Còn Chút Gì Ðể Nhớ

Đỗ Văn PhúcQuechuathay4

Có những ước mơ rất đơn giản mà chẳng bao giờ thành hiện thực dù rằng trong cuộc đời, chúng ta đã thành đạt trong nhiều lãnh vực to lớn và quan trọng hơn. Tình nghĩa, đạo lý của người Việt Nam thường gắn bó với thầy cũ, trường xưa. Ai trong đời cũng mong có ngày trở lại thăm ngôi trường đầy kỷ niệm tuổi thanh xuân và gặp gỡ lại thầy cô, bè bạn. Chiến tranh Việt Nam gần một phần tư thế kỷ đã cướp đi hàng triệu sinh linh, tàn phá hàng chục thành phố lớn nhỏ trong đó Quảng Trị thân yêu của chúng ta chịu sự hủy diệt nặng nề nhất. Trường trung học Nguyễn Hoàng cùng chung số phận với cả thành phố, chỉ còn là đống gạch vụn sau chiến cuộc tàn khốc năm 1972. Con dân Quảng Trị, phần nào may mắn sống sót sau những cơn bão lửa thì đều ly tán đi muôn phương, xuôi Nam vào Binh Tuy, Long Khánh; hay lên cao nguyên Pleiku, Lâm Ðồng, Ðắc Lắc. Không ít người vượt biên qua tận những bến bờ xa xôi nửa vòng trái đất đến hàng chục nước trên năm châu. Lúc tuổi xế bóng hoàng hôn, có mơ về quê hương tuổi nhỏ, thì chẳng qua để mà mơ thôi. Vì ngoài cái tên gọi thân thương, Quảng Trị chẳng còn lại gì ngoài một đống hoang tàn mà nay có lẽ đã bị lấp kín với lớp cỏ bụi thời gian.

Tôi đã theo học trường Nguyễn Hoàng suốt bảy năm từ 1957 đến 1964. Nguyễn Hoàng là trường trung học công lập độc nhất của tỉnh thời đó. Ngay Ðông Hà với hơn chục ngàn dân và là một địa điểm giao thương sầm uất cũng chỉ có một trường bán công với dăm lớp học đệ nhất cấp. Vì vậy hàng năm, sau khi học xong lớp nhất bậc tiểu học, cả ngàn học sinh từ các quận huyện đổ về thành phố để dự thi tuyển vào lớp đệ thất Nguyễn Hoàng mà chỉ có chừng hơn trăm là may mắn lọt qua được cửa ải cam go này.
Học sinh Nguyễn Hoàng hãnh diện với tên gọi của vị Tiên Vương Nguyễn Triều, người đã chọn Quảng Trị làm kinh đô khởi nghiệp, từ đó khai phá giang sơn vào tận cuối đất ở mũi Cà Mâu, dựng một miền Nam trù phú. Trường nằm ở phía Nam thành phố. Trước cổng chính cách một con đường bên phải là Ty Thông Tin, bên trái là bến xe đò với khoảng vài chục xe chạy vào Huế hay ra Ðông Hà. Sau lưng trường là sân vận động đơn sơ một khán đài chục băng ghế bằng gỗ mái tôn. Xa hơn là những khoảnh ruộng hay bãi cỏ hoang chạy dài đến quận Hải Lăng. Có sáu con đường dẫn đến trường: Nam từ Hải Lăng, Ðông từ Trí Bưu lên, Tây từ La Vang xuống, và ba con đường song song dẫn vào mặt Bắc của trường. Trong sáu con đường đó, đường Quang Trung mới chính là con đường học trò. Nó bắt đầu từ bến sông Thạch Hãn, cắt ngang phố chính Trần Hưng Ðạo và chạy qua ba trường học khác mới đến góc trái của Nguyễn Hoàng. Mỗi sáng tinh mơ hay lúc xế chiều, hàng trăm học trò của các trường tiểu học và trung học Thánh Tâm, trường Nữ Teresa, trường Nguyễn Hoàng tấp nập líu lo trên con đường mà hai bên là những hàng cây phương vĩ già với những bông hoa đỏ thắm và đày tiếng ve sầu mỗi lần hè sang, đánh dấu mùa ly biệt.

Trường được bao quanh bởi một hàng rào xi măng kiên cố có ba cổng lớn nhỏ. Cổng chính có hai cửa dẫn thẳng vào sân cờ. Chếch qua phía bên phải sát hàng rào hướng nam là nhà chơi và quán bán bánh kẹo của ông cai trường. Nhà chơi chẳng có trang bị gì ngoài hai bàn ping pong. Năm học đầu tiên của tôi, 1957, ngôi trường chỉ mới có một dãy nhà lầu hai tầng gồm tám phòng và một dãy nhà trệt lợp tôn đối diện có năm phòng học. Văn phòng và phòng Hiệu trưởng chiếm hai phòng tầng trệt cạnh cầu thang. Một chiếc trống lớn đặt ngay dưới cầu thang mà mỗi sáng sớm người phu trường đánh ba hồi dài báo hiệu lúc ngày học bắt đầu và sau đó từng hồi ba tiếng cho những lúc đổi giờ.

Thời đó học sinh nam nữ học chung. Lớp tôi có khoảng 50 trong đó chừng bảy tám chị. Các chị ngồi hai dãy bàn đầu sát bàn giáo sư. Tôi còn nhớ tên vài chị như Dung, Cẩm, Lê Diệu Minh, Trần Thị Vinh, Lê Thị Như Hoàn, và chị lớn tuổi nhất có lẽ là chị Cung Thị Biên. Bạn học nam thì chỉ còn nhớ vài anh như Lê Ðình Ân, Nguyễn Trung Thu, Lê Thọ Giáo, Tám, Dũ, Kháng và Lạc. Tuy ở độ tuổi mười một, mười hai (dĩ nhiên có vài anh chị lớn hơn dăm ba tuổi), chúng tôi đã biết ăn mặc rất chững chạc. Ðồng phục áo trắng quần xanh, đa số mang săng đan, vài anh mang giày da hay giày vải. Các chị thì áo dài trắng và đi guốc gỗ. Những ngày lễ, chúng tôi mặc toàn trắng. Học sinh đến truờng bằng xe đạp hay đi bộ nếu nhà gần trường. Chỉ đến khoảng năm 60 trở về sau mới có vài anh đi xe gắn máy mà thịnh hành nhất là xe Goebel và Ischia. Các thầy cũng vậy, phần lớn đi xe đạp. Duờng như chiếc xe lambretta độc nhất thời đó là của thầy hiệu trưởng Thái Mộng Hùng. Sau này thêm vài xe của thầy giám thị Trần Ngọc Xuân, thầy Hồ Ðình Mai. Học trò thời đó rất kính sợ thầy cô. Thầy Lê Ðình Ngân dạy Pháp văn, thầy Trần Công Hiệu dạy Hán văn thuộc thế hệ cha chú. Thế hệ sau là các thầy cô trẻ tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Huế như cô Trần Thị Hoắc Hương (Việt văn), Phạm Lộc (Sử), Nguyễn Cữu Triệp (Vạn vật), Nguyễn Hứa Thảo, Hồ Ðình Mai (Anh văn), Phạm Hòa (Toán), Nguyễn Văn Thị (Toán), Tống Viết Mẫn, Lê Nghiêm Kính, Lê Văn Chỉnh, cô Hoàng Thị Sa Ða, cô Phi Nga, thầy Duyên và thầy Minh. So với học trình middle và high schools của Mỹ, thì học sinh Việt Nam học nhiều hơn và khó hơn. Chúng ta đã học hai môn toán (Ðại số và Hình học) trong 4 năm đệ nhất cấp. Lên đệ nhị cấp, ngoài Ðại số và Hình học, phải học thêm Lượng giác, Cơ học, Số học và Thiên văn. Lý hoá thì bao gồm các môn Quang học, Ðiện học, Hoá học. Có thể nói là chương trình toán, lý hoá đệ nhị cấp trung học Việt Nam ngang cỡ Calculus, Physics, Chemistry của năm đầu Ðại học Mỹ. Từ năm đệ thất, học sinh đã học hai sinh ngữ là Anh và Pháp văn, cộng thêm Hán văn chỉ học viết, đọc theo âm Hán Việt mà không học nói. Ðiều đáng nói là lớp học sinh chúng tôi học Anh văn bằng sách của Pháp (L’Anglais Vivant) do thầy Việt Nam dạy, nên chỉ khá về đọc và viết mà không nói đúng giọng. Sau này, Bộ Giáo Dục đổi sách (Let’s Learn English và Life with the Taylors) nên có phần sát thực tế hơn. Nhưng sau bảy năm học với Anh văn là sinh ngữ chính, duờng như chỉ có một hai người trong lớp tôi có khả năng nói chuyện với người Mỹ một cách thoải mái và tự tin (trong đó có Lê Thọ Giáo). Lên lớp đệ tam, bắt đầu chương trình đệ nhị cấp, học sinh phải chọn một trong ba ban: Vạn vật (A), Toán Lý (B) hay Văn chuơng (C). Sự lựa chọn này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hướng nghiệp trong tương lai. Các thầy mà chúng tôi thích nhất là thầy Hòa dạy toán rất hay và có phương pháp. Vào lớp với độc nhất một viên phấn trong tay, thầy có thể giảng thao thao bất tuyệt về đạo hàm, quỹ tích; phương trình nhị thức hay tam thức, vô tỷ hay hữu tỷ; và không hề ngập ngừng mỗi khi chúng tôi đặt các câu hỏi. Thầy Phạm Lộc dạy sử. Tính thầy xuề xoà, hay cười đùa. Ðặc biệt thầy có biệt tài kể chuyện rất hay và sinh động. Tôi còn nhớ như in câu chuyện anh chàng Trung úy phi công Ðức Quốc Xã Frank Von Verra khi bị quân đồng minh bắt làm tù binh; giải giao trên một chuyến xe lửa canh gác cẩn mật. Anh ta đã vượt thoát một cách thần kỳ. Giọng kể của thầy lôi cuốn làm chúng tôi như sống theo từng động tác và tình cảm của từng nhân vật. Chúng tôi nhớ đôi giày cao gót của cô Sa Ða đi gõ cộp cộp rất oai vệ trên nền xi măng. Chúng tôi yêu mến giọng Huế ngọt ngào và khuôn mặt dịu dàng của cô Hoắc Hương dạy Việt văn. Cô rất thương tôi vì có lẽ tôi viết văn hay và lại nhỏ tuổi nhất lớp (và than ôi! cũng thuộc loại nghịch ngợm và cứng đầu nhất!!!)

Học sinh, ngoài các môn học chính còn có các môn nhiệm ý như thể thao, hội họa, âm nhạc và nữ công gia chánh. Chúng tôi còn chia nhau tham gia vào các ban Văn nghệ, Báo chí, Khánh tiết và Trật tự. Ban Văn nghệ các lớp hợp lại thành ban Văn nghệ toàn trường, hoạt động sôi nổi nhất. Những lần tổ chức văn nghệ lớn như mùa tan trường, Tết, vân vân, chúng tôi thường ở lại đêm để tập dượt các màn kịch, múa. Khuya, thế nào thầy hướng dẫn cũng đưa chúng tôi ra phố ăn cháo lòng hay bún bò. Tôi cũng tham gia được hai tiết mục. Một là vũ khúc của người Thượng trong đó các vũ viên đóng khố, bôi mặt nhảy tưng tưng theo tiếng trống dồn dập và rống lên một bài hát gồm những chữ lạ tai chẳng ai hiểu nội dung. Hai là vở kịch Kinh Kha sang Tần mà tôi đóng vai chú lính bưng cái tráp có đôi bàn tay ngọc ngà của nàng Ly Cơ trao cho Kinh Kha, là một món quà độc đáo mà Cao Tiệm Ly dùng để mua chuộc và tiễn đưa anh chàng vũ dũng này đi vào cõi chết
Ban Báo chí thì hoạt động riêng, làm bích báo hàng tháng cho lớp mình. Lâu lâu mới tham gia làm đặc san cho trường. Lê Ðình Ân và tôi thay nhau làm trưởng ban Báo chí liên tục suốt bảy năm học ở trường nhờ tài vẽ đẹp, chữ tốt và văn chuơng cũng có thớ. Thưỏ đó chúng tôi đã biết cách dùng keo và kim tuyến hay cát mịn nhuộm nhiều màu sắc để vẽ cho thật sinh động. Ăn cơm tối xong là hai anh em cúi người trên bộ ván ngựa để viết nắn nót các bài văn, thơ lên thẳng tờ giấy croqui khổ lớn, hoặc viết trên giấy tập rồi đóng vào từng ô. Ô này dành cho thơ, ô kia truyện ngắn, ô nọ chuyện cười, vân vân. Mỗi tờ báo là cả một công trình mà chúng tôi rất hãnh diện khi hoàn tất, đem đến lớp, treo lên vách tường trước sự khâm phục của các bạn.

Chắc chắn chẳng có ai lúc đó biết được rằng trong lớp mình có một hòn ngọc quý. Ðó là anh Trần Ðình Bé, sau này là nhà thơ Thạch Nhân, có nhiều thơ đăng trên các tạp chí văn học nổi tiếng như Sáng Tạo, Hiện Ðại, Thế Kỷ Hai Mươi. Anh Bé lớn tuổi nhất lớp, hiền từ, trầm tĩnh. Hình như Lê Văn Chính (tức nhà thơ Sương Biên Thùy, và sau này lại đổi thành Lê Mai Lĩnh) cùng học chung một lớp. Những anh chị nổi tiếng nhất trường vào thời đó là Hùng móm (thủ môn đội bóng, sau đi Võ Bị Ðà Lạt tử trận ngay trên quê mình ngày anh dẫn đại đội thuộc Tiểu Đoàn 8 Dù về tái chiếm Cổ thành năm 1972), Trần Công Linh (cây văn nghệ và thể thao xanh dờn), Lê Thị Thu Vang (hát bài Ðường Xưa Lối Cũ rất tuyệt), Nguyễn Thị Trợ (được đặt tên là Lý Lệ Trợ nhờ dáng đi rất ư là Lý Lệ Hoa), hai chị em cô Thiếu Oanh và Ngọc Bích (đẹp và hấp dẫn), Lê Văn Xinh (khó nói ra!), và cũng đừng quên tác giả bài này về tội nghịch ngợm và các mối tình lăng nhăng mà hậu quả là thi rớt khoá đầu Tú tài II năm 1964.

Bảy năm dưới một mái trường, chúng tôi đã chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày của ngôi trường thân yêu. Căn lầu hai tầng đuợc nối dài thêm. Hai dãy nhà gạch mái ngói mọc thêm ở hai phía Ðông và Tây. Sân cờ được xây bệ, có các lối đi tráng xi măng dẫn ra 4 hướng. Các dãy nhà không vách mái tôn để chứa xe đạp học sinh. Ðáng kể nhất là phòng thí nghiệm với nhiều dụng cụ tinh vi phía trái nhà chơi; nơi đó chúng tôi biết thế nào là các phản ứng hoá học; biết đường quỹ đạo của trái đất quanh mặt trời, và mặt trăng quanh trái đất để hiểu về hiện tượng nhật và nguyệt thực.
Khoảng năm 1960, khi phái đoàn Cố vấn quân sự Hoa Kỳ đặt bản doanh tại phần đất phía đông của trường đối diện với góc tường Nam của cổ thành, thì đạn cối của Việt Cộng cũng bắt đầu nổ bừa bãi vào các khu dân cư làng Trí Bưu cạnh đó và nhiều lần lọt vào sân vận động. Tôi không nhớ có trái nào rơi vào khuôn viên nhà trường không. Nhưng chắc chắn là gây kinh hoàng cho thầy trò không ít. Cũng vào những năm chiến cuộc tăng cường độ ở các vùng quê Hải Lăng, Triệu Phong, Mai Lĩnh; thì trường trở thành trung tâm tiếp nhận đồng bào tạm cư lánh nạn đao binh.
Trừ một số ít có điều kiện theo học tiếp bậc đại học và thành đạt về mặt chuyên môn, đa số học sinh Nguyễn Hoàng đã phải tham gia cuộc chiến ngay sau khi rời mái trường. Trường là nguồn tài nguyên sĩ quan hùng hậu cho Sư đoàn 1 Bộ binh trách nhiệm hai tỉnh Trị Thiên. Những ngưòi con ưu tú này đã đổ máu ngay trên phần đất quê hương trong nhiều năm cho đến ngày miền Nam bị thất thủ.

Lần cuối cùng tôi được thấy lại trường vào cuối năm 1969 khi rời quân y viện Nguyễn Tri Phương đi phép về thăm nhà. Tôi gặp thầy Hiệu trưởng Thái Mộng Hùng một lần trên chuyến xe bus của Air Vietnam từ phi trường Phú Bài về Huế cũng cuối năm 69. Từ sau thời gian đó, chẳng còn dịp nào nữa cho đến khi nghe tin Quảng trị thất thủ và sau đó quân ta đã dũng cảm tái chiếm lại một thành phố hoang tàn, mà không một kiến trúc nào còn cao hơn nửa thước trên mặt đất. Khi qua Cali mùa hè năm 1993, tôi có tìm thăm thầy giám thị Xuân và thầy Lộc. Bạn học cũ thì tình cờ gặp lại vài anh trong ngày họp mặt Tân niên hội Ðồng hương Quảng Trị tại Houston. Nhưng nếu không nhắc thì không thể nhận ra nhau. Gần bốn chục năm bao nhiêu vật đổi sao dời, trách sao được. Của đáng tội, đối với mấy chị thì mình lại nhớ rất rõ và rất lâu. Chị Dung, chị Cẩm có đọc được bài này thì xin nhận nơi đây lời tạ lỗi trễ tràng của chú bé này ngày xưa đã quậy phá hai chị nhiều nhất. Cả chị Vinh, chị Diệu Minh nữa nhé.

Mong sao những cựu học sinh Nguyễn Hoàng thấy qua những trang giấy này những ảnh hình vụn vỡ để ghép lại gần toàn vẹn hình ảnh ngôi trường mà chúng ta sẽ trong đời, chẳng bao giờ còn thấy lại. Những thầy cô, anh chị còn ở lại Việt Nam cũng qua đây, thấy tình cảm gắn bó của những người xa xứ với những kỷ niệm hoa niên mà “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.