Thời Sự Hàng Tuần – Tranh Luận Lần thứ Ba giữa các Ứng Cử Viên Tổng Thống Hoa Kỳ

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

A.- Những điều xảy ra trước cuộc tranh luận.th-1

Vấn đề Wikileaks. Tính đến nay Wikileaks đã tung ra 18053 emails có liên quan đến bà Clinton và Clinton Foundation cũng như Ủy ban Vận Động tranh cử của bà Clinton. Trong số những emails mới tung ra, có rất nhiều về ông John Podesta, là Trưởng ban Vận động Tranh Cử của bà Clinton cùng những rối ren, bàn bạc về âm mưu của các thành viên trong Ủy ban nhằm triệt hạ đối thủ chính trị cũng như bao che cho ứng cử viên nhà.

Wikileaks do ông Julian Assange lập ra nhằm truy tìm những văn bản được lưu trữ trên liên mạng về nhiều lãnh vực, sau đó tung ra như một sự tiết lộ những điều bí mật mà các chính phủ, cơ quan… muốn giấu diếm. Ông Assange đã bị Hoa Kỳ gán cho một án về lạm dụng yình dục và phải chạy trốn sang Âu Châu. Ông hiện ẩn thân với tư cách tị nạn trong Toà Đại sứ nước Ecuador tại London (Anh Quốc) dể không bị giải giao về Hoa Kỳ.

Theo báo Washington Post, nguồn tin chính thức từ Bộ Ngoại Giao Ecuador xác nhận đã ra lệnh cho Đại Sứ của Ecuador tại London tạm thời không cho ông Julian Assange sử dụng phương tiện internet, vì những tin tức được WikiLeaks phổ biến đã gây ảnh hưởng to lớn đến cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc ngoại giao của chính phủ Ecuador là không can thiệp vào nội tình các quốc gia khác. Bộ Ngoại Giao Ecuador cũng nhấn mạnh: Chính phủ Ecuador không muốn gây xáo trộn những cuộc vận động tranh cử tại Mỹ, cũng như không hề có ý hậu thuẫn bất cứ ứng cử viên tổng thống nào. Chính phủ Ecuador minh định rằng họ hoàn toàn độc lập khi đi đến quyết định này, không hề chịu bất cứ áp lực nào của ngoại bang (ý nói Hoa Kỳ).

John Kerby, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng xác nhận: Mặc dù quan ngại trước những tài liệu được WikiLeaks bạch hoá, chính phủ Mỹ không có bất cứ sự liên hệ nào về việc chính phủ Ecuador quyết định không cho WikiLeaks sử dụng internet .

  1. Trong các emails của Ủy ban Tranh Cử của bà Clinton, người ta tìm thấy một vài văn bản chứng tỏ rằng bà Hillary cũng đã soạn sẵn một thư xin lỗi về việc sử dụng server riêng, nhưng sau đó đã không gửi ra. Trong khi đó, thì trước cuộc điều tra của Quốc Hội, bà đã chối quanh co. Khi thì bà không hề gửi và nhận các emails có đánh dấu “Mật”. Xin nhắc qua, chữ đánh dấu mật là Classified, có nghĩa là các hồ sơ được xếp loại từ Confidential (chỉ dành cho những người tín cẩn); Secret (Mật), và Top Secret (tối mật) Hai phân loại sau chỉ dành cho các giới chức cao cấp có tầm cỡ, có trách nhiệm và khả năng giải quyết mà thôi. Có lúc thì bà ngụy biện rằng bà không biết chữ “C” (viết tắt chữ Confidential) có ý nghĩa ra sao; có lúc bà lại đổ thừa các hồ sơ này không đánh dấu gì nên bà coi là hồ sơ thường. Có thể nói, bà ta đã đánh giá những người nghe là những trẻ con hay người dân ít học. Vì trong cương vị một luật sư, từng đảm nhiệm các chức vụ cao cấp nhất có tính cách quốc phòng, an ninh, bà phải biết, phải được hướng dẫn về các công tác bảo mật; và với điều mà người ta gọi là Common Sense, một người dù ít hiểu biết như bà cũng phải có trí phán đoán khi đọc một tài liệu để biết mức độ quan trọng của nó. Nói như Bernie Sanders, và được Trump lập lại nhiều lần, bà là người kém sự phán đoán nếu không nói là gian dối.

Những âm mưu nào về vụ FBI điều tra bà Clinton ?

  1. Người ta cũng phát hiện rằng ông Patrick Kennedy, Thứ Trưởng Ngoại Giao đã liên lạc và gây áp lực với cơ quan FBI để yêu cầu sửa đổi các sự phân loại trong các hồ sơ mật mà bà Clinton giao nộp cho FBI. Làm cho các hồ sơ “Mật” trở thành hồ sơ thường để chạy tội cho Clinton. Đây là điều mà người ta gọi là Quid Pro Quo (bánh ít trao đi bánh qui trao lại) giữa bộ Ngoại Giao và cơ quan FBI. Điều này cho thấy hành pháp Obama đã ra hết sức để bảo vệ cho Clinton. Quý vị còn nhớ trong khi FBI điều tra bà Hillary, thì ông Bill Clinton đã bay đến phi trường Phoenix Arizona để gặp và trò chuyện với bà Bộ Trưổng Tư Pháp Loretta Lynch trong hơn 30 phút. Kết quả, là Giám Đốc FBI đã trả lời trước Quốc Hội rằng bà Clinton chỉ bị lỗi “Extreme Carelessness” nên coi như không phạm pháp, và sau đó Bộ Tư Pháp không truy tố bà ta.

Đứng về phương diện luật pháp mà nói, thì Extreme Carelessness cũng không khác gì tội danh Negligence. Với tội danh Negligence, khi ra toà, bị can phải chịu hình phạt dù không cố tình vi phạm nhưng đã gây ra thiệt hại cho người khác. Cũng như trong phạm trù luật pháp và đạo đức, có hai chữ “Innocent” và “not guity”. Trong một vụ án, người được coi là Innocent (tiếng Việt gọi là ngây thơ vô tội), vì do sự không can hệ gì đến sự việc. Người Innocent trong sáng, lương tâm bình an. Nhưng một nghi phạm khi được toà phán là “not guilty”, thì do toà không đủ yếu tố để buộc tội, dù các tang chứng khác rành rành. Người “not guilty” rõ ràng có dính líu, có tội, nhưng thoát khỏi lưới pháp luật là do các điều kiện khắt khe trong việc kết thức một hồ sơ vụ án hay do khe hở của luật pháp mà luật sư bào chữa thoát tội cho nghi can mà thôi.  Bà Clinton được coi là “not guilty” do hành pháp từ Tổng thống Obama đến các Bộ Trưởng, Giám Đốc bao bọc, các dân biểu phe Dân Chủ hùa vào che chở. Nhưng trong cách nhìn của quần chúng bà không innocent trong vụ emails chút nào cả.

Cũng có tiết lộ cho rằng Obama đã biết việc bà Clinton sử dụng server riêng ngay từ đầu. Người ta đánh dấu hỏi, tại sao ông bà Obama ra sức để bảo vệ cho bà Clinton; dù mấy năm trước đây, khi tranh cử, họ đã có những phê phán thậm tệ đối với Clinton? Obama đã dùng thì giờ công vụ và phương tiện do tiền thuế của dân để bay đi vận động cho Hillary. Người ta nghĩ rằng họ có những quan hệ nào đó mà nếu bà Clinton thua trong kỳ bầu cử, sẽ phải bị truy tố, thì Obama cũng bị dính líu trong chừng mực nào đó chăng?

  1. Hillary đã đáo hạn phải trả lời hữu thệ 25 câu hỏi do Judicial Watch đưa ra. Nhưng bà ta đã né tránh bằng cách trả lời rằng không nhớ gì trong hầu hết các câu hỏi (20 trên 25 câu) mà sẽ dẫn đến việc chứng minh sự vi phạm của bà ta. Nhắc lại: bà từng chối không có hồ sơ mật – không biết chữ C là gì – Hồ sơ không ghi chú mật hay không… Bà ta đã dùng cách này trong rất nhiều lần, như khi bị điều tra bởi FBI. Cũng như những ngưới thân tín của bà từng hàng chục lần dùng Tu chính án số 5 (Miranda Law) để không trả lời các câu hỏi của Ủy Ban Điều Tra. Luật Pháp Hoa Kỳ nhiều lần đã tỏ ra bất lực trước việc bị can sử dụng Tu Chính Án này. Sau này có ít nhất là 5 người thân cận của Hillary đã yêu cầu được miễn tố thì mới khai báo và giao nộp các máy vi tính cho FBI.
  1. Cùng một lúc gần ngày bầu cử, có 11 bà nhào ra tố cáo Trump về bê bối tình dục. Sao không tố cáo hàng chục năm qua? Sao không tố ngay khi Trump mới ra ứng cử? Phải chăng đây cũng là trò bẩn để đánh lạc hướng những điều phát giác của Wikileaks về Clinton?
  1. Trump tố cáo đã có sự gian lận trong việc bầu cử. Đã có nhiều bằng chứng về việc ghi danh những người di dân không giấy tờ hợp pháp (undocumented illegal immigrants) tại nhiều tiểu bang. Chúng ta còn nhớ Thống đốc Virginia còn muốn ghi danh cho bọn tội phạm (felons) đang ở tù được bỏ phiếu. Thống Đốc California cấp giấy tờ hợp pháp cho hàng trăm ngàn di dân lậu, và nhiều Tiểu Bang đòi cho người không có các thẻ căn cước có dán hình phải được đi bầu phiếu!…

Trong một đoạn Video mới tung ra cho thấy có vài thành viên trong Ủy Ban Tranh Cử đảng Dân Chủ đã chuyện trò về âm mưu quậy phá những cuộc tập hợp cử tri của ông Trump bằng cách khích động để gây bạo động. Ông Scott Foval, Giám Đốc tổ chức Americans United for Change và ông Robert Creamer người cầm đầu nhóm Democracy Partners đã tuyên bố rút ra khỏi Ủy Ban Tranh Cử của Clinton vì những tố cáo nói trên.  Cuốn video dài 32 phút này được tung ra trong 2 đợt ngày thứ hai và thứ ba do James O’Keefe, một nhà hoạt động phe Bảo Thủ giả dạng người ủng hộ bà Clinton để xâm nhập vào tận trong nơi làm việc của Ủy Ban Vận Động Tranh Cử. Các lời trò chuyện cũng bàn đến việc gian lận bầu cử.

Ông Creamer không xa lạ với Tổng thống Obama. Người ta cho biết trong gần 8 năm Obama làm Tổng thống, Creamer đã ra vào gặp Obama tại Toà Bạch Cung đến hơn 400 lần. Trung bình mỗi tuần 1 lần. Để làm gì? Có trời biết.

  1. Trong lần tranh luận lần thứ ba này, có tin ông Malik Obama, người anh em cùng cha khác mẹ với Tổng thống Obama sẽ tham dự đứng về phía Trump. Không rõ ông đóng vai trò gì vì qua cuộc tranh luận, không thấy nhắc đến ông ta. Ngoài ra còn có sự tham dự của bà mẹ ông Sean Smith. Sean là nhân viên Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Lybia và đã bị quân khủng bố giết cùng lúc với Đại Sứ Stevens cùng vài nhân viên khác khi chúng tấn công vào Benghazi hồi 11 tháng 9, năm 2012. Bà Smith cáo buộc trách nhiệm về cái chết của con bà lên vai Hillary Clinton mà theo ông Trump, Đại sứ Stevens đã hơn 600 lần kêu cứu và bị Hillary làm ngơ không có biện pháp giải cứu. Bà Smith nói rằng bà đến để nhìn thẳng vào mắt bà Clinton, và nghe bà ta lại nói láo. “I want to look in Hillary’s eyes, and have her lie to me again
  1. Một chuyện, tuy không ra gì, nhưng cũng đang được phổ biến trên báo chí, truyền hình và các trang mạng. Chiếc xe bus của Đảng Dân Chủ bị bắt quả tang phóng uế khi xe đang đậu ở trên đường Grayson Highway thuộc thành phố Lawrenceville, Tiểu Bang Georgia. Chiếc xe này tạm dừng trên đường đi lại giữa hai thành phố nhằm vận động bầu cử cho Hillary Clinton vào hôm thứ ba. Cảnh Sát địa phương đã đến tận nơi điều tra và cho hay chất thải của người, cùng giấy lau (toilet paper) vứt bừa bãi trên mặt đất phía bên phải của nơi đậu xe. Ông Mike Robins, chủ một cửa tiệm gần đó đã chụp nhiều tấm hình, trong đó có hình cho thấy chất nước thải chảy xuống đường từ phía dưới của chiếc xe bus.

https://www.facebook.com/foxandfriends/videos/1190847587669502/(CBS46) –

http://www.cbs46.com/story/33418363/witness-dnc-tour-bus-dumps-human-waste-into-storm-drain#ixzz4NXtAA5bZ

B.- Tranh luận lần thứ ba cũng là lần chót giữa 2 UCV Trump và Clinton

Điạ điểm và ngày giờ: Đại Học Nevada, tại Las Vegas, lúc 8 giờ (CT) ngày thứ Tư 19/10/2016. Điều hợp viên Chris Wallace của đài FOX NEWS.

Từ 20 năm nay, các cuộc tranh luận chót này lôi kéo trung bình 45 triệu người theo dõi. Khác với lần trước, lần này hai gia đình của Trump và Clinton bước ra hàng ghế đầu để ngồi đã không ai bắt tay ai cả.

Thể lệ cũng như lần tranh luận trước. Trong 90 phút sẽ có 6 vấn đề được nêu ra, hai bên đều có thời lượng ngang nhau để trả lời và phản bác. Ông Chris Wallace cũng nhắc cho những người tham dự là không vỗ tay hoan hô hay lên tiếng phản đối hai ứng cử viên.

1.- Mở đầu là vấn đề bổ nhiệm Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, có thể sẽ có đến 3, 4 vị thẩm phán qua đời, mà tân Tổng thống phải bổ nhiệm người mới.

Ông Wallace hỏi bà Clinton trước rằng bà sẽ bổ nhiệm thẩm phán trên tiêu chuẩn nào? Bà trả lời người Thâm phán phải đứng về phía dân chúng chứ không đứng về phía những kẻ giàu có hay nhiều quyền lực. Thẩm phán phải bảo vệ các quyền con người và có khả năng đoàn kết các tầng lớp dân chúng. Ông Trump thì cho rằng Thẩm Phán phải bảo vệ quyền trong Tu Chính Án số 2 (quyền mang vũ khí), bảo vệ sinh mạng (pro-life) và phải làm sao bảo vệ Hiến Pháp theo đúng ý nghĩa mà những vị khai quốc đã đề ra và mong muốn.

Bà Clinton nêu ra con số 33000 người chết do vũ khí bừa bãi để nói lên ý định của mình là sẽ có những regulations để hạn chế. Bà kết án ông Trump được sự yểm trợ của Hội Súng Trường (National Rifle Association) và các nhà sản xuất vũ khí..

Ông Trump thì kết án ngược lại bà Clinton đã ủng hộ việc phá thai, cho dù phá thai ở giai đoạn chót của sự mang thai, khi hài nhi đã tượng hình đầy đủ và coi như một con người. Bà Clinton phê bình các Tiểu Bang có những luật lệ khác nhau về việc phá thai, bà cho rằng chính phủ không được can thiệp vào việc phá thai. Bà cũng tuyên bố ủng hộ cơ quan Planned Parenhood mà trước đây quý vị từng biết đến việc họ âm mưu bán những bào thai để lấy tiền.

2.- Kế đó là vấn đề di dân bất hợp pháp giữa hai khuynh hướng đối nghịch nhau.

Ông Trump lập lại những trường hợp bọn di dân bất hợp pháp gây tội phạm, giêt những người Mỹ vô tội, vận chuyển ma túy qua bên giới… để sau đó ông chủ trương phải xây bức tường biên giới. Bà Clinton thì khoe từng đi nhiều nơi, thăm hỏi những gia đình di dân bất hợp pháp trong có có con cái đã là công dân Mỹ. Bà cho rằng biện pháp trục xuật của Trump sẽ tạo ra tình trạng gia đình bị chia cắt. Bà nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là xứ sở của người di dân. Bà chủ trương tạo điều kiện cho di dân bất hợp pháp được ra khỏi bóng tối để kiếm công ăn việc làm đẩy mạnh kinh tế quốc gia.

Khi bị gặn hỏi về việc biên giới, bà Clinton lại nói rằng bà cũng chủ trương “Secure border”. Ông điều hợp viên Wallace bèn nhắc đến một bài nói chuyện của bà trước đám tài phiệt Goldman Sach rằng bà chủ trưong “Open border”. Hillary đã nói trại ra rằng bà muốn đề cập đến việc trao đổi năng lượng sạch! Rồi để né tránh phải trả lời thêm, bà chuyển qua việc tố cáo Nga xâm nhập hệ thống điện toán Hoa Kỳ để phá hoại.

Sau đó hai bên cãi qua cãi lại về vụ Syria. Clinton nói rằng ông Trump là bù nhìn của Putin. Trump cũng tố ngược lai Clinton là bù nhìn… Ông Wallace phải hỏi gặn ông Trump có kết án Nga đã xâm nhập hệ thống điện toán Mỹ không. Trump trả lời ông cũng thế. Ông còn nói việc Hoa Kỷ bỏ ra hàng chục tỷ đô la vào Syria và Trung Đông, rồi sau đó để cho Nga  nhảy vào; đó là hậu quả của chính sách lưng chừng yếu đuối của hành pháp Obama mà Clinton cũng có dự phần vào. Bà Clinton thì hứa sẽ làm việc với các nước đồng minh để làm cho thế giới được an toàn hơn.

3.- Khi đề cập vấn đề kinh tế, ông Trump kết án bà Clinton chủ trương mở rộng chính phủ đồ sộ hơn, tăng sự chi tiêu trong khi nợ quốc gia đã hơn 19.5 ngàn tỷ (tăng hơn hai lần so với thời Tổng thống Bush). Clinton thì hứa hẹn sẽ tạo thêm công việc, phát triển kinh tế, phát triển năng lượng sạch, phát triển doanh nghiệp nhỏ, tăng mức lương tối thiểu, tranh đấu cho phụ nữ hưởng lương ngang bằng nam giới, đánh thuế cao đối với giới giàu có. Bà còn chủ trương cho sinh viên miễn nợ ngân hàng khi theo học đại học (College debt free)

Trump thì chủ trương giảm thuế các doanh nghiệp để thúc đẩy họ, lấy lại công ăn việc làm mà Mỹ đã chuyển ra nước ngoài hàng chục năm qua.Theo ông các thoả ước giao thương là bất lợi cho Hoa Kỳ, từ NAFTA đến TPP. Ông hứa sẽ thương lượng lại các thoả hiệp trên, nếu không đạt kết qua tốt thì sẽ hủy bó nó luôn.

Clinton dã đổ thừa rằng khi Obama nhận chức, đã thừa hưởng một nền kinh tế thảm hại từ Tổng thống Bush và Obama đã làm cho Hoa Kỳ mạnh hơn. Bà ta quên rằng nợ quốc gia lúc đó là 8 ngàn tỷ, nay đã lên tới gần 20 ngàn tỷ. Tốt chỗ nào?

Chính ông Wallace cũng nhận xét rằng Clinton theo đuổi chính sách của Obama, thì cũng chỉ tăng thêm nợ.

Trump cũng lên án Clinton thay đổi lập trường (flip flop) trong vụ Thoả hiệp TPP. Clinton ngược lại tố cáo Trump mua thép của Tàu để xây dựng các cơ sở làm ăn của ông ta. Như thế, chính Trump đã tạo công việc cho người Tàu!

Trump lại chê Clinton đã không làm được gì trong 30 năm qua. Ông nhắc lại việc Bộ Ngoại Giao thời Clinton đã làm thất thoát 6 tỷ đô la.

Vụ này, theo một báo cáo có ghi rằng: “more than $6 billion in which contract files were incomplete or could not be located at all(Hơn 6 tỷ đô la về các hồ sơ hợp đồng đã không hoàn tất hoặc không biết nó nằm ở đâu)

Bộ Ngoại Giao thời Clinton đã không bảo quản các hồ sơ hợp đồng mà đã gây ra những nguy cơ và chứng tỏ thiếu sự kiểm soát nội bộ về các công việc của Bộ. Theo báo cáo, thì đã có sự gian lận, tham nhũng của những người đã cố tình che đậy những bằng chứng bằng cách hủy bỏ những tài liệu trong các hồ sơ hợp đồng. Chính IG (không biết viêt tắt của cơ quan nào, có thể là Tổng Thanh Tra Inpector General) đã tìm thấy những thí dụ được lập đi lập lại vể việc quản lý tồi tệ các hồ sơ này. Trong các hồ sơ đó, có các hồ sơ dính líu đến hợp đồng giữa Mỹ và Iraq (mất 33 hồ sơ trị giá 2.1 tỷ đô la trong số 115 hợp đồng)

Ngoài ra còn có 48 hồ sơ không đầy đủ, cũng có giá trị khoảng 2.1 tỷ đô la.

Những hồ sơ liên quan đến các nước Phi Châu có giá trị 34.8 triệu, cũng không được chứng minh đầy đủ

4. Khi ông Wallace hỏi Trump về vụ có các bà tố cáo ông ta xúc phạm tình dục. Tại sao lại có nhiều bà nhảy ra cùng một lúc như thế. Trump đã lên tiếng phủ nhận những tố cáo đó, coi đó là bịa đặt do những đối thủ của ông tung ra. Ông nêu ra các dẫn chứng gần đây, trụ sở cơ quan bầu cử của đảng Cộng Hoà tại North Carolina bị ném bom xăng đốt phá và những kẻ xấu viết lên tường lời hăm doạ.

Không rõ căn cứ vào đâu, bà Clinton tố giác Trump đã nói câu “lẽ ra tôi không nên làm những điều đó với các bà…” Trump cực lực phản đối, coi đây là bịa đặt. Bà Clinton bốc câu nói bỏ vào miệng ông. Những điều cáo buộc trên là bịa đặt, trong khi việc bà ta phá hủy 33 ngàn emails mà vẫn thoát nạn mới là việc có thật.

Bà Clinton thì nói rằng mỗi lần Trump không thể trả lời câu hỏi hóc buá , thì lại nêu ra những việc khác để né tránh. Bà nói rằng đó là cung cách của ông ta.

5.- Điều hợp viên lại hỏi bà Clinton về việc “Xung Khắc quyền lợi” (conflict of interests) khi bà ta vừa làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, chồng lại làm Chủ Tịch Clinton Foundation. Bà ta lại đánh lạc hướng bằng cách khoe rằng tổ chức Clinton Foundation đã giúp cho hàng triệu người chống bệnh AIDS, rằng tổ chức này được công nhận là nhất nhì. Rằng có đến 90% số tiền quyên góp đi vào tay nạn nhân… Bà còn khoe đã giúp dân Haiti sau vụ động đất. Ông Trump lại phải nhắc chuyện dân Haiti đã thù ghét Clinton thế nào, coi Clinton là kẻ ăn chặn hàng tỷ đồng cứu trợ… Vụ Haiti chúng tôi đã trình bày trong 1 chương trình cách đây hơn 1 tháng.

Bà Clinton lại xoay qua tố cáo Trump trốn thuế trong khi theo bà, có một nửa dân bất hợp pháp đã đóng thuế lợi tức cá nhân (income tax) cho chính phủ. Lạ thật, dân bất hợp pháp thì làm gì có số an sinh xã hội để các cơ sở mướn họ cho vào payroll và khấu trừ thuế lợi tức?

Trump nhân đó cũng kết án bà Clinton nhận tiền nhà giàu để làm lợi cho họ mà thôi.

6.- Về Obamacare, Trump dứt khoát sẽ hủy bỏ và thay vào đó một chương trình mới để người thụ hưởng giảm được tiền đóng góp và chọn bác sĩ, bệnh viện theo ý mình.

7.- Một câu hỏi cuối là các ứng cử viên có chấp nhận ủng hộ đối phương khi họ thắng cử không? Lần trước ông Trump đã nói là sẽ “absolutely support”, lần này thì ông cho rằng cuộc bầu cử đã có triệu chứng gian lận, nên ông, tuy không trả lời thẳng vào câu hỏi, đã cho thấy ông sẽ không ủng hộ đối phương đắc cử. Ông nói “I’ll keep you in suspense

Những điều ông Trump đã không khái thác đủ

Người trong cuộc thường khó hoàn toàn sáng suốt và lanh trí khi đối đáp. Người bàng quan dễ nhìn thấy những khe hở và thường có nhiều ý kiến hay hơn.

  1. Khi bà Clinton đổ thừa việc tiết lộ emails là âm mưu của Nga nhằm can thiệp vào nội bộ Hoa Kỳ, nhằm giúp cho Trump thắng cử. Nếu ông Trump nhanh trí, ông sẽ kết tội hành pháp Obama đã thiếu khả năng bảo mật. Hoa Kỳ lá quốc gia hàng đầu về tin học mà không bảo vệ nổi các servers của mình khỏi bị các nước ngoài xâm nhập, thì nếu bà Clinton tiếp tục chính sách của Obama; bí mật quốc phòng của Hoa Kỳ chắc sẽ bị đối phương nắm trọn. Ông nên nói: Hãy bầu cho tôi, vì tôi sẽ là người kiên quyết làm những thay đổi để nước Mỹ không những hùng mạnh mà còn vượt lên trên các kẻ thù về mọi phương diện
  2. Một điều nữa, nếu tôi là Trump, tôi sẽ nói: “Chúng ta để vấn đề ai xâm nhập vào servers của Mỹ qua bên Dù Nga, Tàu, Bắc Hàn. Tôi chỉ cần bà trả lời cho cử tri Hoa Kỳ biết những điều tiết lộ đó có đúng hay không? Nếu những điều đó bà không chối cãi được, thì có phải bà đã phạm nhiều tội về bí mật an ninh quốc gia, tội gian đối và liệu bà có xứng đáng làm Tổng thống Hoa Kỳ không?”
  3. Việc bà trước đây nói “mở toang biên giới” (open border), hôm nay sau khi tôi nêu ra việc bọn khủng bố huà theo làn sóng di dân, bà lại nói “củng cố biên giới” (Secure border). Vậy bà cho biết sự thay đổi lập trường của bà có phải là điều cử tri đáng tin cậy không?
  4. Điều này ông Trump có nói tới, nhưng không đủ mạnh. Bà Clinton nhiều lần khoe thời gian làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, từng đi đây đi dó để vận động cho nhân quyền, quyền người phụ nữ… Nhưng bà đã thân thiện và nhận tiền các nước Trung Đông là những nơi người ta chà đạp nhân phẩm phụ nữ. Bà đã vì bảo vệ chồng mà sỉ nhục những quý bà từng bị chồng bà lạm dụng tình dục. Như thế, lời nói có đi đôi với việc làm của bà không?
  5. Bà Clinton chủ trương đánh thuế cao giới giàu có. Như thế, việc bà nhận hàng chục triệu của các tài phiệt cho cá nhân, cho việc tranh cử và cho Clinton Foundation. Liệu việc này có trái khoáy hay không. Người ra tranh cử chắc chắn sẽ phải có những chính sách để đền đáp ơn nghĩa những người ủng hộ mình!
  6. Bà Clinton nói rằng mỗi lần Trump không thể trả lời câu hỏi hóc buá, thì lại nêu ra những việc khác để né tránh. Trump cần nhắc cho cử toạ thấy chính bà Clinton cũng rất nhiều lần dùng cách nói lãng qua chuyện khác khi muốn né các câu hỏi mà bà ta bối rối.
  7. Khi nhắc đến hàng ngàn emails mới được tung ra liên quan đến ông John Podesta, Chúng tôi cho rằng phí thì giờ, vì chỉ có những ai quan tâm trong muà bầu cử này mới biết ông này là ai. Còn đa số cử tri chẳng biết ông Podesta là ai. Đa số người Mỹ hiện nay ít quan tâm đền chính trị. Trong chương trình Watters World, Jesse Watters xách máy ghi âm đi khắp phố phường, nơi tụ tập thanh niên để đặt những câu hỏi về lịch sử, thời sự… Có thể nói 95% giới trẻ đã trả lời sai những câu thông thường nhất. Hình như họ chỉ quan tâm đến football, ca nhạc hip hop, thời trang…

Nhận xét

  • Về hai ứng cử viên: Nếu không đào sâu vào những việc làm trong quá khứ, có lẽ người ta sẽ chọn bà Clinton vì dáng dấp mệnh phụ, ăn nói trôi chảy cùng những điều hứa hẹn rất bùi tai. Ông Trump, tuy càng ngày càng tỏ ra mềm dịu hơn trước, nhưng khuôn mặt ông không được bắt mắt, lại nhiều lúc biểu lộ những nét thiếu bình tĩnh. Cả hai đã dùng hết các con cờ thấp để triệt hạ đối thủ. Bà Clinton dùng nhiều hơn, và cả khối yểm trợ phía sau bà kể cả báo chí ta khuynh, đã dùng những màn đánh hội đồng với những ngón đòn không đẹp.
  • Về ông Moderator Chris Wallace. Ông đã soạn các câu hỏi rất chính xác và giá trị để các ứng cử viên có cơ hội trình bày kế sách của mình. Ông có lẽ cũng có phần thiên vị Trump, khi đặt các câu hỏi hóc búa cho Hillary.
  • Nhận xét trên các trang mạng. Những người chịu theo dõi cuộc bầu cử đã có nhiều phản ứng ủng hộ Trump và kết án bà Clinton. Có thể nói 80% đứng về phía Trump. Báo chí thì dĩ nhiên, phe thiên tả cho rằng Hillary Clinton thắng trong cuộc tranh luận; và ngược lại, báo Bảo Thủ thì đánh giá Trump cao hơn.

C.- Những điều sai của Hillary Clinton: 

1.- Hillary Clinton nói rằng Planned Parenthood cung cấp dịch vụ “cancer screenings” cho nên không thể bị tước đi sự tài trợ, cho dù có những sự tranh cãi về vấn đề phá thai.

Thật ra, họ không làm cancer screening nào cả, mà chỉ giới thiệu các phụ nữ đến cơ sở y khoá khác để làm Mammogram (khám ung thư ngực.)

2.- Clinton khi trả lời câu hỏi về phán quyết District of Columbia v. Heller (2008) trong vấn đề Tối Cao Pháp Viện, đã nói bà ta ủng hộ Tu Chính Án số 2, “I support the Second Amendment.”

Trong phán quyết này, TCPV đã tái xác định rằng Tu Chính Án số 2 nhằm bảo vệ quyền sở hữu và sử dụng súng của công dân. Nó nhằm chống lại những người Liberal từng bỏ ra hàng chục năm để thuyết phục dân Mỹ rằng Tu Chính Án này là bảo vệ quyền của tập thể (Collective Interests). Chính bà Clinton đã chống lại phán quyết này. Phát ngôn nhân của bà là Josh Schwerin đã nói rằng Hillary tin rằng phán quyết Heller là một quyết định sai trái.

3. –  Hillary Clinton nói nếu đắc cử, bà ta sẽ không làm cho món nợ quốc gia tăng thêm 1 xu nào.

Một ủy ban gọi là The Committee for a Responsible Federal Budget đã dự đoán với chính sách của bà (tiếp tục các đường lối của Obama) thì chỉ trong vòng một thập niên, nợ quốc gia sẽ tăng khoảng 9 ngàn tỷ do sự gia tăng chi tiêu. Họ uớc tính bà ta sẽ tăng chi khoảng 1.65 ngàn tỷ; trong đó có 500 tỷ cho giáo dục đại học (miễn phí), 300 tỷ cho việc trả lương nghỉ phép vì vấn đề gia đình, và những khối tiền lớn khác cho những chi tiêu về lãnh vực sức khoẻ.

4 – Hillary Clinton nói rằng có đến “33,000 người chết vì súng đạn mỗi năm” 

Bà ta nêu con số trên để hù doạ, làm cho dân chúng thấy mối nguy hại về súng đạn. Thật sự, con số này do bà ta phóng đại lên đến 66%. Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Truyền Nhiễm (Centers for Disease Control and Prevention – CDC), năm 2013, chỉ có 11208 vụ án mạng do súng đạn và thêm khoảng 500 vụ chết do bất cẩn về súng. So với nạn chết do nhiễm độc là 38825, và chết do té ngã là 30208.

5 – Hillary Clinton ca tụng thành tựu về kinh tế của Obama, cắt giảm thâm thủng ngân sách đến 2/3: “He has cut the deficit by two-thirds.”

Theo Breitbart News thì Obama đã làm nợ quốc gia tăng gấp đôi. Trong năm đầu của Obama, ông ta đã bỏ ra 862 tỷ để cứu nguy các công ty qua cái gọi là “the massive omnibus spending bill” (“porkulus”), và qua sự khởi động chương trình “the Troubled Asset Relief Program” (TARP), mà do chính phủ tiền nhiệm ký kết. Ông ta đã đem số tiền này trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tính vào tài khoản năm trước của ông Bush. Nhờ đó, Obama tự cho rằng ông đã giảm được thâm hụt.

6 – Hillary Clinton nói rằng Clinton Foundation sử dụng đến 90% tiền thu cho người thụ nhận.  “We at the Clinton Foundation spend ninety percent — ninety percent — of all the money that is donated on behalf of programs of people around the world and in our own country.”

Chính xác, căn cứ vào hồ sơ khai thuế thì những điều này không đúng.

Peter Schweizer, Chủ Tịch tổ chức the Government Accountability Institute, vừa là Biên Tập Viên báo Breitbart News, và là tác giả cuốn sách Clinton Cash nói rằng Clinton Foundation chỉ chi ra có 6% tiền quyên góp cho các công việc từ thiện. Họ biết điều này do căn cứ trên mẫu khai thuế 990. Ngoài 6% đó, số còn lại Clinton Foundation dùng trả cho các chi tiêu quảng cáo, tiếp thị, quản lý, di chuyển của nhân viên, và hàng trăm thứ linh tinh khác.

Nhà phân tích chính trị Sean Davis, người đồng sáng lập tổ chức The Federalist và cũng là cựu cố vấn cho Thượng Nghị Sĩ Tom Coburn và Thống Đốc Rick Perry, sau khi nghiên cứu hồ sơ thuế của Clinton Foundation năm 2013 đã kết luận rằng tổ chức Clinton đã chi dùng cho các việc về văn phòng nhiều hơn tiền dành cho người thụ hưởng. Họ khám phá rằng Clinton Foundation chi tiêu đến $8.5 million (tức 10% của chi phí năm 2013) cho các cuộc du lịch; và 4.8 triệu (tức 5.6%) cho văn phòng phẩm.