Xây Dựng Khuôn Mẫu Con Người

Một Vấn Ðề Nhỏ trong Văn Hoá:chotet
Xây Dựng Khuôn Mẫu Con Người

Đỗ Văn Phúc
Văn hoá là những gì còn lại sau khi đã mất. Văn hoá là kết tinh của quá trình sinh hoạt, lao động, xây dựng xuyên suốt chiều dài lịch sử; để sau từng thời kỳ, gạn lọc lại những gì tinh túy trong các sản phẩm trí tuệ, hòa đồng với văn hoá ngoại nhập tạo thành một bản sắc riêng biệt cho một dân tộc và truyền lại cho đời sau. Văn hoá đóng góp phần tích cực trong việc tạo thành tinh thần dân tộc, xây dựng tư duy và cách sống của con người. Vì thế nó cũng là tiêu chuẩn để đánh giá một dân tộc. Một dân tộc văn minh hơn chưa hẳn là có văn hoá cao hơn dân tộc khác; ngược lại dân tộc có văn hoá lại có thể còn chậm tiến về mức độ phát triển.

Trong văn hoá, văn chương là một phần quan trọng nhất. Văn chương có hai lãnh vực: Văn chương bác học và văn chương bình dân. Văn chương bác học là các tác phẩm văn học, thi, ca có tính ước lệ và có giá trị tầm cỡ. Văn chương bình dân là những ca dao, truyền khẩu, truyện cổ tích, tục ngữ, đi sát và phục vụ đời sống quần chúng, phản ảnh trực tiếp đến sinh họat, tâm lý nhân dân. Văn chương bình dân phát xuất từ trong dân gian nên còn được gọi là văn học dân gian.
Dân tộc Việt Nam ta, nếu tính từ khi bắt đầu được ghi chép qua sử ký (thời hữu sử) là lúc hai bà Trưng khởi nghĩa lập vương quyền (năm 43 trước Tây lịch), đến nay đã hơn hai ngàn năm. Nhưng tính luôn cả thời vô sử (huyền sử), thì ta luôn hãnh diện khoe mình có bốn ngàn năm văn hiến. So với nhân loại, thì chiều dài lịch sử của dân tộc ta cũng có hạng lắm. Nhưng dân tộc ta vẫn cứ triền miên chìm đắm trong đói nghèo, chậm tiến; hết bị đô hộ giặc Tàu, đến nô lệ giặc Tây. Hết phong kiến bóc lột lại bị cộng sản áp bức. Ðến cuối thế kỷ 20 mà chưa vươn lên để sánh vai cùng các lân bang, nói chi đến các quốc gia cường thịnh khác. Mà dân ta nào có thua kém ai. Ði ra nước ngoài học hành thì đều nổi tiếng học giỏi, thông minh; trong lao động thì cần cù, nhẫn nại, lại khéo tay và nhiều sáng kiến. Ðất nước ta thuộc miền khí hậu ôn hòa, giàu tài nguyên. Trên rừng nhiều cây quý, dưới biển lắm cá tôm, phong phú cả về khoáng sản. Thế thì vấn nạn then chốt là ở đâu?
Trong bao khó nguy, dân ta từng biểu lộ tinh thần đoàn kết cao độ để thắng quân thù. Hội nghị Diên Hồng nơi toàn quân toàn dân một lòng đã ngăn chặn được làn sóng quân Mông Nguyên. Giữ vững giang sơn trước đe dọa thường trực của chính sách bành trướng Trung hoa trong hàng ngàn năm mà vẫn bảo tồn văn hoá đặc thù không phải dân tộc nào cũng làm được.

Thế nhưng có vài điều chưa ổn trong tâm thức, trong tư duy mà gây nên trở ngại lớn cho sự đấu tranh vươn lên đến chân lý. Hình như chỉ trong hoàn cảnh thật nguy nan, dân ta mới thực sự đoàn kết, quên cái riêng mà lo cho đại sự; bỏ qua tị hiềm cá nhân, địa phương, tôn giáo mà nghĩ đến tổ quốc. Còn ngoài ra, khi có chút an sinh, những luồng tư tưởng cá nhân lại nẩy mầm sinh ra tính tự kiêu, sinh ra tranh chấp nhỏ nhặt. Ngay tại hải ngoại, hai mươi năm qua sau ngày mất nước, phải vượt đại dương tìm đường lánh nạn, chịu cảnh ly hương đau lòng mà người Việt vẫn chưa thực sự đoàn kết đùm bọc nhau để cùng hướng về một mục tiêu quang phục quê hương. Các phong trào có nhóm lên, thì một phần có thực lực, có khả năng uy tín; phần khác thì tầm thường tạp nham chỉ mưu cầu tư lợi, danh vọng hảo huyền. Trong quần chúng thì nhiều người ủng hộ nhiệt tình, nhưng cũng không thiếu kẻ đứng bên lề, hoặc chê bai, phá hoại ngầm hay công khai. Có người mới tạo được uy tín, liền bị tìm cách bôi nhọ, chụp mũ. Có người mới thành công về thương trường, công danh, liền bị những bài tới tấp phủ lên bao lời nhục mạ vu khống.
Xét cho cùng, những điều không hay trên cũng là do ảnh hưởng của phần tiêu cực trong văn hoá. Bởi vì không phải văn hoá ta hoàn toàn hay đẹp đâu. Có rất nhiều điểm tiêu cực trong văn hoá dân gian mà phong kiến và thực dân cố tình nuôi sống và đề cao để ru ngủ, đồi trụy hoá nếp tư duy của dân chúng thay vì phát triển điểm tinh hoa.

Trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết, cũng như trong tình trạng thiếu tài liệu để tham khảo và minh chứng, tôi chỉ xin đưa ra vài dữ kiện trong lãnh vực văn chương bình dân để chúng ta cùng suy gẫm.
Nếu chúng ta từng đọc truyện cổ tích Tây phương, Nhật bản… chúng ta thấy đa số truyện đều có chủ đề nêu lên tấm gương đấu tranh vươn lên chân, thiện, mỹ; ca ngợi tình nhân ái, lòng vị tha, những hy sinh vì nghĩa lớn. Truyện cổ Andersen của dân tộc Bắc Âu gồm hàng chục câu chuyện có giá trị giáo dục nhân bản; truyện Nhị Thập Tứ Hiếu của Trung Hoa dạy lòng hiếu kính với các đấng sinh thành; truyện thần thoại Hercule của Hy lạp dạy lòng dũng cảm, nghĩa khí…. Ðó là những bài học tuyệt vời về nhân cách, đạo đức. Truyện cổ Việt Nam có thiếu chi những tấm gương anh hùng, hiếu đạo, cao vời nghĩa khí: truyện Trầu Cau ca ngợi tình anh em, vợ chồng keo sơn gắn bó; truyện Hòn Vọng Phu, về lòng chung thủy của người vợ; truyện Bánh chưng Bánh dầy, về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Nhưng bên cạnh lại có nhiều câu chuyện vô tình (hay cố ý) đề cao một loại nhân cách tầm thường, bất xứng.
So với truyện Cinderella, chúng ta có truyện Tấm Cám với nội dung tương tự, nhưng hậu truyện lại hoàn toàn khác. Cả hai nàng Cinderella và Tấm đếu sống trong cảnh mồ côi, cơ cực vì bị mẹ ghẻ đày đoạ; cả hai cùng đều có cô em gái cùng cha khác mẹ đố kỵ, nham hiểm. Về sau, cả hai đều lấy chồng hoàng tử và cùng hạnh phúc vô biên. Truyện nàng Cinderella kết thúc ở đám cưới nàng con gái nghèo khổ xinh đẹp với chàng trai quí tộc. Nàng Tấm đi xa hơn, đến giai đoạn báo thù tàn độc với cô em gái và bà mẹ ghẻ. Nàng gạt người em cùng máu mủ nhảy vào chảo nước sôi và lấy thịt làm mắm gửi về gạt cho mẹ ghẻ ăn. Ðó có thể nào là hành vi của một phụ nữ Việt Nam tầm thường nhu mì, đôn hậu? Huống chi đây lại là một cô gái trẻ đẹp, nhân vật trọng tâm của câu chuyện, có hoàn cảnh đáng thương ngay từ đầu truyện. Trước đó, khi nàng Tấm bị Cám lập mưu giết chết, biến thành con chim, thấy Cám phơi áo quần hoàng tử trên hàng rào, nàng đã bay đậu trên cây và nói:
Phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào,
Chớ phơi hàng rào rách áo chồng tao

Lối xưng hô mày tao này thật không xứng đáng tí nào với cửa miệng một thiếu nữ xinh đẹp đoan trang. Nếu cho rằng vì sống mồ côi thiếu tình mẹ, thiếu sự giáo dục căn bản đạo đức, và nàng phải nói năng hành xử phù hợp với nhân cách như vậy; thì rõ ràng Tấm chẳng thể nào có được một phẩm hạnh cao quý để xứng đáng được đền bù bằng hạnh phúc tuyệt vời như ở cuối truyện.
Ngoài những truyện nêu cao gương phấn đấu, thành đạt bằng tài năng, trí tuệ và đạo đức, liệu ta có thể thừa nhận loại người như Trạng Lợn, Trạng Ếch, Thằng Cuội tiêu biểu cho thành phần hạ đẳng của xã hội, vô tài bất trí, ngoi lên bậc cao của xã hội chỉ nhờ con đường bịp bợm rẻ tiền, hay những cơ may, ngớ ngẩn đến thương hại, nhờ những hành vi do sự dốt nát mà được hiểu lầm thành có ý nghĩa cao siêu!!!
Trạng Ếch trên đường đi sứ sang Tàu, thấy người đàn bà ngồi tiểu tiện, tức cảnh đọc lên:
Hai tay dí bẹn đỏ hăng hăng.
Khi được quan Tàu thử sức, ra câu đối:
Nam bắc lai triều du tể tể.
Anh ta nào có biết gì chữ nghĩa, thơ văn mà đối đáp, nên cứ đọc bừa câu trên, liền được quan Tàu nghe thành:
Ðông tây chí biện đổ hân hân.
Rõ ràng là đối rất chỉnh, vua Tàu nghe được, khen tặng cho danh hiệu Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Trạng Quỳnh, Ba Giai Tú Xuất là gì nếu không phải loại người chuyên lừa đảo, toan tính những chước lưu manh rẻ tiền. Nếu cho rằng đây chỉ là những chuyện để cười, mua vui chốc lát; thì cái vui trong những điều xấu xa cũng không đáng lưu hành. Có người biện minh cho rằng những truyện trên nói lên phản ứng của dân gian đối với giai cấp thống trị trong một giai đoạn không tốt của đất nước. Cũng tạm chấp nhận được, nhưng rõ ràng nó đã tiêm sâu vào trí óc con người những nọc độc phi luân, phi nhân bản. Con người dễ dàng học theo những điều xấu hơn những điều hay. Những phản ứng tiêu cực này không thể đóng góp để cấu thành ý thức cách mạng thay đổi cuộc diện và đưa chế độ đến tốt đẹp hơn. Trái lại, nó đưa đến tình trạng buông lơi, phó mặc, nói theo kiểu nôm na là cứ ngồi mà chửi cho sướng miệng, thế thôi, khó có thể có những hành động quyết liệt, hữu ích.
Ðây phải chăng là những vi trùng nằm sẵn trong tâm thức đồng bào ta, cho đến khi cái mụt ghẻ Cộng sản phát khởi, thì nó như cá gặp nước, kết hợp với nhau tác hại trên cơ thể gầy còm của một dân tộc vốn quá nhiều tai ách đau thương.
Cứ nhìn tư cách bọn cán bộ Cộng sản, thì thấy rõ ràng chúng đủ tiêu biểu cho những Trạng Ếch, Trạng Lợn, thằng Cuội những tên cặn bả xã hội nhờ bịp bợm, dối lừa mà nên danh phận, ngồi xổm trên đầu chúng dân hàng chục năm qua. Chúng chỉ biết bòn rút mà không có kế sách làm cho đất nước mạnh giàu. Ai còn nhớ những ngày đầu chúng vừa từ Bắc vào Nam, miệng mồm huyên hoang, nói khoác một buớc đến trời, nói mà không biết ngượng, không biết đối tượng đang nghe là ai. Thời kháng chiến, đồng bào ta đã có câu: “nói láo như Vẹm” (Vẹm là tiếng gọi tắt của hai chữ Việt Minh) Chúng đã cư xử như thế nào với người đã ngã ngựa, những người miền Nam không hề động chạm đến tài sản an nguy của chúng ở Bắc? Lừa gạt đẩy hàng trăm ngàn anh em quân nhân, chiến sĩ ta vào hàng trăm trại tù khổ sai; nói mười lăm ngày, mà giam giữ triền miên hàng chục năm trời, đày địa, sỉ nhục cho thoả mãn nổi tự ti đê hèn của chúng. Như thế có khác gì nàng Tấm làm mắm em mình để gửi cho mẹ ghẻ ăn.

Cộng sản thành công ở miền Bắc trong việc lôi cuốn một bộ phận nông dân theo chúng. Ðó là những người thấp bé, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội phong kiến thực dân, thêm những người thiếu năng lực, chây lười, thiếu cơ may; tự nhiên nhờ theo Cộng sản trở nên những chủ tịch, bí thư, giám đốc mà uy quyền tưởng như tuyệt đối. Trong cải cách ruộng đất ở một xã nọ ngoài Bắc, chúng cho một tên chăn trâu 15 tuổi ngồi ghế chánh án cái gọi là toà án nhân dân, biểu quyết xử tử hình hàng chục người dễ dàng như ta ăn một miếng bánh.
Vừa thoả mãn khát vọng quyền lực, vừa đổi đời để có cuộc sống xa hoa, hoàn toàn không phù hợp với khả năng thực của chúng, bọn này ắt phải bám vào chế độ Cộng sản để tồn tại mà tiếp tục hưởng thụ. Chúng không bao giờ chấp nhận một sự thay đổi nào khác có thể trả chúng trở về địa vị cũ. Trong xã hội tự do, quan niệm chức vụ chỉ là một sự phân công tạm thời, khi nhà cầm quyền từ bỏ địa vị vì hết nhiệm kỳ, họ trở lại đời sống bình thường nhẹ nhàng, thơ thới, sẵn sàng làm bất cứ một công việc gì hợp khả năng, mà không hề so bì rằng ngày trước ta đã làm chức này chức nọ. Thực ra thì họ vẫn tìm được một địa vị xứng đáng, vì họ có thực học, thực tài. Do đó, ít có chuyện tham quyền cố vị; và ngay cả khi có quyền, họ vẫn hành sử đúng mực trong chức năng mà cử tri giao phó.

Kể từ 1930 khi đảng Cộng sản ra đời cho đến nay, chúng không ngừng nêu lên câu khẩu hiệu: “Xây dựng con người mới Xã hội chủ nghĩa”. Kết quả là sau 65 năm, chúng đã tạo ra trong xã hội những lớp người nghi kỵ nhau, lừa đảo nhau, khoác lác, bịp bợm, sẵn sàng đạp lên đầu nhau mà sống. Chúng ngớ ngẩn vì bị bưng bít trăm bề, chỉ nghe độc một luận điệu cộng sản. Chúng hiểm độc, thô bạo làm băng hoại cả nhiều thế hệ. Cho đến khi nào dành lại chính quyền, người quốc gia chúng ta sẽ phải đối đầu với nan đề xã hội này; phải mất hàng chục năm để thay đổi tư duy con người cho phù hợp với yêu cầu của một xã hội tân tiến, nhân bản.

Văn hoá là sản phẩm của con người; vì thế văn hoá cũng có thể được san định lại do con người. Gạn lọc những điều tiêu cực, duy trì và phát triển những điều hướng thượng, đầy tính nhân bản dựa trên những tín niệm: Trí, Nhân, Dũng, Thành. Một nền văn chương xứng đáng là nền văn chương cổ vũ cho tình tự dân tộc, tình thương yêu giữa những con người, biết tự trọng, tương kính, có tinh thần đấu tranh tự lực, công bằng, hy sinh, dựa trên trí tuệ. tài năng và sự chuyên cần. Không có phép mầu nào đưa dân tộc đến quang vinh, cường thịnh ngoài chính nỗ lực của dân tộc đó. Chúng ta thà san định lại, có ít mà tinh túy hơn có nhiều mà tạp nhạp.