Thời Sự Hàng Tuần, ngày 22 tháng 9, 2018

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Tiến tới sự hàn gắn Nam Bắc Cao Ly

Sáng thú Tư ngày 19 tháng 9, 2018, tại thủ đô Pyongyang của Bắc Cao Ly, Tổng Thống Nam Cao Ly Moon Jae-in và Chủ Tịch Bắc Cao Ly Kim Jong-un đã ký một bàn tuyên bố chung cam kết sẽ nỗ lực làm việc với thiện chí để tiến đến một nước Cao Ly hoà bình và thịnh vương.

Tổng Thống Moon Jae-in gặp Kim lần này là lần thứ ba. Hai lần trước tại vùng giới tuyến Panmunjong. Từ phi trường Pyongyang về dinh thự nơi hai người gặp gỡ, một rừng người đứng dọc hai bên đường; phụ nữ Bắc Cao Ly với áo dài truyền thống sặc sỡ, nam giới với các bộ suite tây phương, thắt cà vạt. Họ vẫy cờ và hoa chào mừng quốc khách trong khi hai lãnh tụ Nam Bắc đứng trên chiếc xe limousine mui trần hớn hở chào lại. Xem hai ông có vẻ tương đắc vì họ đã ôm hôn nhau thắm thiết khi gặp tại chân cầu thang máy bay.

Nghị trình giữa hai lãnh tụ là hoá giải vũ khí nguyên tử và tìm một sự dồng thuận cho việc phát triển quan hệ hợp tác trong tương lai. Vấn đề nguyên tử tuy đã được Kim Jong-un thoả thuận sau cuộc họp thượng đỉnh với Tổng Thống Trump tại Singapore, nhưng dường như bị khựng lại vì có những cáo buộc từ phía Bắc Cao Ly rằng Hoa Kỳ không đáp ứng các điều khoản còn lại.

Trong bản thông cáo chung, hai bên cam kết sẽ mở một lộ trình để tạo cho bán đảo Cao Ly nền hoà bình, hợp tác, không bị đe dọa bởi vũ khí nguyên tử. Phía Bắc Cao Ly, Kim cam kết sẽ đóng cửa vĩnh viễn cơ sở thí nghiệm nguyên tử Yongbyon và nơi thử nghiệm Tongchang-ri nhưng cũng mong đợi Hoa Kỳ có những hành vi thiện chí đáp lại. Chi tiết về vấn đề này không được nêu ra.

Theo phóng viên đài BBC, bản Thông Cáo Chung là một bước tiến quan trọng và là một thành công của Tổng Thống Moon Jae-in. Hình ảnh từ vệ tinh xác minh một tiến trình phá hủy cơ sở  thử nghiệm Tongchang-ri. Theo bản thông cáo mới, các thanh tra quốc tế sẽ được phép đến đó để quan sát. Tuy việc giải giới Bắc Cao Ly không thể xảy ra trong một thời gian ngắn, nhưng ít ra, đã tạo ra căn bản thuận lợi cho những cuộc thương thuyết trong tương lai giữa Hoa Kỳ và Bắc Cao Ly.

Trước đây, Bắc Cao Ly đã phá hủy cơ sở phóng hoả tiễn ở Punggye-ri ngay sau hội nghị Singapore.

Kim Jong-un hứa sẽ thăm chính thức Seoul, thủ đô Nam Cao Ly, trong thời gian sắp tới, rất gần có thể trước cuối năm 2018 này. Nếu việc này xảy ra, thì đây là lần đầu tiên một lãnh tụ Bắc Cao Ly Cộng Sản đến thăm miền Nam tự do. Trước đó, đã có hai Tổng Thống Nam Cao Ly đến thăm Pyongyang, thời mà chủ tịch Kim Jong-il còn tại vị.

Hai lãnh tụ còn muốn hợp tác tổ chức Thế Vận Mùa Hè năm 2032. Hai bên cùng nỗ lực tái tạo đường hoả xa Nam Bắc, cho phép các gia đình bị chia cách được sum họp và cùng hợp tác về y tế.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Nam Cao Ly và người đứng đầu quân đội Bắc Cao Ly cũng ký một thỏa ước để giảm sự căng thẳng quân sự, trong đó có việc thiết lập một khu đệm dọc hai bên ranh giới để tránh những xung đột có thể xảy ra.

Trung Cộng tỏ ý hoan nghênh kết quả chuyến viếng thăm của Tổng Thống Moon Jae-in. Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng gửi ra lời chúc mừng trong đó, ông viết: “Kim Jong-un đã đồng ý cho phép kiểm soát nguyên tử và hủy bỏ hoàn toàn những khu thử nghiệm trước sự chứng kiến của những chuyên viên quốc tế…” Tổng Thống Moon  sẽ đến Washington để gặp Tổng Thống Trump sau chuyến đi Bắc Cao Ly. Có thể coi ông Moon như một nhà điều giải trung gian cho những thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Bắc Cao Ly. Đầu tháng này, Kim Jong-un đã ngỏ lời muốn gặp Tổng Thống Trump lần nữa và Bạch Cung đang chuẩn bị cho chuyến đi này của Tổng Thống Trump.

Chiến sự Syria

Một phi cơ quân sự của Nga bị bắn hạ bởi phòng không của chính phủ Syria. Đó là một phi cơ 4 động co chong chóng có chở khoảng hơn 15 binh sĩ Nga. Dù bị đồng minh bắn hạ, Nga vẫn đổ thừa cho Israel đã tạo ra hoàn cảnh sôi động. Trong khi đó vào ngày thứ Hai, Tổng Thống Nga Putin và Tổng Thống Turkey Ergogan đã gặp nhau và đồng thoả thuận lập một khu phi quân sự tại vùng tỉnh Idlib là nơi đang có gần 3 triệu dân cư – một phần ba là trẻ em – và đang do quân kháng chiến chống Tổng Thống Assad tử thủ. Khu phi quân sự là một vùng rộng từ 9 đến 15 dặm như là một biện pháp để giúp dân chúng tránh tai hoạ khi xảy ra cuộc tấn công của quân chính phủ do Nga và Iran yểm trợ.

Nga thì đứng về phía chính phủ của Tổng Thống Assad, còn Turkey thì yểm trợ nhóm kháng chiến chống chính phủ. Trong vùng Idlib, ngoài kháng chiến quân kể cả nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo cực đoan, có cả quân lính Turkey tại nhiều vị trí và vừa được tăng cường thêm. Quân Nga và quân Turkey sẽ kiểm soát khu phi quân sự đó. Theo thỏa thuận, tất cả những vũ khí hạng năng như xe tăng, súng cối, súng phóng hoả tiễn của phe kháng chiến phải rút hết khỏi vùng trước ngày 10 tháng 10.

Tổng Thống Turkey trước đây đã kêu gọi một cuộc ngưng bắn ờ vùng bắc của Syria để tránh điều mà ông mô tả là một cuộc tắm máu và cũng là nguyên nhân của nạn khủng hoảng dân tị nạn tại vùng phía nam Turkey giáp ranh với Syria.

Walmart thiên Cộng hay kém hiểu biết lịch sử?

Walmart là một đại công ty của Mỹ do gia đình Walton làm chủ, có trụ sở chính ở Bentonville, Kansas. Walmart có mặt tại nhiều nước trên thế giới; chuyên bán đủ các loại hàng từ tạp hoá đến thực phẩm, máy móc điện tử… Người thành lập công ty năm 1962 là ông Sam Walton; sau đó, năm 1969 công ty trở thành một tổ hợp (incorporation). Ngoài các cửa hàng mang tên Walmart, nó còn có hệ thống các cửa hàng Sam’ Club. Năm 2018, Walmart có tổng cộng 11718 cửa hàng lớn tại 28 nước dưới nhiều tên khác nhau. Xét về lợi nhuận, Walmart là công ty lớn nhất thế giới với tiền thu vào 500 tỷ đô la và cũng là công ty có nhiều nhân công nhất với 2.3 triệu người.

Vì là con buôn, Walmart không lý gì đến vấn đề chính trị. Họ buôn bán bất cứ thứ gì đem lại lợi nhuận. Có thể nói 80% hàng trong các tiệm Walmart là hàng sản xuất, nhập cảng từ Trung Cộng. Do đó, có thể xem Walmart như là cửa hàng bán các sản phẩm vừa rẻ tiền vừa kém phẩm chất.

Mới đây, dân chúng nước Lithuania phát giác trong các cửa hàng Walmart tại nước này bán luôn cả những áo quần có in cờ búa liềm của đảng Cộng Sản. Rolandas Krisciunas, Đại sứ Lithuania tại Mỹ đã phàn nàn rằng Walmart gây ra cho người dân của họ cảm xúc bị nhục mạ. Dân Lithuania là nạn nhân của chế độ Cộng Sản trong suốt thời gian dài bị xâm lăng rồi sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết để trở thành một nước Cộng Hoà chư hầu của Liên Sô. Từ những năm 1940 đến 1952, nhà độc tài Joseph Stalin đã ra lệnh đày hơn 275 ngàn người Lithuania đến vùng băng tuyết Siberia. Trong các phong trào chống Cộng Sản, có 21 ngàn dân Lithuania bị giết.

Những sản phẩm mang màu cờ Cộng Sản được Walmart quảng cáo trên website là “cool”, bán với giá từ 18 đến 30 đô la.

Nhưng Walmart cũng chịu nghe lời. Họ đã hứa sẽ ngưng bán những sản phẩm đó. 

Chiến tranh thương mại Mỹ Hoa tới hồi gay cấn

Năm nay, Hoa Kỳ đã đánh thuế quan lên 53 tỷ hàng hoá của Trung Cộng. Tuần này, Tổng thống Trump tuyên bố tăng thuế hàng hóa Trung Cộng trị giá 200 tỷ đô la. Ông nêu lý do nguyên văn: “Chúng ta đã nói rõ ràng về những sự thay đổi cần có, và cũng cho Trung Cộng nhiều dịp để cư xử với chúng ta công bằng. Nhưng cho đến nay, họ không có thiện chí thay đổi gì cả.” Số hàng sắp bị đánh thuế gồm 6000 món hàng từ xách tay phụ nữ, gạo, vải vóc. Có các thứ được miễn trừ như ghế cao, hay loại đồng hồ thông minh (smart watches). Mức thuế sẽ tăng từ 10% đến 25% và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019 trong trường hợp Trung Cộng không tỏ thiện chí.

Phiá Trung Cộng cũng đã phản công bằng cách tăng các khoản thuế nhập nội đối với các sản phẩm trị giá 60 tỷ đô la của Mỹ.

Truyền hình nhà nước Trung Cộng hôm thứ ba thông báo rằng chính phủ của họ đã quyết định bắt đầu vào ngày thứ Hai sẽ áp dụng mức thuế từ 5% đến 10% cho 60 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ. Mức thuế sẽ áp dụng cho 5,207 mặt hàng nông sản, máy móc và hoá chất. Đồng thời Trung Cộng cũng dọa sẽ tiếp tục trả đũa nếu Hoa Kỳ còn tăng thuế quan. Tổng Thống Trump cũng chẳng chịu vừa, ông dọa ngược lại sẽ tăng thuế trên 267 tỷ hàng hoá từ Trung Cộng! Như thế, tổng cộng số hàng Trung Cộng bị đánh thuế quan sẽ là 506 tỷ, trong khi Trung Cộng chỉ đánh trên 110 tỷ hàng của Mỹ (50 tỷ đã đánh cộng 60 dọa đánh). Như thế, sau hai lần đánh thuế, Trung Cộng không còn gì để dọa nữa, ví mức nhập cảng của Trung Cộng từ Hoa Kỳ năm ngoái chỉ ở mức 130 tỷ đô la.

Trong cuộc chiến thương mại, dĩ nhiên có những nhà sản xuất ở Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Chưa chi đã có người lên tiếng chỉ trích Tổng Thống Trump. Họ quên rằng muốn đánh người ta gục, thì mình cũng phải bị trầy trụa đôi chút chứ làm sao lành lặn hoàn toàn. Họ nên nghĩ đến cái lớn hơn là nền kinh tế của đất nước mà hy sinh phần thiệt thòi của mình trong nhất thời. Về lâu về dài, họ sẽ được đền bù.

Hậu quả các cơn bão

Trận bão Florence đổ vào hai tiểu bang Carolinas và một phần Virginia làm nước sông dâng cao, mưa liên tục đổ xuống với mức 40 inches. Nhiều vùng bị ngập lụt nặng và đã làm chết 36 người. Nặng nhất là North Carolian với 24 người chết trong đó có hai trẻ dưới 1 tuổi do cây đổ đè xuống căn nhà của chúng; một ở Wilmington, một ở Gaston County. Một tai hoạ đi theo lụt lội, là việc những con cá sấu hay rắn độc theo dòng nước mà vào các khu dân cư.

Trong khi đó, hôm thứ Bảy, bão Mangkhut ở Thái Bình Dương với sức gió 150 dặm/giờ, tràn vào phía bắc đảo Luzon của Philippines gây chết cho hơn 66 người, có 40 người do đất lở tại một khu mỏ vàng. Đất lở cũng chôn vùi luôn một thị trấn nhỏ Itogon. Bão sau đó thổi vào tỉnh Quảng Đông, phía đông Nam Hoa Lục gồm các thành phố Hongkong, Shenzhen… hôm thứ Hai, làm chết 4 người và tàn phá nhiều nhà cửa.

Tổng Thống Trump hôm thứ Tư đã bay đi đến các vùng bị bão lụt để xem xét tình hình và thăm hỏi dân chúng.

Chuyện dài sách nhiễu tình dục trong nhà thờ

Một cuộc thương lượng đã diễn ra trong đó Giáo xứ Brooklyn bằng lòng chi ra 27.5 triệu đô la để trả cho 4 nạn nhân của sự sách nhiễu tình dục do Angelo Serrano gây ra từ các năm trước đây.  Serrano là một thầy giáo về giáo lý dạy các trẻ em trong nhà thờ St. Lucy’s-St. Patrick’s Church, Clinton Hill, ở khu Brooklyn. Lớp học được tổ chức vào vào các ngày thứ Ba sau giờ học tại trường. Đó là vào những năm từ 2003 đến 2009. Những trẻ em này tuổi từ 8 đến 12, nay đã là những thanh niên, khai rằng họ đã bị Serrano liên tục sách nhiễu tình dục ngay bên trong nhà thờ và tại căn phòng của Serrano ngay sau lưng nhà thờ.

Sau khi một trong những nạn nhân kể chuyện tồi bại của Serrano cho cha mẹ; họ trình báo ngay với cảnh sát. Serrano bị bắt giữ năm 2009 và trong phiên toà 2 năm sau đó, đã thú nhận tội lỗi. Y bị kết án 15 năm tù tại trại cải huấn Fishkill Correctional Facility.

Năm 2013, gia đình các nạn nhân lại kiện ra toà dân sự để đòi bồi thường những thiệt hại về thể chất và tâm lý của nạn nhân. Trong đơn kiện có ghi thêm hai Linh Mục Stephen Lynch và Frank Shannon trong danh sách đồng loã. Lúc đầu, phía nhà thờ biện luận rằng Serrano không phải là thành viên trong giáo xứ mà chỉ là một tình nguyện viên; và việc xẩy ra tại phòng riêng của y thì Giáo Hội không có trách nhiệm pháp lý. Nhưng luật sư bên nguyên đơn chứng minh rằng Serrano nhận lương của nhà thờ và có một bàn giấy trong khuôn viên nhà thờ; đồng thời còn chứng minh được hai linh mục có tên trong đơn kiện từng biết chuyện Serrano đem những đứa trẻ về phòng riêng và ngủ chung. Trong một bản khai, Linh Mục Lynch còn khai rằng ông có thấy Serrano hôn môi một trẻ em 9 tuổi và ôm ấp em bé một cách bất nghì. Nhiều người làm việc trong nhà thờ cũng khai thấy Serrano từng cho các em ngồi trên đùi mình tại phòng làm việc của y; dù rằng trong điều lệ nhà thờ các em không được có mặt một mình với nhân viên trong phòng.

Số tiền 27.5 triệu là khoản lớn nhất của Giáo Hội Thiên Chuá chi trả trực tiếp cho những nạn nhân. Giáo xứ Brooklyn (bao gồm cả khu Queens) còn phải điều đình với hàng trăm vụ sách nhiễu tình dục khác xảy ra trong quá khứ cho dù các nạn nhân không thưa kiện vì các trường hợp đó đã đi ra ngoài phạm vi thời hiệu pháp lý (statute of limitations). Từ tháng 6 năm 2017, có đến 474 nạn nhân ở Brooklyn đã nộp đơn qua Chương Trình Hàn Gắn và Bồi Thướng để đòi nhà thờ phải thương lượng bồi thường. 374 trường hợp đã được giải quyết trong 6 giáo xứ của Tiều Bang New York. Gíáo xứ Brooklyn phải vay mượn các món tiền lên đến hàng triệu để trả cho nạn nhân mà mỗi người nhận ít nhất nhận được 500 ngàn đô la.

Tháng trước, chúng tôi có loan tin 300 giáo sĩ thuộc Giáo Hạt Pennsylvania bị tố giác đã sách nhiễu tình dục đến hơn 1000 trẻ em trong mấy chục năm vừa qua. Vụ này dính líu tới Hồng Y Donald Wuerl và đã buộc Giáo Hoàng Francis phải lên tiếng xin lỗi và cách chức ông Wuerl. Trước đó cũng có trường hợp Hồng Y Theodore McCarrick sách nhiễu nhiều em trai phục vụ trong nhà thờ!

Với 10 ngàn trường hợp đã phát hiện, Hoa kỳ là quốc gia có nạn sách nhiễu tình dục trong nhà thờ cao nhất thế giới. Australia về hạng hai với 4000 vụ, Canada, Đức, Belgium, Ireland mỗi nước có hơn 300 vụ.

Hồ sơ điều tra của ông Mueller

Ông Paul Manafort, như đã thông báo trong chương trình ngày 25 tháng 8, đã bị bồi thẩm đoàn kết luận vi phạm 8 trong tổng số 18 tội cáo buộc. Các tôội bị kết án là 5 tội về gian lận thuế vụ, hai tội về gian lận ngân hàng, và một tội không báo cáo các trương mục trong các ngân hàng ngoại quốc. Nhưng bản án chỉ có 15 ngày tù giam trong khi người ta tiên đoán phải bị tù đến 305 năm. Bây giờ nghe có tin ông Manafort đã chấp nhận một thương lượng với Ủy Ban Điều Tra của ông Robert Mueller. Có lẽ để đổi lấy bản án nhẹ, ông chịu nhận sẽ khai báo một vài chuyện mà hiện nay chưa ai đoán ra chuyện gì, có liên quan và gây nguy hại cho Tổng Thống Trump hay không. Ông Paul Manafort chỉ làm Trưởng Ban Bầu Cử cho ông Trump trong 4 tháng.

Ngày thứ Hai, Tổng Thống Trump đã ra lệnh bạch hoá tất cả những hồ sơ của cơ quan FBI dính líu đến vụ điều tra về việc Nga can dự vào bầu cử Hoa Kỳ, trong đó có các hồ sơ toà án FISA về Trump docket, các messages trao đổi giữa cặp tình nhân Peter Strzok và Lisa Page.

Thượng Nghị Sĩ Feinstein lại thọc gậy bánh xe.

Hai tuần trước, chúng tôi đã loan tin ông Thẩm Phán Brett Kanavaugh, là người được Tổng Thống Trump đề cử vào Tối Cao Pháp Viện, đã ra trước Ủy Ban Pháp Lý Thượng Viện để trả lời trước các Thượng Nghị Sĩ về lý lịch, công việc, quan điểm của ông trước khi Thượng Viện phê chuẩn chấp thuận. Trong một tuần lễ đầu của tháng 9, các vị Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ đã yêu sách về hồ sơ của ông dù có đến gần nửa triệu hồ sơ đã được công bố. Họ đòi phải hoãn việc điều trần, nhưng ông Chủ Tịch Ủy Ban là Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley cứng rắn điều hành tiếp việc cứu xét. Ủy Ban đã hạch hỏi ông Kavanaugh hơn 1300 câu hỏi hóc buá trong suốt 36 giờ để sau đó đúc kết chở họp bỏ phiếu.

Đến cuối tuần qua, khi cuộc họp chót sắp tiến hành thì bà Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Dianne Feinstein đưa ra lới cáo buộc của một bà cho rằng 36 năm trước đây, khi còn là một học sinh trung học ở tuổi thiếu niên, ông Kavanaugh đã có hành vi tấn công tình dục bà ta. Bà cho hay bà nhận được sự tố cáo này từ hồi tháng 7.

Sau khi dư luận gay gắt phê bình bà Feinstein mãi đến giờ chót mới tung ra con bài có vẻ mơ hồ nhưng rất độc nhằm hạ sát ván ông Kavanaugh; người tố cáo mới chịu ra mặt. Đó là bà Christine Blasey Ford, 51 tuổi, một giáo sư đang dạy môn Tâm Lý Học tại đại học Palo Alto University.

Bà này viết một lá thư cho Thượng Nghị Sĩ Feinstein và sau này kể cho báo The Washington Post rằng vào năm 1982, lúc đó bà ta mới 15 tuổi, tham dự một tiệc vui với các bạn trai của một trường dành cho con trai ở Montgomery County, Maryland. Brett Kavanaugh lúc đó 17 tuổi, đã tấn công bà ta với sự chứng kiến của một học sinh khác, toan tính cởi áo quần của bà. Bà muốn la lên nhưng bị Kavanaugh lấy tay bịt miệng. Nhờ có các bạn vào kịp lôi cả ba người ra ngoài và bà đã thoát để về nhà. Bà khai rằng việc bị sách nhiễu trên đã làm cho bà suy sụp trong nhiều năm và làm không còn những mối quan hệ lành mạnh với các bạn trai. Tuy vậy, vào lúc này thì chính bà Ford cũng mơ hồ. Bà không nhớ chính xác căn nhà có tiệc tùng là của ai, bà đã đến căn nhà bằng cách nào, việc tổ chức liên hoan do ai, thế nào? Theo bà, đó là một căn nhà ở quận Montgomery gần một country club, và chỉ có học sinh, không có người lớn tham dự. Bà còn nói rằng khi ông Kavanaugh bịt miệng bà, bà đã sợ ông ta giết chết bà! Ngoài ra bà còn nói rằng bà bị bốn nam sinh khác thuộc trường trung học dành cho giới ưu tú tấn công. Và những học sinh này hiện đang là những người quyền cao chức trọng trong xã hội!

Ông Brett Kvanaugh chối tất cả những lời cáo buộc, cho đó là bịa đặt. .

Trước đây, trong lịch sử phê chuẩn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã có trường hợp bà Anita Hill tố cáo Thẩm Phán Clarence Thomas cũng tội sách nhiễu tình dục. Việc này xảy ra năm 1991. Nhưng rồi ông Thomas vẫn được phê thuận với số phiếu thuận 52, so với 48 chống.

Phản ứng của Thượng Viện

Thượng Nghị Sĩ Feinstein đã gửi hồ sơ đến FBI và các vị Dân Chủ đòi phải mở cuộc điều tra sâu rộng! Một số Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Dân Chủ hùa theo, cả quyết tin tưởng bà Ford và cho rằng ông Kavanaugh có tội. Điều này là một nghịch lý, vì đối với pháp luật, một người phải được coi là vô tội trước khi bị chứng minh có tội.

Các Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà hôm Chủ Nhật, đã phản bác lại việc này. Họ cho rằng một vụ xảy ra đã 36 năm bất chợt nổi lên ngay trước ngày họp biểu quyết về ông Kavanaugh được xem là một ý đồ và một chiến lược có tính phe đảng của các Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ nhằm cản trở công việc của Thượng Viện. Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley nói rằng nếu bà Feinstein và các thành viên Dân Chủ coi việc này là nghiêm trọng, thì họ nên đưa ra Ủy Ban sớm ngay khi họ biết chuyện này. Đó là vào tháng bảy vừa qua. Theo ông: “Họ đã im lặng không đặt vấn đề trong hai cuộc điện đàm với ứng viên Kavanaugh vào tháng 8, bốn ngày trước khi có những buổi điều trần lê thê kéo dài 4 ngày, trước cả cuộc họp kín giữa các thành viên trong Ủy Ban Pháp Lý với ông Kavanaugh để nói về những vấn đề mang tính chất rất tế nhị, và sau đó không đặt ra trong 1300 câu hỏi mà họ văn vẹo ông Kavanaugh.”

Trong đầu tuần, ông Kavanaugh đã trình bày hữu thệ trước các thành viên Công Hoà; nhưng các vị Dân Chủ từ chối không tham dự. Tuy nhiên, Thượng Viện đã quyết định hoãn lại việc bỏ phiếu phê chuẩn ông Kavanaugh và sẽ tổ chức một buổi hearing để mời hai người, bà Ford và ông Kavanaugh trình bày sự việc.

Đến chiều thứ Ba, bà Ford đòi FBI phải mở cuộc điều tra thì bà ta mới tính chuyện ra trước Thượng Viện để trả lời! Đây là một trò ma bùn muốn kéo dài thời gian. Vì cuộc điều tra mất ít nhất cũng năm bảy tháng. Các Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà nói rằng nếu bà ta không phúc đáp hạn chót là thứ Sáu, thì sẽ hủy bỏ buổi điều trần này. Theo Thượng Nghị Sĩ Grassley, Ủy Ban rồi cũng sẽ tiến hành việc họp phê chuẩn chứ không để bị trì hoãn mãi. Mãi đến chiều thứ Năm, luật sư của bà Ford mới nói rằng bà sẽ ra trước Thượng viện với điều kiện Thượng viện phải chấp nhận các điều kiện của bà ta trong đó có sự bảo đản an ninh cho bà và phải công bằng. Bà cũng đòi chỉ gặp các thành viên của Ủy Ban, và ông Kavanaugh phải nói trước. Lại một nghịch lý, vì theo lệ, người tố cáo phải lên tiếng trước và người bị cáo mới bào chữa! Toà Bạch Cung thì đứng hẳn về phía ông Kavanaugh. Họ dẫn chứng lời những người bạn học thiếu thời của ông xác định rằng: “Brett không bao giờ có những hành vi như thế.”

Sau khi có lời tố giác về hành vi sách nhiễu của ông Kavanaugh, có đến 65 quý bà nạp lên một lời khai chung xác nhận tư cách đúng đắn, tôn trọng nữ giới của ông Kavanaugh. Trong đó có các bà từng là bạn, là bồ thời trung học, đại học; là nhân viên của ông qua hơn 30 năm nay. Một đoạn trong thư viết rằng: “Chúng tôi là những phụ nữ từng quen biết ông Kavanaugh hơn 35 năm qua và biết ông trong thời gian ông học cấp trung học từ 1979 đến 1983. Trong suốt thời gian quen biết ông, ông luôn có tác phong, thái độ đứng đắn, nghiêm trang và tôn trọng phụ nữ. Chúng tôi tin rằng những lời chứng này sẽ phải chuyển đến Ủy Ban Pháp Lý của Quốc Hội.”

Bà Maura Fitzgeral từng là bạn thời trung học và người yêu thời đại học nói rằng bà rất bất ngờ khi nghe ông Kavanaugh bị tố cáo. Bà nói: “Chúng tôi bồ bịch thời đại học và ông ấy không phải là loại người như người ta tố cáo. Ông luôn cư xử đứng đắn, tôn trọng tôi suốt thời kỳ hẹn hò. Ông là một quý phái đúng nghĩa, hoàn hảo …” Còn bà Maura Kane (cũng trùng tên Maura) thì bổ bịch với ông thời trung học và là bạn suốt 35 năm qua. Bà nói rằng bà kính phục ông với tư cách một người chồng, người cha và là một thẩm phán chuyên nghiệp. Bà nhận rằng khi tham dự các tiệc vui thời trung học, ông Kanavaugh cũng có uống bia, nhưng luôn tự kềm chế được mình mà không làm điều lố lăng. Quả thật vậy, nếu ông Kavanaugh là người máu 35, có thói quen sàm sở với các cô, các bà; thì chắc ngoài bà Ford, sẽ phải có cả tá bà khác đã lên tiếng.

Nhận định: Làm sao xác định được ai đúng, ai sai?

Chuyện xảy ra đã 35 năm trước, lúc đó ông Kavanaugh còn là một học sinh trung học ở tuổi 17, 18. Xét về phương diện pháp lý, thì đã quá thời gian hiệu lực để xét xử. Và dù sự việc có còn trong thời hiệu luật định, thì khi ra toà ông nói này, bà nói nọ; chẳng có chút bằng chứng cụ thể, chẳng có nhân chứng, chẳng có biên bản của cơ quan công lực; Toà sẽ xử thế nào? Rốt cuộc cũng dismiss mà thôi. Bà Faeinstein và cả bà Ford đòi FBI phải điều tra. Đây là đòi hỏi thiếu hiểu biết căn bản pháp lý. Những vụ như thế phải do cơ quan cảnh sát là cơ quan có thẩm quyền để thụ lý. FBI không làm chuyện này. Và việc đã không báo cảnh sát trong thời hiệu, thì nay chẳng ai rỗi công đi điều tra làm gì.

Còn xét về phương diện đạo đức thì cũng quá nhẹ. Vì các học sinh thường tụ tập ăn uống, ca hát; đôi lúc uống chút bia và có thể làm những chuyện bốc đồng trong lúc say. Tuổi học trò đố ai không có lúc quá trớn! Theo lời cáo buộc của bà Ford, chỉ kéo vào vào ép hôn và tìm cách cởi áo quần thì ông Kavanaugh cũng chưa làm gì nghiêm trọng. Chuyện dừng lại ở đó 36 năm qua không nhắc đến dù ông Kavanaugh cũng nhiều lần được để cử các chức Thẩm Phán các cấp từ dưới lên cấp Liên Bang; cũng nhiều lần phải ra trước các Ủy Ban Pháp Lý của Quốc Hội để bị tra hỏi. Người ta đặt nhiều vấn đề qua hơn một tuần ông Kavanaugh ra trước Thượng Viện, với nửa triệu hồ sơ về ông, bị liên tiếp các vị Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ cật vấn đến hơn 1300 câu hỏi gây khó dễ để tìm cách trì hoãn và bác bỏ. FBI cũng đã có 6 lần nghiên cứu hồ sơ ông Kavanaugh. Nay sắp đến ngày bỏ phiếu quyết định thì bà Dianne Feinstein lại nêu ra một tố cáo mơ hồ không bằng chứng, không hồ sơ…

Thượng Viện đã phải ấn định ngày thứ Hai tuần tới (24 tháng 9) để ông Kavanaugh và bà Ford ra điều trần về vụ này. Hai người sẽ phải thề khai đúng sự thật (under oath). Cả hai đã là những vị cao niên; một bà là Giáo Sư Đại Học, một ông là Thẩm Phán Liên Bang. Nếu ai cũng nói đúng cho mình thì làm sao các Thượng Nghị Sĩ và quần chúng biết ai mới là đúng?

Một phát giác mới hôm đầu tuần cho thấy hai người – bà Ford và ông Kavanaugh – từng có mối quan hệ không vui. Trong một vụ kiện về nhà cửa hồi năm 1996 tại Maryland, bên bị đơn là ông Ralph Blasey và bà Paula Blasey đã bị xử thua và bị tịch thu căn nhà do thiếu nợ. Vị Thẩm phán xử vụ này là bà Martha G Kavanaugh. Hai ông bà thua kiện Blasey là song thân của bà Christine Ford; và vị thẩm phán là thân mẫu ông Brett Kavanaugh. Người ta đặt câu hỏi rằng: Phải chăng đây là mối hận mà chờ dịp này bà Christine Ford đưa ra để trả thù? Xin nhắc thêm, bà Christine Ford theo đảng Dân Chủ và có nhiều đóng góp ủng hộ nhóm cấp tiến và ông Bernie Sanders. 

Vấn đề di dân, tị nạn 

Trong những năm gần đây, con số di dân đến Hoa Kỳ ngày càng tăng mà hiện nay đã làm thay đổi bộ mặt của Hoa Kỳ. Một tỷ lệ rất cao của số dân không phải sinh đẻ tại Mỹ, cao nhất so với tỷ lệ dân số từ hơn 100 năm qua. Số này nhiều hơn những thành phần khác trong dân số chung của nước Mỹ!

Những tài liệu của Văn Phòng Kiểm Tra Dân Số (U.S. Census Bureau) và những bản tóm lược của Trung Tâm Nghiên Cứu về Di Dân (Center for Immigration Studies) cho thấy tính đến ngày 1 tháng 7 năm ngoái có đến 44.5 triệu người sống ở Mỹ nhưng sinh ra từ các nước khác, chiếm 13.7% tổng dân số Hoa Kỳ và có chiều hướng sẽ tăng lên cao hơn tỷ lệ 14.77% của năm 1890, là năm đất Mỹ đón nhận di dân nhiều nhất. Theo số liệu hiện nay, di dân và con cái sinh trên đất Mỹ là 61.6 triệu, chiếm 1/5 dân số.

Theo ông Steven Camarota, là Giám Đốc bộ phận nghiên cứu và là người viết các bản báo cáo cho một tổ chức Think Tank có trụ sở tại Washington, D.C., việc gia tăng gấp bội dân định cư từ các nước khác là chiều hướng xẩy ra từ cả thập kỷ nay. Số dân di cư này gia tăng gấp 2.5 lần dân số sinh ra trong nước.

Chính sách của Hoa Kỳ cho phép mỗi năm khoảng 1 triệu di dân chính thức, hợp pháp; nhưng ngoài ra, còn thành phần di dân bất hợp pháp mà tỷ lệ gia tăng hàng năm là 27%.

Sự gia tăng này sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng trên các vấn đề như môi sinh, phân phối dân cư tại các địa bàn, tiền đóng thuế dùng cho việc mở mang trường học, phúc lợi xã hội…

Người ta còn nêu ra vấn đề hội nhập khi số người mới đến quá cao ảnh hưởng đến văn hoá, truyền thống chung của nước Mỹ. Ông Dave Ray, một phát ngôn viên của Hiệp Hội về Cải Cách Di Dân (Federation for American Immigration Reform (FAIR)), cho rằng hiện nay, Hoa Kỳ như là một cơ cấu không người lái để cho di dân tràn ngập. “The United States is on mass immigration autopilot.” Trong thập niên qua, có đến 6 triệu di dân đã vào đất Mỹ. Quốc Hội cần phải có biện pháp thay đổi chính sách để cho tỷ lệ di dân giảm bớt đi.

Ray cũng cho rằng người ta chỉ quan tâm về di dân tại các tiểu bang biên giới; mà cần phải chú trọng đến tất cả các tiểu bang khác.

Sau đây là vài con số để cho thấy mức nghiêm trọng của vấn đề:

Từ năm 2010 đến 2017, có 9.5 triệu di dân định cư tại Hoa Kỳ. Sau khi trừ số người chết hàng năm khoảng 300 ngàn và số người hồi hương cũng khoảng 300 ngàn; thì số di dân trên đất Mỹ trong 7 năm qua là 4.6 triệu.

Mexico là nước có nhiều di dân đến Mỹ nhất với 1.3 triệu người, chiếm 13% tổng số di dân từ 2010 đến 2017. Di dân từ các nước Mỹ Latin ngày càng gia tăng, từ 426,536 giữa năm 2016 đến giữa năm 2017, lên 1.6 triệu từ 2010.

Di dân từ các nước Nam Á và Đông Á trong cùng thời kỳ trên là 1.1 triệu, từ vùng Caribbean là  676,023), từ các nước Bắc Phi là 606,835, Nam Phi: 483,356, và Middle East là 472,554.

California từ xưa vốn là nơi quy tụ di dân. Từ năm 2010 thì con số di dân là 502,985 nhường địa vị này cho Florida với 721,298 và Texas 712,109. Các tiểu bang khác cũng gia tăng nhảy vọt như North Dakota tăng 87%, Delaware (37%), West Virginia (33%), South Dakota (32%) và Wyoming (30%) là các tiểu bang hàng đầu về di dân.

Trong số gần 3.8 triệu người gốc Trung Hoa tại Mỹ, có đến 2.2 triệu là sinh đẻ ở Trung Hoa!

Hai năm nay, Tổng Thống Trump đã tìm cách hạn chế con số di dân, Từ 89,995 ngàn năm 2016 dưới thời cựu Tổng Thống Obama xuống 50 ngàn năm 2017, 45 ngàn năm 2018 và mới đây nhất, Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo loan báo mức cao nhất của cấp khoản di dân là 30 ngàn trong năm 2019. Lý do giảm nhiều theo ông, là còn một số 280 ngàn người đã nộp đơn xin tị nạn cho tài khoá 2019 phải lo giải quyết trong số 800 ngàn người xin di trú.

Con số 30 ngàn không phải là mức thấp nhất. Năm 2002, sau biến cố 9/11, chỉ có 27 ngàn di dân được phép vào Hoa Kỳ. Năm 2007 cũng chỉ cho phép 48,282 người nhập cư.

Tình hình chung trên thế giới

Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có hơn 25 triệu người tị nạn trên thế giới muốn đi định cư ngoài con số 40 triệu người phân tán ngay trên quê hương của họ. Có khoảng 85% số người tị nạn đang cư trú tại các quốc gia đang phát triển.

Chương trình Định Cư dân Tị Nạn của Hoa Kỳ (The US Refugee Admissions Program (USRAP)) ra đời năm 1980 sau khi Quốc Hội thông qua Đạo Luật về Tị Nạn (Refugee Act). Luật pháp Hoa Kỳ và quốc tế thừa nhận quyền xin tị nạn của những người bị đe dọa ngược đãi tại quê hương họ do các lý do khác biệt chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị, hoặc những người này thuộc những nhóm xã hội đặc biệt nào đó.

Khi các chính trị gia thế giới phản đối chính sách di dân hạn chế của Hoa Kỳ, ông Pompeo cho rằng việc Hoa Kỳ ấn định mức (ceiling) về số di dân không thể bị coi là thước đo độc nhất về sự cam kết của Hoa Kỳ đối với những người bất hạnh. Theo ông, Hoa Kỳ luôn là một quốc gia đóng góp nhiều nhất trong những hoạt động hay hình thức khác để bảo vệ và hỗ trợ những người tị nạn. Ông giải thích việc cắt giảm di dân là vì quyền lợi an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Tại biên giới Mỹ- Mexico, trong tháng 8 qua có 15955 gia đình đột nhập vào Mỹ bất hợp pháp  so với 12274 trong tháng 7. Năm 2017, chỉ có 2% trong số những người nhập cư bất hợp pháp này bị tống xuất trở lại Mexico! Hiện nay, có 12800 trẻ em bất hợp pháp không có thân nhân đi kèm đang được các cơ quan Hoa Kỳ quản lý. Con số này tăng vọt từ 4000