Những Người Anh Em Của Tôi

Đỗ Văn Phúcpsd55

Từ dưới hầm Đại Đội Trưởng buớc lên, Chuẩn Úy Tĩnh vừa đi vừa văng tục lẩm bẩm:
– Đ.M. phách lối còn hơn cả mấy ông tướng, ông tá!
Thiếu Úy Phúc đang ngồi trong lều bạt nhìn ra, nghe được, đón lại hỏi:
– Ai làm gì phách lối vậy hả ông Chuẩn Úy?
– Cha Đại Đội Trưởng chứ ai! Cứ làm như ông Tư Lệnh!
Cả đám quân nhân đang nhậu nhẹt trong lều đề bật lên cười hô hố.
– Ông Đại Đội Trưởng ngồi đây chứ đâu trong hầm!
– Vậy chứ ông nào trong đó? Ông ta nằm trên giuờng, có cái nón sắt treo đầu giường có may bông mai đen mà!
– À! Thằng Vinh Lao Công. Nó làm tà lọt cho Đại Đội Trưởng. Gặp ma nào mới nó cũng hù. Trung Sĩ Hùng đâu, lôi cổ thằng Vinh lên tẩn cho nó một trận coi.
– Vậy chứ ông Thiếu Úy Đại Đội Trưởng đâu?
– Đây nè, ổng đang hỏi Chuẩn Úy đó.
Chuẩn Uý Tĩnh cuống lên, ấp a ấp úng:
– Chết, xin lỗi Thiếu Úy. Tại Thiếu Úy đeo lon đen, tôi không thấy.
Anh đứng nghiêm lại, đập hai gót giày vào nhau và xoè bàn tay đưa lên vành nón:
– Chuẩn Uý Nguyễn Văn Tĩnh, số quân ….., Trình diện Thiếu Úy.
Phúc sửa lại tư thế, đẩy chiếc ghế ra:
– Ngồi xuống đi ông Tĩnh. Mới ra trường hả? Sao lại chọn đơn vị này?
– Dạ! Khoá x/69. Trên chỉ đâu thì về đó.
– Vợ con gì chưa? Có biết nhậu không?
– Dạ thưa có. Nhậu thì sơ sơ thôi.
– Thằng Quý lấy chai rượu coi. Thêm vài cái ly nữa, gọi ông Thủy ra đây nhậu chút. Ông Ca cho ít mồi đi.
Tiểu đoàn đang dưỡng quân ở hậu cứ sau những tháng hành quân vùng Hố Bò. Gọi là dưỡng quân, nhưng Trung đoàn cho bố trí canh gác các pháo đài trên một phần ba chu vi vòng đai căn cứ Lai Khê là nơi Bộ Tư Lịnh Sư Đoàn và Bộ Chỉ Huy Trung Đòan 8 đặt bản doanh. Đại đội 15 gần như luôn luôn được chia phần là các pháo đài ở phía Đông Bắc, kể cả cái cổng Bắc trên đường Quốc Lộ 13 đi Bầu Bàng, Chơn Thành qua An Lộc đến Lộc Ninh. Từ các pháo đài đi vào làng Lai Khê chừng 2 cây số, nên binh sĩ hay trốn đi chơi. Phúc phải đóng Ban Chỉ Huy ngay pháo đài 21 ở cổng Bắc để kiểm soát binh sĩ.
Thời gian này quân số các đại đội ít khi đầy đủ . Lúc cao nhất cũng chỉ trên dưới 120 quân nhân, nhưng số bất khiển dụng mất đi khoảng 15 anh. Đa số là các thương binh loại 1 được cấp trên trả về đơn vị, khuyến cáo đơn vị trưởng tạm cho làm các việc nhẹ ở hậu cứ, dù rằng mức độ thương tích đáng được phân loại 2 . Ngoài ra còn có chừng 5, 7 anh trễ phép hay trốn nhưng đơn vị chưa dám báo cáo đào ngũ vì còn một ân hạn để chờ họ trở về. Sư Đoàn 5 là đơn vị có tỷ lệ đào ngũ khá cao, do địa bàn ở gần thủ đô Sài Gòn. Do đó, cấp trên rất nghiêm nhặt, thường ấn định một tỉ lệ đào ngũ trong tháng cho các Tiểu Đoàn, Đại Đội. Nếu trong tháng mà số lính đào ngũ cao, chắc chắn các đơn vị trưởng bị khiển trách nặng nề, có thể bị ký củ .
Sau một hồi trò chuyện, Phúc coi giò coi cẳng anh tân Chuẩn Úy này thật kỹ rồi đủng đỉnh nói:
– Bây giờ anh ra Trung 1 đi với Trung sĩ nhất Tiết một thời gian rồi tôi sẽ liệu. Tôi cho anh một ngày mai để làm giùm 3 điều này: ra làng Lai Khê, hớt tóc cao ba phân như các người lính khác trong Đại Đội, mua lon vải ngụy trang may vào cổ áo thay cái lon kẽm, và gặp Trung Sĩ Thành – Tiếp Liệu- nhân khẩu M-16. Anh muốn đeo thêm súng colt thì tùy anh. Nhưng ở đây từ Đại đội Phó trở xuống ai cũng mang súng dài cả. Nếu anh cần về thăm nhà thêm vài hôm, tôi sẽ cho đi. Nhưng tuyệt đối không nhảy dù. Anh phải làm gương cho lính. Sĩ quan ở đây hiếm, anh em thương nhau. Rồi anh sẽ thấy.
Phúc dẫn Chuẩn Úy Tĩnh ra hướng pháo đài 28, nơi Trung Đội 1 đang phòng thủ. Trung Sĩ Nhất Tiết đã tập họp binh sĩ Trung 1 chờ sẵn. Chuẩn Úy Tĩnh quay qua hỏi Phúc
– Thưa Thiếu Úy, sao chỉ có 20 người. Còn hai Tiểu Đội nữa phải không?
– Trung Đội Bộ Binh đi bộ từ Thủ Đức ra tới Lai Khê rơi rớt dọc đường, còn lại chừng này đó ông ạ!
Phúc giới thiệu Chuẩn Úy Tĩnh với Trung đội và nói riêng với TS1 Tiết:
– Tôi giao ông Chuẩn Úy cho anh kèm cặp. Anh vẫn là tạm quyền Trung Đội Trưởng cho đến khi nào có lệnh mới của tôi.
– Có kẹt cho ổng không?
– Kẹt gì đâu. Mới ra trường thì ai cũng phải đi theo đơn vị một thời gian học kinh nghiệm chứ! Bản thân tôi cũng vậy thôi.

Đại đội đang có 4 sĩ quan. Ngoài Phúc và Thiếu Úy Nguyễn Trọng Thủy (Đại Đội Phó), còn Chuẩn Úy Chiêu, Trung 2; Chuẩn Úy Nhơn, Trung 3. Trung Đội 1 do Trung sĩ 1 Tiết coi; Trung Đội 4 do Trung Sĩ 1 Khai làm Trung Đội Trưởng. Trung Sĩ 1 Hùng là Thường Vụ; Trung Sĩ 1 Tư Chỉ Huy Hậu Cứ, Trung Sĩ 1 Thành Tiếp Liệu; Trung Sĩ Minh coi Quân Số. Hơn một năm trước, 39 anh em tốt nghiệp khoá 1 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị được bổ nhiệm về Sư Đoàn làm Đại Đội Phó/CTCT tại 39 đại đội trong khi đã có sẵn các ông Đại Đội Phó được ấn định trong bảng cấp số. Sau một thời gian đi theo đại đội mà chẳng biết làm gì – vì không có trong cấp số đơn vị, thì chẳng biết quyền hạn và nhiệm vụ được ấn định ra sao – một số anh em đã chuyển nghành, lấy chỉ số 240 là sĩ quan chỉ huy, để thực sự làm Đại Đội Phó, và sau đó là Đại Đội Trưởng. Các anh khác thì về làm ban 5 Tiểu Đoàn hay Trung Đoàn. Thiếu Úy Thủy và Chuẩn Úy Chiêu đã có mặt trong Đại Đội từ trước khi Phúc về coi đơn vị. Chuẩn Úy Nhơn là Hạ Sĩ Quan tốt nghiệp khoá Sĩ Quan Đặc biệt, mới ra đơn vị được mấy tháng nay. Trung Sĩ Tiết và Trí đều là quân nhân kỳ cựu, gan dạ, nhiều kinh nghiệm chiến trường. Do đó, thực lòng Phúc muốn giữ họ ở chức vụ Trung Đội Trưởng hơn là các anh Chuẩn Uý mới ra trường.
Những ngày đầu dẫn Đại Đội hành quân, Phúc đã nhìn thấy một quân nhân thuộc Trung đội 4 không mang súng dài mà thay vào đó là hai thùng đạn đại liên có dây cột choàng qua cổ. Dáng đi coi bộ khật khùng.
– Sao cái ông này đi ra trận mà không có súng?
– Trình Thẩm Quyền, thằng Nghĩa Sứa này nó hay quên, đi đâu bỏ súng đó nên Trung Uý Đát cho nó mang đạn. Mà phải cột vào cổ nó, không thì nó bỏ lại khi dừng quân dọc đường.
– Chắc hay say xỉn phải không?
Đúng rồi, Phúc còn nhớ có lần sai Nghĩa vào hầm lấy chai rượu ra nhậu. Khi Nghĩa đi từ trong hầm ra, hai chân xiêu vẹo, đi cứ như là người ở cõi trên. Phúc đã la anh ta:
– Bộ mày uống trộm rượu hả, mấy ngụm mà say xỉn vậy?
– Thưa Thẩm Quyền, em đâu có uống trộm rượu của ông.
Nhìn chai rượu còn nguyên, Phúc lấy làm lạ hỏi Trung Sĩ Hùng và được giải thích:
– Thẩm quyền biết không? Nó không uống rượu, nhưng hể nghe chữ rượu hay nhìn thấy chai rượu là nó xỉn ngay.
– Tụi nó đăt cho nó tên Nghĩa Sứa đó, Thẩm Quyền. Hạ Sĩ Quý nói thêm vào.
Có lúc rảnh rổi, lướt qua danh sách quân nhân trong đơn vị, Phúc đã phải bật cười, nói đùa với Thường Vụ:
– Bộ cái Đại Đội này là sở thú hay sao mà đủ mặt hết thế này: Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn văn Chó, Trần Văn Chuột, Nguyễn văn Cu … ?
– Dân miệt vườn mà Thẩm Quyền. Họ đặt tên kỳ lắm chứ không văn hoa như dân phố. Đại đội có hai chú dân Miên, Hạ Sĩ 1 Châu Phôl và Hạ Sĩ Lai Bel. Thằng Phol ở Trung đội 1, nó khoe nó có bùa, ra trận đạn bắn không trúng. Còn thằng Bel thì ở Trung 4, hay đi chung với y tá Sáu. Dân gốc Nùng thì chỉ còn một ông. Hai năm trước thì nhiều lắm. Nhưng mấy ổng già hoặc lên Thượng Sĩ đi về Trung Đoàn hoặc về hưu hết cả. Tàu Chợ Lớn cũng nhiều. Bọn này hay trốn lắm.
– Có thằng nào chích choác không?
– Dạ, chỉ có thằng Vinh Lao công. Nó viết chữ đẹp nên cho làm phụ tá Trung Sĩ Minh, Quân số. Thằng Vinh hớt tóc đẹp lắm. Nhưng nó lắm mồm và hay nói khoác.
– Nó ở binh chủng nào mà đào ngũ?
– Dạ, nghe nó ba hoa khoe đủ, nên tôi cũng không biết đâu là thật. Khi thi nó khoe từng làm Trưởng CIA ở Biên Hoà, có văn phòng cả chục nhân viên. Khi thì nó nói nó làm Đại Đội Trưởng Biệt Kích ngoài Huế …
Vì làm phụ tá cho Trung Sĩ Minh thuộc Ban Chỉ Huy Đại Đội, nên Vinh căng lều ngủ gần hầm của Thiếu Úy Phúc. Một hôm, Vinh mon men vào hầm Phúc gợi chuyện.
– Khi nào Thẩm quyền hớt tóc, nói em hớt cho. Bảo đảm không thợ nào ở Sài Gòn qua em đâu!
Phúc nhìn cánh tay của Vinh, thấy lốm đốm những dấu kim màu xanh bầm ở các tĩnh mạch. Mặt Vinh cũng sần sùi, nhưng đầy vẻ lém lĩnh của những tay giang hồ bịp bợm có nòi. Phúc đe nó:
– Mày mà còn chích choác, có ngày đi hành quân tao thả một mình giữa rừng. Tao nói là làm chứ không thèm dọa mày đâu!
Cái giọng Huế rặt của Vinh lèm bèm:
– Thầy ơi, em có nghiện(g) ngập chi mô! Chẳng qua con bồ em nó lâu lâu cho vài go(á)i chơi vui thôi.
– Bồ mày ở đâu đây?
– Dạ, nó là giáo sư trung học dưới Biên Hoà. Hôm nào ông Thầy đi Biên Hoà, cho em theo. Em sẽ giới thiệu với ông Thầy. Nó đẹp nhất xứ đó Thầy.
– Mèng ơi! Chích choác như mày mà em nào theo?
– Ông Thầy không biế(c) đó. Ngày xưa em cũng ngon(g) lành lắm, Có cả chục nhân(g) viên(g) dưới quyền, có cả xe hơi. Em út theo hàng bầy đuổi đi không hết.
Phúc chợt nhớ đến câu chuyện “Anh Thợ Cạo Thành Bát Đa” trong tập truyện Cổ Ả Rập “1001 Đêm”. Anh chàng thợ cạo Abdul Hassan, vì lắm mồm đã làm hư bột hư đường cuộc tình của anh chàng Nureddin với nàng Margiana. Sau những diễn biến đầy bi hài, anh chàng Nureddin bị gãy chân và rất oán hận anh thợ cạo. Dường như anh thợ hớt tóc nào cũng lắm chuyện. Có lẽ do công việc làm; đứng cắt tóc cho khách hàng nửa giờ đồng hồ, phải vẽ ra chuyện nói để lấp khoảng trống. Nhưng phần lớn các anh đều lém lĩnh và ưa nổ. Sau này, trước ngày đi hành quân vượt biên, Phúc nhận thêm một đợt lính mới. Có Binh 2 Nguyễn Văn Nơ là thợ hớt tóc ở một tiệm nổi tiếng đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn. Ba của Binh 2 Nơ đã lên tận Đại Đội, khẩn khoản xin Phúc cho Nơ được ở Ban Chỉ Huy, làm thợ hớt tóc cho Đại Đội Trưởng. Nhưng con người có số! Nơ và Y tá Sáu là hai quân nhân duy nhất đã hy sinh khi Đại Đội tấn công làng ThPong Vietnam dù họ đã bám gót theo sau lưng Đại Đội Trưởng. Họ đã bị trúng đạn thượng liên từ vọng gác góc làng bắn xéo qua các hàng cao su. Hạ Sĩ Nhất Châu Phol, chắc gặp ngày bùa không linh, nên đã bị banh xác khi đi gở trài mìn bẫy do chính anh ta gài lúc đóng quân ở vòng đai Lai Khê. Nghĩa Sứa và Lai Bel thì bị bắn sẻ chết ngay ngày đầu tiên đóng quân gần một làng nhỏ phía Đông Nam quận lỵ quận Snuol. Chuẩn Úy Tĩnh ở Đại Đội không lâu thì đào ngũ sau trận Snuol. Khi Phúc về nắm Đại Đội Chỉ Huy Trung Đoàn gần cuối 1971, Thủy lên thay và cũng tử trận khoảng vài năm sau. Sau Chuẩn Úy Tĩnh vài tháng, Đại Đội được bổ sung thêm hai Chuẩn Úy Mai Văn Hiệp và Lê Văn Khánh. Hiệp là Hạ Sĩ Quan thuộc Truờng Truyền Tin Vũng Tàu học khoá đặc biệt ra. Khánh thì xuất thân từ Trường Bộ Binh Thủ Đức. Khánh và Hiệp như hai thái cực. Trong khi Hiệp hăng hái, nhanh nhẹn và chịu đánh; thì Khánh mềm yếu, chậm chạp và không thích hợp với chiến trường. Vì thế, Phúc cho Hiệp nắm Trung Đội 3 thay Chuẩn Úy Nhơn đã thuyên chuyển qua đơn vị khác, còn Khánh thì đi cà nhỏng theo Trung Đội 2 của Chiêu. Trong khi đó, Chuẩn Úy Tĩnh vẫn là “phụ tá” cho Trung Sĩ 1 Tiết. Hiệp đã tỏ ra xuất sắc trong trận Snuol, nên được Phúc đề nghị thưởng ngôi sao bạc dù mới thử lửa lần đầu tiên sau chưa đầy một tháng ở đơn vị tác chiến.
Tình trạng vài sĩ quan không được giao nhiệm vụ gì không phải là hiếm tại các đơn vị Bộ Binh. Giữa năm 1971, có Đại Úy Cao Hữu Đ. từng là Quận Trưởng/Chi Khu Trưởng; nhưng vì lý do nào đó, được giao cho Tiểu Đoàn 4/8 quản lý với lời dặn “không cho nắm chức vụ gì cả”. Ông Đại Úy đi theo các đại đội như một khinh binh, phải mang súng M-16, tự mang đủ ba lô đạn dược, tự đào hố cá nhân, làm lều căng võng khi dừng quân. Hành quân xong, về hậu cứ, ông lên Tiểu đoàn xin đi vài ngày phép. Tiểu Đoàn Trưởng bảo xuống xin Đại Đội Trưởng. Đại Đội Trưởng từ chối vì cấp nhỏ không thể ký phép cho cấp cao hơn mình. Trường hợp này đã xảy ra với một vị Thủ Khoa Khoá X (Đại Úy VTT) của Trường Võ Bị Quốc Gia. Do ở lại trường phục vụ lâu năm, nên cấp bậc bị dậm chân. Khi bị đưa ra Sư Đoàn 5 BB, ông phải theo hành quân dưới quyền các học trò, đàn em rất xa của mình. Nhưng nhờ tình Võ Bị với nhau, ông ta cũng được vài sự ưu ái chứ không đến nỗi bẻ bàng như trường hợp ông Đại Úy CHĐ.
Các đơn vị bộ binh ít khi có những khuôn mặt kỳ cựu. So hai lần điểm danh đầu năm và cuối năm, thì có ít nhất 60 phần trăm là các khuôn mặt mới. Những người vắng mặt là các quân nhân đã hy sinh, bị thương giải ngũ, hoặc đã đào ngũ. Một số rất ít người, may mắn được chuyển về các đơn vị chuyên môn, hậu cứ. Đã ra tác chiến cấp trung đoàn trở xuống, thì xác xuất cao nhất là trở về với thi hài gói chặt trong tấm poncho, hay mình mẩy băng bó trắng xoá nằm trên băng ca. Vì thế, tình cảm đối với nhau phải như anh em ruột thịt. Cha mẹ, vợ con dù là những người thương yêu mình nhất đời; cũng không thể có mặt bên cạnh trong những giờ phút thập tử nhất sinh. Người chiến hữu sẽ nắm đầu anh kéo xuống kịp trước khi quả đạn thù bay réo qua hay nổ gần bên. Khi anh bị thương, chỉ có bạn chiến đấu đến ngay săn sóc vết thương, di tản anh ra chỗ tương đối an toàn. Khi xác anh bị để lại trận địa lâu ngày mới lấy được, chỉ có chiến hữu mới chịu đựng nỗi mùi thối rửa và sức nặng gia tăng để khiêng anh về qua hàng cây số đường rừng gai góc trong lúc đạn thù đuổi riết phía sau.
Chịu đựng một cuộc chiến gian khổ, hiểm nguy và dai dẳng như thế mới thấy hết cái hào hùng của người lính Việt Nam Cộng Hoà.
Và đủ thấy thấm thía câu thơ cổ:

Bồ Đào, mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!

Tháng 2, 2010