chục ngàn chiến binh trong một thời gian rất ngắn.

Ngày thứ Hai, 10 tháng 7, 2017, toàn bộ thành phố Mosul đuợc giải phóng sau 9 tháng bao vây và tiến công dồn dập của lực lượng Iraq được phe đồng minh do Hoa Kỳ cầm đầu yểm trợ đắc lực.

Sau chiến thắng này, Đại Tướng Stephen J. Townsend, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm hỗn hợp chống ISIS đã gửi điện văn chúc mừng đến Thủ Tướng Iraq là ông al-Abadi và quân đội Iraq. Nhưng ông cũng nhắc thêm rằng thành quả này chưa làm tiêu diệt bọn nhà nước ISIS, mà phía trước sẽ còn nhiều trận chiến cam go. Tuy nhiên, ISIS coi như bị một đại bại khi bị mất một trong hai thủ đô của cái gọi là nhà nước Hồi Giáo (Caliphate). Tàn quân ISIS sau khi mở đuờng máu thoát ra khỏi Mosul đã chiếm một phần của một ngôi làng trong vùng.

Ngoài Mosul, bọn ISIS còn đang chiếm đóng thành phố Raqqa. Đây cũng là một thành phố lớn thứ sáu của Syria. Nó nằm phía bờ đông bắc của sông Euphrates; cách thành phố nổi tiếng Aleppo ở phía tây 90 dặm. Vào khoảng những năm từ 796 đến 809, Aleppo từng là thủ đô của nhà nước Caliphate có tên Abbasid. Trước chiến tranh, thành phố này có hơn 220 ngàn dân. Quân ISIS chiếm thành phố này làm thủ đô vào tháng Ba, năm 2013. Hiện nay cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn khốc liệt tại đây. Liên quân chống ISIS đang thắt chặt vòng vây. Quân ISIS chỉ còn giữ đuợc không tới 1 dặm vuông.

Trong thời gian vài năm tạm chiếm các thành phố Aleppo, Raqqa, Mosul… bọn ISIS đã đập phá tất cả những di tích văn hoá, lịch sử rất quý giá của nền văn minh Lưỡng Hà và văn minh Thiên Chúa Giáo. Chúng tàn sát hàng ngàn người khác tôn giáo, và ngay cả người Hồi Giáo thuộc nhóm khác hay chống đối lại chúng. Có gần một triệu dân Iraq ở thành phố Mosul đã phải di tản.

Hiện nay, Mosul chỉ còn là những đống gạch vụn nát như thành phố Quảng Trị của chúng ta năm 1972 vậy.

Sáng thứ Tư, Tổ chức theo dõi Nhân quyền Syria (Syrian Observatory for Human Rights) báo cho phóng viên Reuter biết rằng trùm ISIS là Abu Bakr al-Baghdadi đã bị giết thật sự. Phía Nga cách đây mấy tuần loan báo tin phi cơ của họ đã ném bom hạ sát tên này. Tuy nhiên phía Mỹ vẫn chưa xác nhận.

 Triệu phú cũng ăn gian welfare

Tháng trước, chúng tôi có nói đến việc một số người gian lận lãnh tiền phúc lợi và dùng nó vào các chuyến du lịch ăn chơi hay dùng để đánh bạc. Kỳ này, xin nói về một số người giàu có mà cũng khai gian để hưởng tiền do những người vất vả làm ăn đóng thuế vào các loại quỹ phúc lợi.

Tuần trước đã có bảy cặp vợ chồng nhà giàu bị cáo buộc gian lận 2 triệu đô la tiền trợ cấp. Tuần qua, lại có thêm mười hai người giàu có ở thành phố Lakewood, Tiểu bang New Jersey vừa bị toà buộc tội gian lận Medicaid và các khoản trợ cấp của chính phủ. Họ đã khai gian tiền thu nhập, lợi tức xuống dới mức ấn định cho người nghèo để được nhận các khoản Medicaid, tem phiếu thực phẩm và trợ cấp hơi đốt.

Những người này đã nhận trát toà và phải trả lời toà chậm nhất là vào thứ Ba tới. Họ đã nhận đến 400 ngàn đô la trợ cấp; trong đó có một cặp đã nhận 75 ngàn đô la cho một khoản trợ cấp không ghi rõ loại gì vào hai năm 2011 đến 2013.

Trong nhóm ăn gian này có vợ chồng một tu sĩ (Rabbi) của đạo Do Thái mà tiền gian lận lên tới hơn hai triệu.

Một cặp khác mà lợi tức thu nhập hàng năm hơn 1 triệu đô la, đã ăn gian tiền chính phủ trong nhiều năm qua. Còn một cặp khác nữa thì thu nhập mỗi năm 1.8 triệu từ những businesses khác nhau. Nhưng họ ma mánh dùng tên của những bà con để nhận tiền trợ cấp cư trú, tem phiếu thực phẩm và trợ giúp y tế lên tới 178 ngàn đô la. Theo luật New Jersey, một gia đình 5 người nếu có thu nhập dưới 4385 đô la, thì sẽ có đủ tiêu chẩn để hưởng các trợ cấp dinh dưỡng có tên là Supplemental Nutrition Assistance Program (SNAP).

Chính quyền New Jersey còn tiếp tục điều tra để tìm thêm những kẻ nhà giàu mà gian lận, ăn bám vào tiền phúc lợi xã hội mà lẽ ra là dành cho người nghèo khó.

Theo tổ chức Kaiser Family Foundation, trong năm 2016, Tiểu bang New Jersey đã chi ra 14.5 triệu cho chương trình Medicaid. Nếu tính trên toàn quốc, thì có 553.4 tỷ đô la chi trả cho chương trình trợ giúp y tế.

Nhà nước CSVN thừa nhận việc bắt cóc trẻ con mổ lấy cơ phận bên trong người (nội tạng).

Để soạn một bài thời sự dài một giờ này, chúng tôi phải tham khảo rất nhiều tài liệu đa số là trên các trang web có giá trị và nghe từ các đài truyền hình Mỹ nổi tiếng để gạn lọc ra những tin chính xác, những dữ kiện trung thực. Do việc sử dụng photoshop trở thành quá phổ biến và tinh vị, chúng tôi rất dè dặt mỗi khi xem hay đọc những bài, hay đoạn phim, hay hình ảnh trên các trang face book, các diễn đàn mà người ta thường chuyển cho nhau hàng loạt, ngay cả có những trang web thuộc loại rẻ tiền chuyên loan tin bậy bạ, giật gân. Đặc biệt về việc giết người mổ lấy nội tạng đem bán, có quá nhiều tài liệu và phim, ảnh nhưng không thể xác minh đuợc độ chính xác.

Nhưng mới đây, chính đài truyền hình VTV của Cộng sản Việt Nam cũng đã loan báo tin này trong một bản tin có kèm hình ảnh dài chừng 3 phút. Xướng ngôn viên đài VTV đã thừa nhận tình trạng bắt cóc trẻ em ở các tỉnh phía Bắc để đưa qua Trung Hoa. Từ đó các em bị giết và mổ lấy lục phủ ngũ tạng dành bán cho những bệnh nhân cần thay thế. Nhiều nhu cầu nhất là tim, gan, thận.

Việc Trung Cộng buôn bán các phần cơ thể bên trong của người ta đã diễn ra hàng chục năm nay. Trước đó họ dùng cơ phận các tù nhân bị tử hình. Rồi vì nhu cầu càng ngày càng tăng, và việc buôn bán nội tạng đem lại nguồn lợi vô cùng lớn, họ giết luôn cả các tù nhân. Nhóm người theo giáo phái Pháp Luân Công từng tố cáo Trung Cộng bắt bớ những người tập luyện môn này để giết lấy nội tạng.

Hiện nay, thì thêm các nạn nhân bị bắt cóc hay lừa gạt từ Việt Nam trong đó đa số là các phụ nữ và trẻ em. Nhiều thanh niên ở các tỉnh phía Bắc, và cũng có người từ miền Nam đã vì nghèo túng, chịu bán phần thân thể của mình cho bọn bất lương. Họ được tập trung ở một căn nhà ở Hà Nội, cho ăn uống tẩm bổ và chờ ngày mổ lấy nội tạng. Một khi đã lọt vào căn nhà này, thì không còn hy vọng gì thoát ra nếu quá sợ hay đổi ý.

Bây giờ thì đến lượt các em bé Việt Nam.

Việc bắt cóc trẻ em không phải hiếm hoi ở các nước, ngay cả ở Hoa Kỳ. Nhưng tại Hoa Kỳ, các em bị bắt cóc hoặc do những người hiếm con muốn kiếm con nuôi nên phát sinh ra bọn bắt cóc để bán chứ chưa hề nghe chuyện trẻ con bị bắt cóc để giết mổ lấy nội tạng như ở Việt Nam, Trung Hoa…

Dân tộc Việt Nam đã chịu quá nhiều tang tóc trong chiến tranh. Hoà bình đã lập lại từ 43 năm nay, nhưng người Việt Nam phải còn gánh chịu thêm nhiều tai ương nghèo đói đến độ các thiếu nữ phải bán mình làm nô lệ tình dục khắp năm châu, rồi thêm nạn trẻ con, mầm non, tương lai của đất nước cũng không tha.

Đó là chưa nói đến tình trạng người dân đang chết dần mòn vì đủ loại thực phẩm nhiễm độc do từ Trung Cộng và cũng do chính dân mình vì ham lợi mà đầu độc lại chính dân ta. Theo báo cáo nhà nước, hiện có 70 ngàn người đã chết trong số 200 ngàn trường hợp ung thư các loại. Đến nỗi quốc hội bù nhìn của Hà Nội cũng phải lên tiếng báo động trong một phiên họp ngày 5 tháng 6, 2017 vừa qua với chuyên đề về an toàn thực phẩm. Phùng Quốc Hiển, trưởng đoàn giám sát tối cao về an toàn thực phẩm, cho hay có từ 60 đến 70% bệnh tật hiện nay là do thực phẩm bẩn và nhiễm độc. Trong khi đó việc xử phạt chỉ đạt con số khiêm tốn 20% so với các vụ đã phát giác.

Cũng trong phiên họp Quốc Hội VC này, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói rằng “Trong số khoảng 100,000 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu hàng năm vào VN, có đến 90% là từ Trung Quốc. Trong khi số lượng nhập qua đường tiểu ngạch, nhập lậu thì không thể kiểm soát.”

Chưa bao giờ con đường từ dạ dày ra nghĩa địa của dân Việt Nam ta lại gần đến thế!