Phần 2: Ba Bebop, Một Slow

Đỗ Văn Phúctu11

Tờ mờ sáng hôm sau, giấc ngủ ngon lành bị đánh thức bởi một hồi kẻng. Chúng tôi được lệnh ra sân để tập thể dục. Nhớ lại thời ở quân trường Đà Lạt, trời lạnh, những anh lười tập có thể trốn bằng cách ôm mền gối leo lên trần nhà nằm nướng thêm vài mươi phút. Ở đây thì không trốn được. Ngày thứ hai của mười lăm ngày “học tập” đó, chúng tôi được gọi lên nộp tiền ăn mười lăm ngày và đã có toán được phân công nấu bếp. Các toán khác thì làm tạp dịch thu dẹp trong trại. Tôi bắt đầu làm quen với các anh trong tiểu đội mà từ nay chúng tôi sẽ gọi là A. Anh A trưởng là Nguyễn Tấn Thành (trường Truyền Tin), kế đó theo thứ tự chỗ nằm là Nguyễn Văn Sơn (Truyền Tin), tôi, Nguyễn Văn Tấn (Địa Phương Quân), Lê Văn Toàn (Hải Quân), Đào Hoàng Đức (Bác sĩ Quân Y), Nguyễn Văn Bộ (Địa Phương Quân/Vũng Tàu), Lưu Văn Ngôi (Quân Y Viện Nguyễn Văn Nhứt), Đỗ Văn Tấn (Địa Phương Quân), Nguyễn Duy Quế (Truyền Tin). Trong tất cả trăm người, Nguyễn Văn Sơn nổi bật nhất vì anh thường mặc bà ba đen còn mới, quàng khăn rằn, và mang đôi dép râu cứ như là du kích thứ thiệt. Nguyễn Văn Bộ thì cao mập, vui tính và thích khôi hài. Anh là người đặt tên cho Hồ Chí Minh là “quả Pắc Bó”. Đào Hoàng Đức thì có vẻ vô tư. Lưu Văn Ngôi, bệnh loét bao tử, nên lúc nào khuôn mặt cũng nhăn nhó. Lúc này chúng tôi chưa thấy e ngại nhau, nên ăn nói có phần phóng túng, không kềm chế mấy.
Anh cán bộ đội trưởng đội tôi tên Lê Thế Sự, dường như cấp chuẩn úy quân đội Bắc Việt, người Bắc, nhỏ con, có vóc dáng ẻo lả như một cô gái mới lớn. Anh ăn nói nhỏ nhẹ khác hẳn với anh đội trưởng đội 9 là một người miền Nam, cục mịch, thô lỗ như một tên lơ xe đò. Anh Việt Cộng người Nam này nhặt đâu được hai chiếc giày da của quân đội ta. Nhưng cả hai chiếc đều cùng một chân trái, nên hai mũi giày cùng quẹo về một hướng. Lại thêm việc anh ta không biết cột dây. Vì thế, các đầu dây dài thòng ra quẹt xuống mặt đất vung vẩy mỗi lần anh ta bước trông thật buồn cười. Trưởng trại là Thượng Úy Lê Tranh thì có vẻ nhanh nhẹn, pha chút đểu cáng, thâm hiểm. Chúng tôi có dịp vào tận phòng ở của những đội trưởng, thấy cũng sơ sài chiếc giường tre, bộ bàn ghế ăn cơm kiểu thông dụng như thường thấy ở thôn quê. Trên bàn lúc nào cũng có cái ấm trà, dăm ba cái ly đã cáu bẩn, và không thể thiếu ống điếu thuốc lào bằng tre. Họ là những người trong một đơn vị mà gốc là của Mặt trận Giải phóng Miền Nam, nhưng đã hao hụt nặng về quân số từ sau các trận Mậu Thân, Hè 72, nên được bổ sung thêm quân chính quy miền Bắc. Nhưng quyền chính ủy thì do hoàn toàn cán bộ đảng Cộng Sản miền Bắc. Ở trại này, các anh vệ binh ăn mặc rất lộn xộn. Ngoài những người Bắc mặc quân phục và đội nón cối màu xanh lá mạ, một số khác người Nam mặc quân phục và nón cối màu vàng đất rất đậm. Họ đều rất trẻ – tưởng như còn tuổi vị thành niên – nhưng rất hung hăng. Họ quát tháo và sẵn sàng lên đạn rôm rốp và chĩa nòng AK-47 vào chúng tôi đe dọa.
Bữa cơm đầu tiên, cứ mỗi A mười người một mâm. Cơm đựng trong một cái thúng, một thau nhôm đựng canh cà chua đậu hũ nấu với thịt chà bông và một thau khác có rau muống luộc. Tôi mới xong chén thứ hai, vừa lưng bụng, thì nhìn thúng cơm đã cạn, các thau đồ ăn cũng sạch sẽ. Vài anh khác cũng chưng hửng như thế. Chẳng là chúng tôi mang theo những cái chén nhỏ, mà lại ăn chậm. Nhìn qua anh X. thấy anh cầm một cái bát to như bát đựng canh, cơm và thức ăn đầy gần miệng bát. Trong khi những anh em khác buông đũa dọn dẹp với cái bụng chưa no, thì anh X. mang bát cơm về chỗ mình, tiếp tục ăn một cách nhẩn nha. Sau này mới nghe anh tiết lộ công thức “ba Bebop, một Slow” mà anh đã có kinh nghiệm qua những bữa ăn tập thể đâu đó. Quý vị đi nhảy đầm chắc phân biệt nhịp nhanh của điệu Bebop và nhịp khoan thai của điệu slow. Ba Bebop, nghĩa là xới lưng lưng bát, ăn thật nhanh cho đến khi cơm trong thúng gần cạn, thì xới hết cho đầy bát rồi ăn chậm lại. Thế là chẳng bao giờ chịu đói cả. Từ sau đó, chúng tôi cũng rán ăn nhanh lên, và thú thực, bắt đầu cảm thấy xấu hổ ngầm với kiểu ăn như thế. Sức ăn của dân nhà binh, mỗi bữa cơm phải bốn năm chén đầy thì làm sao chịu đựng nổi với lưng hai chén. Tuy nhiên vì lòng tự trọng, không anh nào có can đảm mở miệng than phiền với nhau. Đó là trong thời gian đầu, cơm và thức ăn tương đối chưa đến nỗi thiếu thốn thê thảm như những năm về sau khi dưới sự quản lý của Công An.

Những ngày đầu tiên, chưa thấy ai nhắc chuyện “học hành”. Chỉ thấy các công tác tạp dịch và khai báo lý lịch. Nhờ có nét chữ đẹp, tôi được giao cho giấy bút để ghi lý lịch. Bản lý lịch đầu tiên, gọi là lý lịch trích ngang, cũng đơn giản chỉ khoảng năm bảy cột, gồm tên họ, cấp bậc, chúc vụ, đơn vị cuối cùng, ngày tháng, nơi sinh, tôn giáo. Gần như hầu hết trong đội đều là những quân nhân làm việc văn phòng, quân trường và tiểu khu quanh quẩn vùng Bà Rịa Vũng Tàu. Sợ mình bị nổi lên trong đám những anh em văn phòng đó, tôi bèn khai thuộc Đơn Vị Quản Trị Không Quân là nơi quản lý quân số của tôi trong thời gian nằm điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hoà và làm thủ tục để giải ngũ cuối năm 1973.
Nóng ruột vì hết ngày qua đêm lại đã được một tuần lễ, vài anh em bắt đầu la cà kiếm cách hỏi han các anh bộ đội cấp sĩ quan để hy vọng moi ra được chút tin tức gì không. Sau cùng, một sĩ quan Cộng Sản thông báo
– Các anh sẽ được viết thư về cho gia đình mỗi tháng một lần.
Tin như sét đánh ngang tai! Cả trăm người nhìn nhau thất vọng. Một anh can đảm đứng lên hỏi:
– Chúng tôi nghe thông cáo của Ủy ban Quân quản là đi học trong mười lăm ngày mà?
Anh sĩ quan Cộng Sản ôn tồn giải thích:
– Thông cáo nói mang theo tiền ăn cho mười lăm ngày, chứ không phải thời gian học tập là mười lăm ngày. Chính sách nhân đạo khoan hồng của đảng và nhà nước trước sau như một. Các anh phải an tâm, tin tưởng và ra sức học tập để sớm trở về với gia đình. Thời gian dài ngắn là do ở kết quả học tập của các anh.
Nghe có tiếng xì xào trong đám đông, đâu đó vọng lên hai chữ “tù, giam”. Anh sĩ quan vội nói:
– Không, không, các anh không phải là tù. Tù là có nhà giam, có chuồng cọp… Các anh là trại viên, đến đây để cải tạo qua lao động, học tập và chấp hành nội quy để xoá bỏ những quá khứ sai trái. Chúng tôi là những người quản lý, giáo dục các anh trở thành công dân tốt của chế độ mới.
Trong nỗi hoang mang về thời gian cải tạo đó, tôi không dằn được sự uất hận, đã rỉ tai bạn bè, nhắc đến câu nói bất hủ của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu :”Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm!”
Lại một đêm thật dài, trầm tư về cuộc sống. Giờ này vợ và các con tôi đang làm gì? Số tiền nhỏ nhoi mà tôi để lại may ra chỉ dùng đi chợ một hai ngày. Mẹ tôi, sau khi sang lại cửa hàng cộng tiền dành dụm suốt đời đã đem gửi hết vào công khố phiếu. Tờ biên nhận hàng triệu đồng VNCH nay trở thành tấm giấy loại vô giá trị. Căn nhà rộng rãi khang trang mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương, có để hai bàn bi da may ra kiếm sống tạm qua ngày. Nhưng rõ ràng chúng tôi chỉ biết suy đoán, mỗi người một cách. Không ai biết hơn ai về những gì sẽ xảy ra bên ngoài cũng như ngay cho chính mình bên trong ba lớp hàng rào kẽm gai này.